Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Bốn trụ cột của giáo dục


(Loạt bài này  biên dịch và viết dựa trên những tài liệu của UNESCO về "The Four Pillars of Learning". Bốn trụ cột của giáo dục bao gồm: Học để biết (Learning to know), Học để làm (Learning to do), Học để tự khẳng định (Learning to be) và Học để cùng chung sống (Learning to live together). )
1. Học để biết
Khi bạn học để biết tức là bạn không quan tâm nhiều đến việc tiếp thu lượng kiến thức đã được cấu trúc sẵn mà điều bạn quan tâm là làm sao để nắm vững được các công cụ học tập. Nói cách khác, đó là học cách học chứ không phải học kiến thức. Có thể xem học để biết vừa là phương tiện vừa là mục đích của cuộc sống. Nếu xem đó là phương tiện, bạn cần phải học để hiểu thế giới xung quanh mình, ít nhất là hiểu để có thể sống một cuộc sống được tôn trọng, phát triển các kỹ năng nghề nghiệp và giao tiếp với người khác. Nếu xem học để biết là một mục đích thì việc học này phải xuất phát từ sự yêu thích tìm hiểu và khám phá kiến thức. Khía cạnh này của việc học thường được tìm thấy ở các nhà nghiên cứu, tuy nhiên, với một phương pháp giảng dạy tốt thì ai cũng có thể áp dụng được. Kiến thức của bạn càng rộng thì bạn càng hiểu được nhiều khía cạnh của cuộc sống hơn. Học theo cách như thế khuyến khích sự tò mò trí tuệ nhiều hơn, mài giũa khả năng phê phán và thúc đẩy bạn phát triển các phán xét độc lập của mình về thế giới chung quanh. Với cách nhìn việc học như thế thì mọi trẻ em, dù sống ở nơi nào, cũng phải được cơ hội tiếp cận với một nền giáo dục khoa học và trở thành những người bạn của khoa học trong suốt cuộc đời mình.
Tuy nhiên, vì kiến thức vô cùng phong phú và có thể được phát triển vô bờ bến, thật vô ích khi ai đó nỗ lực học để biết hết tất cả. Thực tế là sau khi hoàn thành giai đoạn giáo dục cơ bản, ý tưởng sẽ trở thành một chuyên gia đa lĩnh vực là một ảo tưởng. Chính vì thế mà các chương trình giáo dục trung học phổ thông và đại học được thiết kế xoay quanh một vài ngành học cụ thể với mục đích là cung cấp cho người học các công cụ, ý tưởng và những phương pháp tham khảo.
Nhưng giáo dục chuyên sâu lại cũng không có nghĩa là không cần giáo dục đại cương. Giáo dục ngày nay phải cung cấp cho người học các kiến thức đại cương rộng rãi, đồng thời cũng phải tạo điều kiện để người học có cơ hội tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu một số các môn học họ yêu thích. Nếu chỉ được đào tạo chuyên sâu, những nhà chuyên môn giỏi chỉ chăm chăm tập trung nghiên cứu lĩnh vực yêu thích của mình và dần dần không còn quan tâm đến những cái người khác đang làm. Đến khi phải cộng tác với người khác thì họ lại thấy khó khăn, bối rối. Nói cách khác, giáo dục đại cương rèn giũa mối liên hệ không gian và thời gian trong xã hội, làm cho người học dễ dàng tiếp nhận những chi nhánh khác nhau của kiến thức. Khi lịch sử của khoa học được viết bởi các nhà sử học thì chính các nhà khoa học cũng thấy được tác dụng của điều này. Cũng tương tự như thế, các luật sư, nhà xã hội học, các nhà nghiên cứu về khoa học chính trị cũng cần phải có những kiến thức cơ bản về kinh tế học. Ví dụ sống động nhất là gần đây một vài thành tựu tiến bộ mà con người đạt được là kết quả của sự giao thoa giữa các ngành học khác nhau. Hãy xem vị giáo sư đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008 Paul Krugman đã ứng dụng hai chuyên ngành mà ông theo đuổi là kinh tế và quan hệ quốc tế để phân tích và hợp nhất các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau trước đây về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.
Vì thế, học để biết chính là học cách học thế nào để phát triển sự tập trung (concentration), các kỹ năng ghi nhớ (memory skills) và khả năng tư duy (ability to think) của mình.

