Hai lần đưa "đồ nghề" dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình là hai lần anh "giáo làng" Lê Thế Lữ (Trường THCS Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) đều "ẵm" được giải thưởng về trường. Những sáng kiến của anh đều... đơn giản, rẻ tiền nhưng tiện dụng rất nhiều cho những buổi đứng lớp.
Thầy giáo Lê Thế Lữ với bộ đồ dùng dạy học mới sáng tạo.
Sáng kiến từ thực tế
Thầy giáo Lê Thế Lữ tốt nghiệp khoa Toán - Lý Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình năm 2002. Cùng năm đó anh về dạy ở Trường THCS xã Gia Ninh. Năm 2005 anh bắt tay vào thực hiện các sáng tạo đồ dùng dạy học phục vụ cho việc dạy học của trường với bộ lắp ghép hình học lớp 7, 8 và mô hình trục số động. Anh bộc bạch: "Thấy bộ đồ dùng dạy học trang cấp tại trường với mô hình tam giác, tròn, tứ giác và bộ khai triển hình học không gian chỉ đáp ứng dạy một số bài có tính chất giới thiệu hình và không sinh động. Khi lên bài, giáo viên phải kẻ, vẽ rất nhiều hình cho mỗi tiết dạy, vừa thiếu chính xác, không trực quan lại mất nhiều thời gian... nên tôi mới mày mò tìm cách cải tiến thêm". Thế là anh Lữ vắt tay lên trán nhiều đêm. Sáng ra thì lân la ở các tiệm làm hàng quảng cáo để hỏi mua các tấm mica, nhôm vụn về nhà làm... sáng tạo.
Và bộ lắp ghép hình học lớp 7, 8 cùng với mô hình trục số động ra đời. Bộ lắp ghép được cấu tạo gồm nhiều miếng mica màu xanh hình tam giác, tứ giác có gắn nam châm ở phía sau để gắn dính lên bảng tôn, bảng từ dễ dàng. Trên mặt hình có đường màu trắng biểu diễn các cạnh, các đường kẻ của hình, bộ dấu góc, ký hiệu cạnh bằng nhau, bộ chữ cái và chữ số cũng có nam châm phía sau để biểu diễn các điểm, góc, cạnh, và đoạn thẳng. Bộ lắp ghép này dùng dạy được rất nhiều bài, nhiều chương, nhiều lớp. Theo đánh giá của hội đồng nghiệm thu tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất (2004-2005), bộ lắp ghép dạy được 8 bài của chương II hình học lớp 7, 10 bài chương I hình học lớp 8 và 5 bài chương II hình học lớp 8. Bộ đồ dùng khá tiện dụng vì dễ lắp ghép, dễ sản xuất đại trà, dễ di chuyển, biểu diễn trực quan, sinh động và chính xác thu hút óc tò mò ham học của học sinh, áp dụng được cho tất cả các trường THCS và hiệu quả hơn hẳn bộ đồ dùng trang cấp mà các trường đang sử dụng hiện nay.
Với trục số động (chưa từng có trong danh mục đồ dùng dạy học của cấp THCS hiện nay), thầy giáo làng Lê Thế Lữ đã khắc phục được tình trạng khi dạy giáo viên phải dùng thước gỗ vẽ trục số lên bảng vừa thiếu chính xác, lại vừa... xấu và không có tính trực quan trước học sinh. Trục động của anh Lữ gồm một trục màu đỏ (một đầu có mũi tên), gắn trên một giá mica trắng, sau có nam châm để hút vào bảng tôn. Dọc theo trục có chia các khoảng bằng nhau làm đơn vị được gắn số từ -5 đến +5 biểu diễn các giá trị nguyên trên trục số. Giá mica có kẹp thanh sắt mỏng để nam châm dính được trên trục số. Khi giảng bài, giáo viên chỉ việc gắn các số nguyên, số hữu tỉ, số thực lên trục số một cách dễ dàng. Cả hai sáng tạo trên của anh Lữ đã đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ nhất của tỉnh Quảng Bình, và được nhiều trường THCS trong nước "xin sản xuất" để áp dụng. Nguyên vật liệu dùng để làm xong mỗi bộ đồ dùng trên, anh Lữ chỉ tốn có 350.000 đồng.
