Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Wednesday, June 6, 2012

Dao hai lưỡi - cầm sao cho hiệu quả



Dao hai lưỡi - cầm sao cho hiệu quả
Trong chương trình toán phổ thông, sách giải luôn được xem là con dao hai lưỡi, vì nó có thể giúp ta giải quyết nhiều vấn đề, đồng thời cũng có thể khiến ta đi vào bế tắc. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu một cách để những ai sử dụng loại dao này khỏi bị... đứt tay.
Năm tôi học lớp 12 cũng là năm học thành công, là giai đoạn hoàng kim trong quảng đời đi học của tôi. Ấn tượng nhất là môn Toán. Tôi cảm thấy hài lòng vì đã tìm được một phương pháp tuyệt vời để học các môn Toán, Lý, Hoá - những rào cản lớn của nhiều thế hệ học trò. Nay nhớ lại, tôi xin chia sẽ cùng bạn đọc.

Nói tới môn Toán, nhiều người phải rùng mình khi nghĩ đến việc làm bài tập, một thủ tục quan trọng sau mỗi bài học. Một trong những nguyên nhân lớn của tình trạng này là họ thiếu tự tin và cảm thấy không an tâm, không chắc chắn về bài làm của mình. Họ nghĩ rằng không biết mình làm như vầy có đúng không, kết quả như vầy đúng chưa nhỉ, ... Cho đến khi thầy giáo chữa bài tập trên lớp, họ mới biết được rằng mình đúng hay sai. Trong tình hình chung, 45 phút trên lớp là không đủ để thầy giải quyết hết số bài tập trong sách giáo khoa, càng không thể cho thêm bài tập tương tự để củng cố. Nhiều học trò đã chọn một cách quen thuộc là đi học thêmm, nhà tôi ở rất xa trường nên không thể đi học thêm 2 môn (lúc đó tôi cũng đang học thêm môn tiếng Anh), tôi quyết định sử dụng một quyền trợ giúp khác - sách giải.

Nói về sách giải (lúc đó chưa thay sách), đây là một loại sách hay và có ý nghĩa, chẳng những trình bày khá đầy đủ lời giải của những bài toán trong sách giáo khoa mà còn có hệ thống bài tập tương tự để người đọc rèn luyện thêm. Đọc sách này, nhiều học trò đã bị "đứt tay" chỉ vì quá ỉ lại, lạm dụng sách giải như là một công cụ để chống chế trước thầy cô. Vì không muốn bị lệ thuộc vào sách giải, tôi đã tìm được một cách, dựa vào sức mình là chính mà vẫn sử dụng sách giải, xin nêu ra đây để bạn đọc tham khảo.

    Bước 1: Tự mình giải quyết hết bài tập, phong ấn sách giải
    Ở bước này, người đọc phải dựa vào các kiến thức của bài học và các kiến thức liên quan để giải các bài tập này. Giải hết.
    Bước 2: Tự kiểm tra, tự đánh giá, sách vẫn bị phong ấn
    Nhiều người quá hấp tấp, vừa giải xong các bài tập (mặc dù còn quá sơ sài) đã mở sách ra xem. Điều này là tối kị. Giai đoạn đầu sử dụng sách, tôi cũng đã từng mắc phải sai lầm này, mong các bạn lưu ý.
    Sau khi giải hết các bài tập, bạn phải tự rà soát lại từng bài tập xem có sai sót gì không. Hãy cố mà "vạch lá tìm sâu" cho thật cẩn thận. Cứ tưởng tượng rằng mình không có sách giải.
    Bước 3: Sử dụng sách giải
    Dùng sách giải, kiểm tra từng bài tập, từng bài tập
        Bước 3.1: So sánh đáp số
        Ở bước này, dù kết quả so sánh có thế nào cũng chưa thể kết luận được gì. Đáp số giống có thể do bạn vô tình giống, đáp số khác có thể do sách in sai. Phải xem lại cách làm mới biết.
        Bước 3.2: So sánh cách làm
            Nếu đáp số giống và cách làm cũng giống thì OK.
            Nếu đáp số giống mà cách làm khác thì có thể bạn đã "trúng xìa" hoặc sách đã giải theo cách khác. Rất có thể do sách đã giải theo cách khác, bạn nên lấy đó mà tham khảo thêm.
            Nếu đáp số khác mà cách làm giống thì rất có thể bạn đã tính toán sai, hãy kiểm tra lại.
            Nếu đáp số khác và cách làm cũng khác thì có thể do sách sai, cũng có thể do bạn sai. Trường hợp này thường là do bạn đã sai, gần như hoàn toàn, hãy làm lại.

Ba bước này tuy tôi trình bày hơi lôi thôi nhưng khi áp dụng thì nhanh lắm. Xin lưu ý rằng, một yêu cầu quan trọng của việc làm bài tập là bạn phải hiểu, và khi đã hiểu thì phải làm lại nhiều lần hoặc tìm thêm bài tập tương tự để làm, để hiểu sâu hơn. Chúc bạn thành công.

No comments:

Post a Comment