Từ lúc sơ sinh trẻ con đã phải học cách tập trung vào các sự vật và con người. Quá trình rèn luyện khả năng tập trung có thể có nhiều hình thức khác nhau và được hỗ trợ bởi những cơ hội học tập xuất hiện suốt quãng đời người (trò chơi, các chương trình trải nghiệm trong công việc, du lịch, các hoạt động thực hành khoa học, v.v.)
Sự phát triển của kỹ năng ghi nhớ là một công cụ đắc lực cho việc chế ngự dòng chảy thông tin “mì ăn liền” quá mạnh mẽ do giới truyền thông cung cấp. Thật nguy hiểm nếu kết luận rằng con người không cần cải thiện khả năng ghi nhớ của mình do đã có sẵn năng lực lưu trữ và phân phối thông tin. Con người cũng cần phải biết lựa chọn những dữ kiện để “học thuộc lòng”. Một khi dữ kiện đã được ghi nhớ, con người có khả năng thiết lập các mối liên hệ giữa các dữ kiện “có bà con xa lắc xa lơ” với nhau tốt hơn cả máy tính. Khả năng đặc trưng của con người về việc liên kết các dữ kiện được ghi nhớ là quá trình không thể tự nhiên mà có. Quá trình này phải được tập luyện, trau dồi một cách cẩn thận. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng kỹ năng ghi nhớ phải được phát triển từ lúc còn bé, và thật nguy hiểm nếu bỏ đi các bài tập tập kiểu truyền thống ở trường (tức là học thuộc lòng) bởi vì chúng bị cho là quá nhàm chán.
Kỹ năng suy nghĩ (hay tư duy) là điều mà trẻ con học được đầu tiên ở cha mẹ và thầy cô. Quá trình này cần phải chứa đựng trong nó cả hai kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế và tư duy trừu tượng. Vì thế giáo dục và nghiên cứu cần phải kết hợp cả lý luận diễn dịch (deductive) và quy nạp (inductive), mà hai quá trình này thường được xem là đối lập nhau. Trong khi kiểu lý luận này được xem là phù hợp hơn kiểu lý luận kia, tùy vào môn học được giảng dạy, nhìn chung là không thể theo đuổi một dòng tư tưởng logic nếu không kết hợp cả hai.
Quá trình học để tư duy (suy nghĩ) kéo dài suốt đời và có thể được nâng cao bởi bất cứ loại kinh nghiệm nào của con người. Ở khía cạnh này, khi công việc của con người ngày càng bớt nhàm chán họ sẽ nhận ra rằng kỹ năng tư duy của mình ngày càng được thử thách ở nơi công tác.

2. Học để làm
Học để làm liên quan mật thiết đến câu hỏi làm thế nào để giáo dục và đào tạo có thể trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Ở đây chúng ta sẽ phân biệt rõ hai loại công việc: làm công ăn lương (wage-earners) và tự làm chủ (self-employment). Làm công ăn lương phát triển mạnh suốt thế kỷ 20 do sự phát triển của các nền công nghiệp. Với sự tự động hóa ngày càng cao, người làm công ăn lương càng trở nên khó nhận thấy được (intangible). Tuy vậy, làm công ăn lương nhấn mạnh mảng kiến thức trong công việc, thậm chí trong công nghiệp và các ngành kinh tế dịch vụ khác. Tương lai của các ngành kinh tế này xoay quanh khả năng của những người làm công ăn lương trong việc chuyển những tiến bộ trong sách vở thành những sáng kiến để tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới và công ăn việc làm mới. “Học để làm” không còn mang ý nghĩa là đào tạo ra những con người để họ làm một công việc tay chân cụ thể trong một dây chuyền sản xuất nữa. Chính vì thế đào tạo kỹ năng ra đời và mang ý nghĩa cao hơn là việc chỉ áp dụng kiến thức cần thiết vào một công việc thường ngày.
Từ các kỹ năng được chứng nhận trong bằng cấp đến năng lực cá nhân
Vai trò chính của kiến thức và thông tin trong ngành công nghiệp sản xuất làm cho khái niệm kỹ năng chuyên môn của lực lượng lao động (specialist skills) trở nên lỗi thời. Khái niệm đó giờ đổi thành “năng lực cá nhân” (personal competence). Những tiến bộ trong công nghệ và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất mới đòi hỏi và làm thay đổi các kỹ năng nghề nghiệp. Các thao tác chân tay đơn thuần giờ đã bị thay thế bởi các công việc mang tính tri thức và vận dụng đầu óc nhiều hơn (như việc vận hành, bảo trì và giám sát máy móc), hoặc các công việc mang tính thiết kế và tổ chức (bởi vì máy móc ngày nay cũng “thông minh” hơn).
Có nhiều lý do cho việc tăng các kỹ năng cần thiết cho công việc ở mọi cấp độ. Thay vì bị sắp xếp để thực hiện một số thao tác liên tiếp như các nguyên tắc của Taylor về việc sắp xếp lao động một cách khoa học, công nhân trong các xưởng sản xuất ngày nay được chia thành từng tổ, đội lao động hoặc từng nhóm dự án theo mô hình của Nhật Bản. Phương pháp này thể hiện việc “chào tạm biệt” tư tưởng phân chia lực lượng lao động ra thành từng nhóm có cùng thao tác vật lý (mà các thao tác này có thể được học dễ dàng bằng cách làm đi làm lại cho quen). Hơn thế nữa, ý tưởng cá nhân hóa công việc (nôm na là mình biết việc của mình) được “kế tục” bởi sự có-thể-hoán-đổi-cho-nhau giữa các công nhân. Ngày nay các nhà sử dụng lao động có xu hướng đánh giá nhân viên tiềm năng dựa vào năng lực cá nhân chứ không dựa vào những bằng cấp chứng nhận kỹ năng mà họ đạt được vì những kỹ năng này, theo họ, chỉ thể hiện khả năng làm được những công việc chân tay cụ thể. Năng lực cá nhân này được đánh giá qua việc quan sát một tập hợp những kỹ năng và tài năng, kết hợp các kỹ năng được đào tạo với các cách hành xử trong xã hội, các sáng kiến cá nhân và một tinh thần sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Nếu ta thêm một yêu cầu về sự cam kết cá nhân của người nhân viên trong vai trò là các tác nhân tạo ra sự thay đổi, rõ ràng là loại năng lực cá nhân này còn bao gồm cả các tư chất mang tính bẩm sinh hoặc được tiếp thu mà ngày nay người ta thường gọi là các kỹ năng “quan hệ với con người” (“people skills” hay “interpersonal skills”). Trong những phẩm chất đó, kỹ năng giao tiếp (communication skills), kỹ năng làm việc theo nhóm và giải quyết vấn đề (team and problem-solving skills) được xem là quan trọng nhất. Tốc độ phát triển của ngành kinh tế dịch vụ đã dẫn đến sự gia tăng của xu hướng này.
Sự “chia tay” với các công việc tay chân – các ngành công nghiệp dịch vụ
Trong các nền kinh tế tiên tiến có sự “chia tay” với các công việc tay chân. Hàm ý của điều này đối với giáo dục càng rõ hơn nữa khi ta nhìn vào sự phát triển của các ngành kinh tế dịch vụ cả về số lượng lẫn chất lượng. 60-80% dân số trong độ tuổi lao động ở các nước công nghiệp hoá đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Đặc điểm nổi bật của lĩnh vực rộng lớn này là nó bao gồm toàn bộ các hoạt động không phải công nghiệp cũng không phải nông nghiệp, và dù vô cùng phong phú, nó cũng không liên quan đến một sản phẩm hữu hình nào.
