Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Những chỉ dẫn giúp người học tham gia giờ học thảo luận hiệu quả


Với vai trò là giáo viên, bạn có nhiệm vụ rèn luyện cho học sinh của mình những kỹ năng sống. Trong đó, trình bày ý kiến và thuyết phục người khác chính là những kỹ năng quan trọng mà bạn có thể giúp học sinh có được thông qua các tiết học thảo luận.
Dưới đây là những hướng dẫn mà giáo viên có thể sử dụng để giúp học sinh hoặc sinh viên của mình có được những kỹ năng cần thiết và thái độ tích cực khi tham gia thảo luận. Mục tiêu của chúng ta là các buổi học được tổ chức theo phương pháp thảo luận sẽ thành công. Bạn hãy cho học sinh hay sinh viên của bạn những lời khuyên dưới đây:
Tham gia vào giờ học thảo luận là điều cần thiết trong lớp học, giúp các em nhanh chóng hiểu bài, tự tin trong lúc nói và rèn luyện tư duy phân tích. Quan trọng hơn, giờ học có thảo luận sẽ giúp các em tạo dựng các mối quan hệ tích cực giữa những bạn cùng lớp với nhau; giúp các em trình bày ý kiến riêng của mình.
Theo các nghiên cứu về sự phát triển của con người, chúng ta sẽ ngày càng giỏi hơn nếu chúng ta đối mặt với thử thách. Đương nhiên, trình bày ý kiến, thuyết phục người khác chính là những thử thách cần thiết cho mọi người.
Đừng đợi cho đến khi bạn có được những lý lẽ hoàn hảo nhất. Nếu bạn chờ đợi điều đó thì có thể bạn sẽ không bao giờ phát biểu trong lớp học. Hãy nói với học sinh rằng tự tin nói ra suy nghĩ của mình là điều còn quý hơn nhiều việc chờ đợi cho đến khi nghĩ ra câu trả lời tốt nhất.
Là giáo viên, bạn hãy giúp học sinh không thấy ngượng nghịu khi đưa ra một ý kiến ‘ngớ ngẩn'.
Hãy chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Giờ học thảo luận sẽ đạt hiệu quả nếu mọi người xem bài trước khi đến lớp. Bạn sẽ không có được những lý lẽ thuyết phục nếu như bạn thiếu thông tin, thiếu kiến thức. Đọc bài trước khi đến lớp chính là cách để các em nắm được những thông tin cần thiết cho buổi thảo luận tại lớp.
Hãy đặt câu hỏi. Những cuộc thảo luận đạt được hiệu quả cao là dựa vào các câu hỏi có tư duy. Hãy nhớ rằng nếu bạn có một câu hỏi về vấn đề đang thảo luận thì có khoảng 20% các bạn cùng lớp cũng có câu hỏi tương tự. 
Người nào cảm thấy bối rối khi HỎI thì cũng cảm thấy bối rối khi HỌC
Hãy nhớ rằng bất kỳ người nào phát biểu trong lớp cũng đang được những người khác theo dõi đánh giá. Vì thế, lời khuyên ‘Hãy đặt câu hỏi . . .' không có nghĩa là các em cứ đặt câu hỏi một cách bừa bãi.
Đừng ngại thay đổi ý kiến hay chuyển đổi lập trường. Trong quá trình tham gia thảo luận, thỉnh thoảng vẫn có lúc các em phải đối mặt với việc mình bị thuyết phục và thay đổi lập trường. Đây là một tín hiệu tốt để chứng tỏ rằng các em khác đã đưa ra những lập luận thuyết phục. Điều này không chứng tỏ rằng em này đã thua mà chứng tỏ rằng bản thân em đã nhận ra vấn đề theo một cách khác.
Và quan trọng hơn hết, các em đã tham gia thảo luận một cách thiện chí chứ không phải tham gia thảo luận với tâm thế thắng thua.
Ví dụ: để thay đổi lập trường, các em có thể nói: "Em đồng ý với nhận định của bạn T, đây là quan điểm mà em chưa chú ý lúc nãy..."
Hãy lắng nghe một cách cẩn thận. Để trở thành một thành viên tham gia tích cực trong giờ thảo luận thì cần phải lắng nghe một cách cẩn thận những gì mọi người đang nói.