Lên lớp không cần phấn
Năm 2007 anh Lữ tiếp tục đoạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 2 (2006-2007) do tỉnh Quảng Bình tổ chức với "Bảng nam châm và bộ lắp ghép dạy môn toán trung học cơ sở". So với các sáng tạo trước thì sáng tạo lần này cũng... không mấy phức tạp hơn. Đó là một tấm bảng hai mặt màu trắng, khung có rãnh trượt, rỗng ở giữa và có gắn nam châm để dính các vật bằng sắt, thép lên mặt bảng. Bên ngoài mặt bảng là tấm mica trong suốt kẻ lưới ô vuông đều nhau. Vật dụng làm bộ lắp ghép gồm hai thanh thép dẹt làm nền và đường sơn đỏ làm trục số ghép được lên bảng thành hệ trục tọa độ có lưới kẻ ô vuông. Các thanh thép tròn nhỏ khác dính được lên hệ trục tọa độ làm đồ thị hàm số bậc nhất, hoặc gắn lên bảng làm các đường thẳng, đoạn thẳng, tia và nhiều hình khác. Một số đường dây thép nhỏ được uốn cong hình parabol khi gắn lên trục tọa độ sẽ cho thấy rõ đồ thị hàm số bậc hai. Các tấm tôn hình tam giác, tứ giác biểu diễn hình và bộ chữ cái in trên các miếng sắt nhỏ làm các điểm, đỉnh, góc, tia rất dễ cho giáo viên sử dụng trước lớp. Giáo viên muốn biểu diễn hình nào chỉ việc gắn hình đó lên bảng, tiết kiệm được thời gian giảng bài do không phải kẻ vẽ như trước.
Bộ sản phẩm này của anh Lữ cũng chỉ tốn có 500.000 đồng tiền mua nguyên vật liệu, nhưng lại rất bền và dễ sản xuất đại trà. Khi lên bảng, giáo viên không còn cần dùng đến... phấn viết. Nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn về giáo dục ở tỉnh, bộ đồ dùng dạy học của anh Lữ có giá trị sử dụng hơn hẳn đồ trang cấp. Nếu tất cả các trường trên toàn quốc đều trang bị một bộ đồ dùng dạy học của anh Lữ thì số tiền tiết kiệm được sẽ rất lớn. Chưa kể hiệu ích vô hình mà học sinh thu lượm được qua cách học từ bộ đồ dùng dạy học này.
Anh Lữ tâm sự: "Bây giờ thì mừng rồi. Chớ trước đó lắm khi bị vợ cằn nhằn: không biết mần chi mà cứ loay hoay cả ngày, chỉ tốn tiền nhà". Vì những ngày mày mò ban đầu, 70% vật liệu mua về bị anh làm hỏng nên cho đi sọt rác hết. "Vui nhất là học sinh ham học hơn khi có bộ đồ dùng này, các em cũng dễ tiếp thu bài hơn trước nhiều vì mô hình rất trực quan, lại ít khô cứng khi học. Giáo viên như tôi lại có thêm thời gian để cùng học sinh tìm hiểu bài ngay tại lớp".
Ông Lê Công Tráng, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Ninh, cho biết: "Lâu nay trường vẫn thiếu thiết bị dạy học và thường không được đồng bộ, nên thầy Lữ sáng tạo ra các bộ đồ dùng dạy học như vậy là rất quí giá. Nếu không có cái tâm với nghề thì khó có thể trăn trở để làm được như vậy". Còn một tin vui nữa vừa đến với thầy giáo làng Lê Thế Lữ là đã có công ty sản xuất thiết bị trường học đề nghị triển khai sản xuất các bộ đồ dạy học của thầy để sử dụng rộng rãi trong các trường THCS.
No comments:
Post a Comment