Nhiều loại hình dịch vụ được định nghĩa chủ yếu dựa vào các mối quan hệ giữa người với người (interpersonal relationship) có liên quan. Bằng chứng cho điều này được tìm thấy cả ở khu vực dịch vụ tư nhân như dịch vụ bảo vệ, dịch vụ tư vấn công nghệ cao, dịch vụ tài chính, kế toán, quản lý và ở cả khu vực nhà nước như dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục. Ở cả hai khu vực này, thông tin và giao tiếp giữ vai trò sống còn. Khía cạnh then chốt ở đây là việc mỗi cá nhân tiếp thu và xử lý dữ liệu cho một mục đích đã được xác định trước. Trong lĩnh vực dịch vụ, cả người cung cấp và người sử dụng dịch vụ đều có ảnh hưởng đến chất lượng của mối quan hệ giữa họ. Rõ ràng là con người không thể được đào tạo để làm các công việc này theo cách họ học cày một mảnh đất hay làm ra một tấm thép. Những công việc này liên quan đến mối quan hệ giữa người với người, mối quan hệ giữa người công nhân với các vật liệu và quá trình mà họ sử dụng. Sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi phải có những người có các kỹ năng xã hội và giao tiếp tốt – những kỹ năng thường không được dạy ở nhà trường.
Sau hết, trong các cơ cấu công-nghệ-cực-kỳ-cao ở tương lai, nơi mà việc thiếu đi các mối quan hệ sẽ dẫn đến những lệch lạc chức năng nghiêm trọng thì các kỹ năng mới dựa trên nền tảng quan hệ giữa người với người hơn là nền tảng trí tuệ có thể sẽ cần thiết. Việc này sẽ tạo điều kiện cho những người ít được hoặc không được học hành chính quy bài bản. Những phẩm chất như trực giác, lương tri, óc suy xét và kỹ năng lãnh đạo không còn là “đặc sản” của những người có trình độ chuyên môn cao. Những kỹ năng ít nhiều mang tính bẩm sinh này được dạy như thế nào và ở đâu? Vấn đề này cũng na ná như vấn đề dạy nghề được đặt ra ở các nước đang phát triển. Chương trình giáo dục đơn giản không thể được suy ra từ “bản tuyên bố” các kỹ năng và khả năng cần thiết để phục vụ cho một công việc cụ thể nào.
Công việc trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức
Bản chất của công việc rất khác nhau giữa các nền kinh tế ở các nước đang phát triển, nơi mà hầu hết những người đi làm không phải là người làm công ăn lương. Ở những quốc gia nằm trong khu vực châu Phi cận Sahara, một số quốc gia ở châu Mỹ Latinh và châu Á, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ những người làm công ăn lương. Phần lớn những công việc mang lại kế sinh nhai cho họ không đòi hỏi những phẩm chất công tác nào cụ thể và bí quyết (know-how) chính là điều họ rút ra được từ công việc của mình. Vì lý do này mà giáo dục không thể được đúc khuôn theo các kiểu mẫu dường như chỉ thích hợp với các xã hội hậu công nghiệp. Ngoài ra, chức năng của học tập không thể chỉ giới hạn ở công việc mà còn phải đạt tới mục đích rộng hơn, đó chính là sự tham gia chính thức hoặc không chính thức vào quá trình phát triển. Để đạt được điều này, người học cần phải được trang bị các kỹ năng xã hội bên cạnh những kỹ năng nghề nghiệp.
Ở các nước đang phát triển khác, một nền kinh tế hiện đại và phi chính thức phát đạt dựa vào thương nghiệp và tài chính có thể tồn tại bên cạnh một khu vực kinh tế chính thức nhỏ hơn và nông nghiệp. Hai nền kinh tế (chính thức và phi chính thức) song song này cho thấy sự hiện diện của các cộng đồng doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được các đòi hỏi địa phương.
Trong cả hai trường hợp, việc cung cấp các hình thức đào tạo đắt tiền với giảng viên được mời từ các trường nước ngoài và tư liệu giảng dạy quốc tế là không cần thiết. Ngược lại, giáo dục phải được phát huy từ sự phát triển nội sinh bằng cách củng cố các tiềm lực địa phương (local potential) và tinh thần trao quyền lực (the spirit empowerment).
Đến đây, chúng ta phải đối mặt với câu hỏi được đặt ra ở cả các nước phát triển và đang phát triển: Con người học cách hành động một cách thích hợp trong các hoàn cảnh không chắc chắn như thế nào? Họ tham gia vào việc định hướng tương lai như thế nào?

