Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Chất lượng sống của giáo viên


Có lẽ chưa bao giờ giáo viên nhận được sự quan tâm của xã hội dành cho việc dạy học của mình nhiều như hiện nay.
Từ Quốc hội đến các cấp chính quyền, từ các tổ chức, đoàn thể trong xã hội đến các bậc phụ huynh gia đình đều có tiếng nói góp ý cho hoạt động giáo dục.
Khen có, chê có, vui mừng và hi vọng thì nhiều nhưng bi quan, thất vọng cũng không phải ít.
Giáo viên trước những yêu cầu của xã hội
Tựu trung, giáo viên được xã hội yêu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ. Chất lượng nhân cách. Chất lượng kiến thức. Xã hội đòi hỏi thầy cô phải luyện cho học sinh phương pháp tiếp thu kiến thức, mở mang sự hiểu biết, biết chọn lọc thông tin bổ ích. Xã hội cũng đặt hàng người thầy phải rèn học trò kỹ năng sống - kỹ năng ứng xử, giao tiếp trong đời sống cộng đồng, kỹ năng tổ chức đời sống cá nhân...
Chưa kể một đơn đặt hàng dù không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là yêu cầu giáo viên phải dạy cho học trò... thi đậu.
Học trò đã đi thi thì phải đậu. Không được phép rớt. Các vị lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, dù có tuyên bố sẽ không đánh giá các trường dựa trên kết quả thi cử, cũng khó giữ lòng mình bình tĩnh, khoan dung đối với các đơn vị có tỉ lệ đậu không cao. Các vị hiệu trưởng sẽ khó cầm mình đừng thành kiến với các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy lớp có kết quả đáng buồn sau một kỳ thi. Phụ huynh học sinh và dư luận địa phương ắt không tránh khỏi hoài nghi về năng lực của thầy cô, nhà trường có nhiều học sinh thi rớt.
Thi cử vì thế trở thành một đơn đặt hàng nặng ký. Có thể nói trong thực tế, yêu cầu dạy cho học trò thi đậu nặng hơn nhiều lần so với yêu cầu dạy học trò phương pháp và kỹ năng sống.
Vậy đó, những người hành nghề dạy học đang chịu nhiều loại sức ép và bị ép từ nhiều phía.
Khả năng của giáo viên đáp ứng những yêu cầu của xã hội
Giáo viên có thể làm gì để đáp ứng yêu cầu của xã hội?
Trước hết là yêu cầu giáo dục nhân cách cho học sinh.
Ở nước ta, người dạy học vẫn được tiếng là các bậc mô phạm trong xã hội. Từ nết ăn nết ở đến đi đứng nói năng xử sự, phong thái và lối sống đều giữ sự mực thước theo lề lối nho phong. Xưa đã vậy, nay vẫn thế. Các giáo viên dù đi dạy lâu năm hay mới vào nghề cũng dần được uốn vào lề lối phong thái truyền thống của nghề dạy học.
Nhưng học trò thời nay thuộc trào lưu mới. Các em chịu ảnh hưởng lối sống hiện đại, "Tây", "@"... Tinh thần dân chủ, tự do, phong cách phóng khoáng, ít câu nệ, chú trọng bản sắc độc đáo của cá nhân... là những điểm nổi trội của học sinh thời nay.
Làm thế nào hướng dẫn học sinh phát triển nhân cách theo hướng giữ bản sắc dân tộc truyền thống đồng thời tôn trọng đặc điểm con người hiện đại, trong đó tinh thần tự do và dân chủ là đặc điểm chủ yếu nhất, đó là cả vấn đề đặt ra cho giáo viên.
Liệu người thầy có đủ phẩm chất hiện đại - tôn trọng tự do và nêu cao dân chủ - để đối thoại, chia sẻ và hướng dẫn học sinh?
Tiếp theo là yêu cầu chất lượng tri thức.
Dạy đúng chuẩn kiến thức của cấp học tưởng chừng là một chuyện dễ như trở bàn tay đối với người dạy học vốn được đào tạo bài bản từ trường sư phạm nhưng trong thực tế, việc giúp học sinh có tri thức theo đúng kết quả cần đạt như chương trình cấp học quy định không phải là điều đơn giản.
Mỗi bài học đều gồm hai kết quả cần đạt. Một là kiến thức. Hai là kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức. Nếu giáo viên chỉ phải lo một việc "nhồi" kiến thức (nhằm giúp học sinh có vốn liếng đi thi) thì không nói làm gì, nhưng điều cốt yếu không thể xao lãng là rèn luyện học sinh khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, biết tự trang bị phương pháp và những thao tác cụ thể nhằm giải quyết những tình huống đời sống có cùng điều kiện như bài học trong sách giáo khoa hoặc biết nhận thức, phán đoán, lý giải có cơ sở khoa học những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
Do vậy khi xã hội đặt yêu cầu chất lượng giáo dục - đào tạo chính là đòi hỏi người thầy không ngừng học hỏi, tiếp cận những thông tin mới, tìm hiểu những cách thức, kỹ năng giải quyết vấn đề mới.
Xã hội đòi hỏi ngày càng quyết liệt về chất lượng giáo dục đối với giáo viên, nhưng giúp giáo viên nâng cao chất lượng lại là điều chưa được quan tâm đúng mức.
Giáo viên rất cần được bồi dưỡng để nâng cao chất lượng tay nghề. Không phải là tay nghề dạy cho học sinh thi đậu (một yêu cầu không quá khó), nhưng chính là để dạy học sinh thành người, con người với bản sắc truyền thống của dân tộc đồng thời cũng là con người của hiện đại.
Việc bồi dưỡng giáo viên không chỉ dừng lại và bằng lòng với những lớp học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (hằng năm các sở, phòng giáo dục - đào tạo vẫn tổ chức các khóa bồi dưỡng nhưng vì nhiều lý do hiệu quả không cao) mà chính là dành thêm thời gian cho giáo viên tự học hỏi, nghiên cứu, cung cấp thêm phương tiện, tạo điều kiện làm việc thoải mái cho giáo viên.
Như vậy nói đến chất lượng giáo dục chính là nói đến chất lượng chuyên môn của giáo viên.
Nói đến chất lượng chuyên môn - nghiệp vụ của giáo viên mà không đề cập việc chăm lo chất lượng cuộc sống tinh thần và trí thức của giáo viên sẽ là một thiếu sót lớn.
Thiếu sót này vẫn tồn tại dai dẳng trong nền giáo dục của chúng ta.
Đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục chậm được cải thiện.
Khổng Thành Ngọc - Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment