Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Saturday, June 30, 2012

Loại bỏ hay đổi mới phương pháp giảng dạy truyền thống?



(Dân trí) - Phương pháp thuyết trình có lẽ là phương pháp giảng dạy phổ biến nhất và quen thuộc nhất đối với hầu hết các giáo viên, giảng viên. Nhưng đến nay, phương pháp này còn phát huy tác dụng hay không?

Thuyết trình là một phương pháp giảng dạy truyền thống được ví bằng hình ảnh “rót nước vào bình”: giảng viên là người “rót” những kiến thức cần thiết vào “chiếc bình” chính là các học sinh, sinh viên. Phương pháp truyền đạt này tồn tại từ rất lâu và đã có nhiều người đặt ra câu hỏi có nên áp dụng phương pháp thuyết trình ở các trường cao đẳng, đại học nữa hay không!?    
Có những đánh giá tích cực về phương pháp thuyết trình đã làm cho phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong một thời gian khá dài và cho đến tận ngày nay. Chẳng hạn như đây là phương pháp tối ưu giúp giảng viên có thể truyền đạt một khối lượng kiến thức lớn trong một khoảng thời gian ngắn; Giảng viên hoàn toàn chủ động trong giờ giảng của mình, không gặp khó khăn trở ngại đối với những vấn đề có thể nảy sinh trên lớp; Sinh viên tiếp thu được nhiều kiến thức khi họ nhận được càng nhiều thông tin từ giảng viên; Giảng viên là người hoàn toàn chủ động quyết định nội dung bài giảng; Giảm bớt những khó khăn, thời gian cho giảng viên trong việc chuẩn bị, chỉ cần chuẩn bị bài giảng thuyết trình một lần người giảng viên có thể sử dụng để giảng dạy trong nhiều lần.
 Tuy nhiên, trái ngược lại với các nhận định trên đây, điều mà tất cả các giảng viên dễ dàng nhận thấy khi đứng lớp đó là nếu thuyết trình trong một khoảng thời gian dài thì hầu hết sinh viên đều mệt mỏi khi phải ngồi lắng nghe mà không được chủ động tham gia vào bài giảng. Mặc dù các giảng viên hoàn toàn chủ động về thời gian và nội dung giảng dạy, nhưng giảng viên cũng vẫn rất mệt mỏi như sinh viên. Mặt khác, chỉ có mỗi giảng viên là người trình bày, nên dường như giảng viên là người chịu trách nhiệm duy nhất về thành công và chất lượng bài giảng. Điều này không thể khuyến khích sinh viên tích cực học tập và có tâm lý ỷ lại vào giảng viên. Trong thực tế, rất nhiều sinh viên không thể nhớ được hết những gì mà giảng viên trình bày và thậm chí còn nhớ rất ít. Hơn nữa, việc sinh viên ghi nhớ những kiến thức mà giảng viên truyền đạt trên lớp không đồng nghĩa với việc sinh viên hiểu và có thể vận dụng được trong thực tế. Bên cạnh đó, vì sinh viên không có cơ hội để chia sẻ, đóng góp những kiến thức và kinh nghiệm của mình nên giảng viên đôi khi sẽ trình bày lại những kiến thức mà sinh viên đã biết rồi hoặc không cần thiết. Ngoài ra, giảng viên không thể thu nhận được ý kiến phản hồi từ sinh viên nên họ cũng không thể biết được những nội dung nào mà sinh viên đã hiểu, chưa hiểu và những nội dung nào cần thiết phải điều chỉnh lại.
Chúng ta đang kêu gọi và thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy trong giáo dục đào tạo. Điều này không có nghĩa là loại bỏ hẳn phương pháp thuyết trình ra khỏi các phương pháp giảng dạy nên áp dụng hiện nay. Không thể phủ nhận phương pháp thuyết trình là một phương pháp cơ bản, quan trọng, dễ dàng áp dụng để truyền đạt kiến thức, cung cấp thông tin trên mọi lĩnh vực và đối với các ngành nghề khác nhau. Trong một thời gian ngắn, phương pháp thuyết trình có thể cung cấp một khối lượng thông tin, kiến thức lớn cho một số lượng người nghe đông (lớp học đông), đây là ưu điểm nổi bật mà các phương pháp giảng dạy khác rất khó mà có được. Do đó, khi đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học, giảng viên nên kết hợp sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống với các phương pháp giảng dạy khác (như các phương pháp Làm việc nhóm; Bể cá vàng; Sàng lọc; Đóng vai; Vấn đáp; Chuyên gia…) tiến bộ hơn, hiện đại hơn một cách hiệu quả và hợp lý nhất, tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung, đối tượng giảng dạy và các điều kiện học tập.
Thạc sỹ Phạm Minh Đức
                                                                                                            Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 

No comments:

Post a Comment