Làm thế nào để con người được chuẩn bị sẵn sàng cho đổi mới?


Câu hỏi này được hỏi ở cả những nước phát triển và đang phát triển. Điều cơ bản của câu hỏi này là làm sao để phát triển các sáng kiến cá nhân. Một điều nghịch lý là, những quốc gia giàu có nhất lại thường bị gò bó ở mặt này vì được tổ chức quá chỉnh chu và hình thức bởi các quy chuẩn, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục, và vì nỗi lo sợ mạo hiểm nào đó do chính sự hợp lý hóa của mô hình kinh tế mang lại. Chắc chắn là các hoạt động thể thao, câu lạc bộ, nghệ thuật và văn hóa mang lại cho con người sự huấn luyện để phát triển sáng kiến cá nhân tốt hơn là hệ thống trường học truyền thống. Sự khám phá các xã hội khác nhau thông qua học hỏi và du lịch cũng có thể khuyến khích các hành vi đổi mới. Từ cách nhìn rất riêng này, người ta có thể học được nhiều điều từ việc quan sát các nền kinh tế ở các quốc gia đang phát triển.

Cuối cùng, ở tất cả các quốc gia, tầm quan trọng ngày càng tăng của các nhóm nhỏ, của mạng lưới và của sự cộng tác cho thấy có nhiều khả năng rằng kể từ nay các kỹ năng quan hệ giữa người với người (interpersonal skills) sẽ là yêu cầu cốt yếu cho công việc. Hơn thế nữa, mô hình làm việc mới, trong cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, sẽ cần đến việc ứng dụng mạnh mẽ thông tin, kiến thức và óc sáng tạo. Sau khi cân nhắc hết mọi điều, ta thấy các hình thức mới của năng lực cá nhân sẽ được đặt trên nền tảng kiến thức lý thuyết và thực hành kết hợp với động lực cá nhân và các kỹ năng tốt về giải quyết vấn đề, ra quyết định, giàu sáng kiến và làm việc theo nhóm.


3. Học để tự khẳng định


Một nguyên tắc rất cơ bản của giáo dục là góp phần hoàn thiện sự phát triển của con người – đầu óc và thể chất, trí thông minh, sự nhạy cảm, gu thẩm mỹ, tinh thần. Mọi trẻ em và thanh niên cần phải được tiếp cận với một nền giáo dục mang lại cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển cách tư duy và phán xét độc lập, để các em có thể tự mình quyết định nên hành xử như thế nào cho đúng đắn khi gặp những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời mình.

Ở khía cạnh này, mục tiêu của phát triển được cho là việc con người, bằng tất cả sự phong phú trong tính cách của mình, có thể diễn đạt được những phức tạp trong suy nghĩ của mình bằng nhiều hình thức khác nhau và làm tốt những vai trò khác nhau của mình - với tư cách là một cá nhân, một thành viên trong gia đình và cộng đồng, một công dân, người sản xuất, người phát minh ra những phương pháp kỹ thuật mới và một người biết-mơ-mộng-một-cách-tích-cực.

