Nền giáo dục Việt Nam hiện nay mang đậm tính hành chính. Tính hành chính ấy thể hiện ngay trong kiến trúc trường học. Nếu ở phương Tây, trong những trường danh tiếng, chỗ đẹp nhất, trang trọng nhất bao giờ cũng là nhà thờ, thư viện. Còn ở Việt Nam, “nổi” nhất bao giờ cũng là cái cổng, đằng sau cái cổng ấy là cả hệ thống nào gác cổng, bảo vệ, nào xe cộ, hiệu bộ...
GIÁO DỤC CON NGƯỜI BIẾT XẤU HỔ
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
Nền giáo dục Việt Nam hiện nay mang đậm tính hành chính. Tính hành chính ấy thể hiện ngay trong kiến trúc trường học. Nếu ở phương Tây, trong những trường danh tiếng, chỗ đẹp nhất, trang trọng nhất bao giờ cũng là nhà thờ, thư viện. Còn ở Việt Nam, “nổi” nhất bao giờ cũng là cái cổng, đằng sau cái cổng ấy là cả hệ thống nào gác cổng, bảo vệ, nào xe cộ, hiệu bộ...
Về việc học, sinh viên được học chữ, học kĩ năng, học chính trị, học quản lý Nhà nước... nhưng rốt cuộc là học để lấy bằng. Việt Nam là như vậy. Có được mảnh bằng trong tay, cộng với một khoản nào đó hay một mối quan hệ nào đó, kiếm được một chỗ làm và chính chỗ làm ấy dạy con người thành nghề. Ở Việt Nam không học lấy chữ, không học lấy đức mà học lấy bằng. Và hệ lụy của việc học lấy bằng vô cùng tệ hại. Nó làm cho chữ phải biến dạng, đức phải méo mó. Với một nền học vấn hành chính hóa cao độ ấy, giáo viên trở thành những cỗ máy còn học sinh chưa bao giờ được đặt ở vị trí trung tâm. Chưa hề. Trong khi đó, nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới luôn coi trọng người học, đặt người học ở vị trí trung tâm theo đúng nghĩa. Bởi vậy, thứ nhất, giảng đường phương Tây thường được thiết kế tạo độ dốc, sinh viên ngồi bên trên cao vòi vọi, thầy giáo đứng dưới phải nhìn lên thuyết trình. Thứ hai, cuối năm bao giờ sinh viên cũng được quyền đánh giá thầy: Thầy ăn mặc có chỉn chu không, thầy đi dạy có đúng giờ không, thầy dạy có nghiên túc không... Nhưng ở Việt Nam, sinh viên không được phép chấm điểm thầy, mà ngược lại chỉ có thầy chấm điểm sinh viên và không hiếm trường hợp chấm điểm kèm mặc cả.
Đó còn là một nền giáo dục mang tính lễ nghi. Mỗi dịp 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, hàng tá sơ mi, kẹo sôcôla, rượu tây “chạy” một chu trình: từ cửa hàng đến nhà thầy rồi từ nhà thầy lộn lại cửa hàng. Tôi bắt đầu thấy chán, thấy hoảng về một sự lễ nghi mà đằng sau là sự còi cọc về đạo đức, nhân cách ở nhiều phương diện. Đằng sau lễ lạt 20/11 là những phân tâm rất ghê gớm, nhất là trong bối cảnh của năm nay, 2006. Đó là bức tranh pha tạp màu sắc trong nền giáo dục Việt Nam: ở đâu đó có hiện tượng thầy “ăn tiền” chạy trường, ở đâu đó có hiện tượng thầy “đòi tình” con trẻ, ở đâu đó có thầy say xỉn với sinh viên, ở đâu đó có thầy hăng hái “chỉ tội” đồng nghiệp...
Một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, bên cạnh truyền thụ tri thức phải dạy người ta biết xấu hổ. Tại sao nhà thờ lại là nơi trang trọng nhất trong các trường đại học nổi tiếng của thế giới? Bởi, giáo dục phải bắt đầu bằng niềm tin, không có niềm tin không thể có giáo dục. Tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị về tâm linh... là nguồn động lực mạnh mẽ, làm cho con người biết xấu hổ. Học làm người phải bắt đầu bằng học xấu hổ. Người nào còn xấu hổ nhiều, người ấy còn có thể giáo dục được. Chừng nào mất hết dây thần kinh xấu hổ, chừng ấy mất khả năng dạy học làm người.
Muốn xấu hổ phải bắt đầu từ xã hội, bắt đầu từ nghĩa vụ của mình với tập thể, với cộng đồng. Ví như cái ô tô thì nhập về rất nhanh nhưng còn văn hóa của người ngồi đằng sau vô lăng lại là điều cần xem xét lại. Giả thử chị bán rau đánh rơi cân cà chua xuống đường, hàng loạt cái ô tô sẽ đè bẹp dúm cà chua của chị mà không ai xuống để nhặt lên. Liêm sỉ phải bắt đầu bằng giáo dục, bắt đầu bằng việc xấu hổ với chính mình, xấu hổ với việc mình lái ô tô sang trọng như vậy mà đè bẹp lên cà chua của những người dạy từ 2 – 3 giờ sáng, đi bộ 40 – 50 cây số từ ngoại ô vào thành phố cho kịp buổi chợ sáng.
Sự giáo dục như vậy làm con người xấu hổ trước những điều không phải, xấu hổ trước cái ác. Tính hướng thiện, suy cho cùng, bắt đầu từ xấu hổ. Song giáo dục Việt Nam dường như thiếu hẳn, nhất là ở quan chức đôi khi mất luôn khả năng xấu hổ
No comments:
Post a Comment