Sự phát triển này của một người, bắt đầu từ khi sinh ra và tiếp tục cho đến hết cuộc đời, là một quá trình biện chứng dựa vào kiến thức mình có và các mối quan hệ với người khác. Sự phát triển này cũng cho ta những phỏng đoán rằng người này sẽ có những kinh nghiệm thành công. Với tư cách là một phương tiện đào tạo cá tính, giáo dục phải là một quá trình đặc thù hóa cao độ và cũng là một kinh nghiệm xã hội mang tính tương tác cao.
Từ đầu những năm 70, người ta đã bắt đầu lo sợ những tiến bộ về kỹ thuật sẽ làm cho thế giới trở nên mất dần nhân tính. Vì thế người ta cho rằng giáo dục phải làm sao cho người học có khả năng tự giải quyết các vấn đề của mình, tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về những quyết định đó. (Thông điệp này là tiền đề cho việc giáo dục kỹ năng sống mà hiện nay nước ta đang áp dụng.) Kể từ đó, tất cả các tiến bộ trong những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là sự gia tăng đáng kinh ngạc quyền lực của thông tin đại chúng, đều làm cho nỗi lo sợ đó tăng thêm và tạo ra cảm giác rằng nó càng ngày hợp pháp. Thay vì giáo dục trẻ em trong một xã hội đã định hình sẵn, thách thức mới sẽ là làm sao để mọi người luôn có đủ các năng lực cá nhân và các công cụ tri thức cần thiết để hiểu thế giới, hành xử một cách không thành kiến và đầy trách nhiệm. Hơn bao giờ hết, nhiệm vụ cấp bách của giáo dục là hiện giờ có lẽ là đảm bảo cho mọi người có được sự tự do trong tư duy, phán xét, cảm nhận, sáng tạo để phát triển tài năng của mình và kiểm soát được cuộc sống của mình càng nhiều càng tốt.
Đây không đơn giản chỉ là lời kêu gọi của chủ nghĩa cá nhân. Những kinh nghiệm gần đây cho thấy rằng những gì chỉ là cơ chế tự vệ cá nhân chống lại một hệ thống xa lạ không thân thiện cũng tạo cơ hội tốt cho tiến bộ xã hội. Nơi nào có những sự khác biệt mang dấu ấn của cá tính, sự độc lập và các sáng kiến cá nhân, hoặc chỉ là việc làm đảo lộn một trật tự đã được thiết lập, nơi đó có những đảm bảo tốt nhất cho tính sáng tạo và đổi mới. Từ chối những mô hình công nghệ cao được nhập khẩu để tập trung vào việc tìm hiểu các tri thức và sức mạnh mang tính truyền thống là những nhân tố hiệu quả cho sự phát triển nội sinh. Những phương pháp mới có hiệu quả trong việc giảm bạo lực và đương đầu với các vấn đề xã hội đang được nhìn nhận rộng rãi đều xuất phát từ các thực nghiệm ở cấp cộng đồng địa phương.

Trong một thế giới đầy dao động nơi mà những động lực chính dường như là sự đổi mới trong kinh tế và xã hội thì trí tưởng tưởng và óc sáng tạo phải có một chỗ đứng đặc biệt. Trí tưởng tượng và óc sáng tạo, hai biểu hiện rõ ràng nhất của tự do nhân loại, có thể bị đe dọa bởi việc hình thành “sự rập khuôn” ở một mức độ nào đó của các hành vi cá nhân. Thế kỷ 21 này đang cần những loại tài năng và cá tính khác nhau có khi còn hơn cả những nhân tài xuất chúng, những người mà đương nhiên là cần thiết ở bất cứ xã hội nào. Cả trẻ em và những người trẻ đều cần phải được tạo mọi điều kiện để khám phá và trải nghiệm mỹ thuật, nghệ thuật, khoa học, văn hóa và xã hội, những khía cạnh sẽ góp phần hoàn thiện cho “bản báo cáo” các thành tựu đạt được của những người thuộc thế hệ trước hoặc thế hệ này. Ở trường học, nghệ thuật và thơ văn cần phải có chỗ đứng quan trọng hơn cái chỗ mà hiện nay nó được đặt bởi một số nền giáo dục quốc gia mang tính vị lợi hơn là văn hóa. Mối quan tâm phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo cũng sẽ khôi phục lại giá trị của nền văn hóa và tri thức truyền miệng được đúc kết từ kinh nghiệm của trẻ em hoặc người lớn.


4. Học để cùng chung sống

Bạo lực thường chi phối cuộc sống trong thế giới đương đại này, tạo nên một mâu thuẫn đáng buồn đi ngược với những hy vọng vào các tiến bộ mà nhân loại có thể đạt được. Lịch sử nhân loại thường xuyên bị đe dọa bởi mâu thuẫn, nhưng nguy cơ còn lớn hơn do hai yếu tố. Một là, tiềm năng tự hủy diệt vô cùng to lớn mà con người đã tạo ra trong suốt thế kỷ 20. Kế đến là khả năng của thông tin đại chúng trong việc cung cấp cho toàn thế giới những thông tin và báo cáo không thể thẩm tra được về các mâu thuẫn đang diễn ra. Dư luận quần chúng trở thành một người quan sát vô dụng hoặc thậm chí là con tin của những kẻ khởi xướng hay duy trì mâu thuẫn. Cho đến giờ, giáo dục vẫn chưa thể làm gì để giảm nhẹ tình trạng này. Chúng ta có thể làm tốt hơn bằng cách tự giáo dục mình để tránh xảy ra mâu thuẫn hoặc để giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình?
Dù việc giáo dục về tính phi bạo lực trong trường học được đánh giá cao, nhưng thực tế nội dung giảng dạy này cũng chưa đủ. Thách thức càng trở nên khó khăn hơn khi con người có thiên hướng đánh giá quá cao khả năng của mình, hoặc khả năng của nhóm mình để từ đó áp đặt thành kiến lên những người khác hoặc những nhóm còn lại. Hơn thế nữa, một môi trường cạnh tranh chung được thể hiện ở tất cả các nền kinh tế nội địa và quốc tế đang có xu hướng biến tính ganh đua và thành công của cá nhân thành những giá trị hiện đại. Thực tế, tính ganh đua ngày nay đã bị biến thành một cuộc chiến kinh tế tàn nhẫn và một tình trạnh căng thẳng giữa các nước giàu và nghèo, xé toang các quốc gia và thế giới này và làm trầm trọng thêm những sự kình địch lịch sử. Thật đáng tiếc, với việc hiểu sai nghĩa của từ “cạnh tranh”, giáo dục đôi khi lại giúp duy trì tình trạng trên.
Chúng ta có thể làm tốt hơn bằng cách nào? Kinh nghiệm cho thấy nếu chỉ thiết lập mối liên hệ và thông tin giữa những người đáng tin cậy được giao trọng trách dấn thân vào mâu thuẫn để làm giảm nguy cơ (ví dụ như ở các trường học đa chủng tộc và đa giáo phái) là chưa đủ. Nếu những nhóm khác nhau là địch thủ của nhau hoặc nếu họ không có cùng địa vị trong cùng một khu vực địa lý, những mối liên hệ như thế có khi lại có tác dụng ngược lại điều mà nó mong muốn – có khi nó lại tạo ra những căng thẳng ngầm và suy thoái thành cơ hội cho mâu thuẫn xuất hiện. Mặc khác, nếu mối liên hệ này được đặt trong một bối cảnh trung lập với việc theo đuổi các mục tiêu và hoạt động chung, những thành kiến và thái độ thù địch tiềm tàng có thể sẽ nhường chỗ cho một hình thái hợp tác thoải mái hơn, hoặc có khi trở thành tình hữu nghị.
Chúng ta dường như có thể rút ra một kết luận là giáo dục cần phải tiếp nhận hai phương pháp bổ sung cho nhau. Một là, trong giai đoạn đầu của giáo dục, từ lúc còn thơ, trẻ em cần được tập trung khám phá con người. Trong giai đoạn thứ hai và cũng là giai đoạn suốt đời, giáo dục phải khuyến khích con người cùng nhau tham gia vào các hoạt động chung. Đây dường như là một cách hiệu quả để phòng tránh mâu thuẫn hoặc giải quyết những mâu thuẫn tiềm tàng.
Khám phá người khác
Một trong những nhiệm vụ của giáo dục là dạy cho học sinh, sinh viên về sự đa dạng của con người và cũng làm cho các em thấm nhuần nhận thức rằng mọi người đều có những sự giống nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Từ khi ấu thơ, trường học phải nắm lấy mọi cơ hội để giúp các em theo đuổi hai khía cạnh của cùng một phương pháp này. Một vài môn học có thể cung cấp cho các em những cơ hội này, đó là địa lý học về nhân loại trong giáo dục cơ bản, ngoại ngữ và văn chương ở những cấp học cao hơn.
Hơn thế nữa, cho dù là giáo dục trong gia đình, cộng đồng hay trường học thì trẻ em cũng phải được dạy để hiểu những phản ứng của người khác bằng cách nhìn vào các sự việc theo quan điểm của họ (hiểu nôm na là đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu vì sao họ lại hành động thế này hay thế khác). Khi nhà trường truyền đạt được tinh thần thấu cảm này cho các em thì tác dụng tích cực của nó vô cùng to lớn đối với những hành vi xã hội suốt đời của các em. Thí dụ, dạy cho người trẻ nhìn thế giới bằng con mắt của những nhóm người thiểu số hay những nhóm theo các tôn giáo khác nhau là một cách để giúp tránh những hiểu lầm có thể dẫn tới sự gia tăng lòng căm ghét hay bạo lực khi những người trẻ này lớn lên. Vì thế, giảng dạy về lịch sử các tôn giáo hay phong tục tập quán có thể cung cấp một công cụ tham khảo hữu ích để hun đúc những hành vi đúng đắn trong tương lai.
Sau hết, phương pháp giảng dạy quá giáo điều trong trường học thường dập tắt hết những tò mò và phê bình lành mạnh từ phía học trò. Người giáo viên, ngược lại, phải dạy cho học trò cách tham gia vào những cuộc tranh luận sống động để các em nhận ra rằng ai cũng có quyền của mình. Nếu quên rằng mình chính là những “người mẫu” đối với học trò mà vẫn tiếp tục cứng nhắc và giáo điều, giáo viên sẽ làm cản trở sự cởi mở của trẻ với những người xung quanh và bào mòn khả năng đương đầu với những căng thẳng không thể tránh khỏi trong cuộc sống của các em (những căng thẳng giữa cá nhân với nhau, giữa nhóm với nhóm, hoặc lớn hơn là giữa quốc gia với quốc gia). Vì thế, một trong những công cụ cần thiết của giáo dục trong thế kỷ 21 là cần có một diễn đàn để đối thoại và thảo luận.
Hướng đến một mục tiêu chung
Khi con người làm việc cùng nhau trong cùng những dự án với những hoạt động không quen thuộc với họ, những sự khác biệt, thậm chí cả mâu thuẫn giữa họ có xu hướng sẽ giảm dần và có khi mất đi. Một hình thái nhận dạng mới sẽ ra đời từ những dự án như thế, giúp các thành viên nhóm vươn ra khỏi những lối mòn trong cuộc sống cá nhân, vun đắp cho giá trị chung của nhóm và chống lại những gì chia rẽ họ. Một ví dụ dễ thấy nhất là trong thể thao, căng thẳng (nếu có) giữa những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau hoặc quốc tịch khác nhau sẽ dần dần được gắn vào tinh thần đoàn kết và cam kết của toàn đội vì sự nghiệp chung. Trong công việc cũng vậy. Người ta không thể đạt được ngần ấy thành tựu nếu thất bại trong việc vượt qua mâu thuẫn thường xuất phát từ việc sắp xếp thứ bậc để tham gia vào một dự án chung.
Vì thế, giáo dục chính quy phải thiết kế chương trình học sao cho người học có đủ thời gian và cơ hội để đến với các dự án hợp tác ngay từ những năm đầu đời, bắt đầu từ những hoạt động thể thao và văn hóa. Phương pháp này cũng cần tạo điều kiện cho người học tham gia vào các hoạt động xã hội như chung tay làm vệ sinh các khu nhà ổ chuột, giúp đỡ những người kém may mắn, tham gia các hoạt động nhân đạo, lên kế hoạch giúp đỡ những người lớn tuổi, v.v. Những thiết chế giáo dục khác cũng nên tạo ra các hoạt động tương tự như ở trường học. Ở một góc nhìn khác, khi giáo viên và học trò cùng nhau tham gia vào các dự án chung trong trường học, các em sẽ học được phương pháp giải quyết mâu thuẫn và được cung cấp một nguồn tham khảo quý giá khi vào đời.

No comments:

Post a Comment