Hãy nắm ý chính và đánh giá chúng. Học sinh có thể rơi vào tình trạng rối trí với những ý kiến mà mọi người đã đưa ra; các em hãy cho người nói cơ hội để họ làm rõ quan điểm của họ và cố gắng hiểu những gì mà họ đang trình bày để có đánh giá riêng của bản thân.
Đừng trông đợi tất cả mọi người sẽ đồng ý với ý kiến của bạn. Ông bà có nói: "Chín người mười ý" mà. Tuy nhiên, đừng im lặng chấp nhận sự phản bác của họ. Hãy làm hết sức mình để thuyết phục mọi người rằng bạn nói có lý (và đây chính là lúc bạn phát triển kỹ năng).
Hãy phân tích vấn đề một cách tổng quát nhất. Cố gắng đưa ra những ý kiến thảo luận trước lớp một cách tổng quát, đừng cố bắt bẻ những chi tiết nhỏ nhặt.
Hãy cố gắng giúp đỡ các bạn cùng lớp khi các em hiểu rõ những gì mà họ đang muốn nói nhưng không biết phải trình bày như thế nào.
Ví dụ: hãy nói "Theo em hiểu, ý của bạn A là ...", "Em hiểu ý của bạn B, em xin trình bày lại rõ ràng hơn..."
Hãy chỉ ra những lỗi trong lý lẽ của bạn mình một cách tôn trọng. Khi bạn phản bác ý kiến của bạn mình bằng một thái độ thiếu tôn trọng có nghĩa là bạn vừa cho bạn mình một cơ hội để phản bác lại bạn.
Hãy yêu cầu mọi người tôn trọng bạn (và ngược lại bạn cũng phải tôn trọng họ)
Đừng chê bai khi bạn mình đưa ra những lập luận sai lầm trong lớp. Tất cả mọi người trong quá trình thảo luận tại lớp sẽ có lúc phạm sai lầm (bản thân tôi cũng không ngoại lệ). Đừng nghĩ rằng cách tốt nhất để tránh những sai lầm, đó là không nói gì cả. Hãy phát biểu ý kiến và chấp nhận có lúc ý kiến của mình phát biểu là sai. Đây chính là giây phút các em vượt qua sự sợ hãi của bản thân, vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích.
Là giáo viên, bạn hãy nói với học sinh rằng thà các em thử nói ra suy nghĩ của mình dù nó chưa hoàn hảo còn hơn là sợ nói sai mà không dám nói gì cả.

Hãy nói với học sinh rằng: ‘Nếu các em có điều gì muốn thảo luận thì hãy mạnh dạn phát biểu; đừng chờ đợi người khác phát biểu ý kiến đó thay em'
Đừng cố gắng chiếm lĩnh toàn bộ quyền thảo luận trong lớp. Hãy dành cho các bạn khác có cơ hội để tham gia cùng mình.
Đừng bao giờ buộc miệng phát biểu mà không suy nghĩ. Điều này chỉ khiến bạn dễ dàng mắc sai lầm mà thôi.
Nếu bạn không đồng ý với ý kiến của một người khác thì hãy đưa ra những luận điểm rõ ràng giải thích tại bạn không đồng ý và đồng thời đưa ra những ý kiến để làm rõ ý kiến của bạn.
Nếu bạn không chắc chắn làm cách nào để đưa ra một câu hỏi tốt thì bạn hãy nhờ một bạn khác giúp bạn.
Đừng bao giờ huýt sáo trong lớp trong khi bạn khác đang nói. Đừng bao giờ chế nhạo bạn mình khi họ đưa ra một ý kiến mà bạn không đồng ý. Hành động này rất bất lịch sự và có thể bạn đã làm cho bạn mình mất hết tự tin vì nghĩ rằng lý lẽ mà họ vừa đưa ra thật buồn cười.
Cuối cùng, để giờ học thảo luận đạt kết quả mà bản thân giáo viên mong đợi. Quý Thầy Cô hãy rèn luyện cho học sinh thực hiện tất cả những chỉ dẫn trên vì chúng liên quan với nhau chặt chẽ để hình thành cho học sinh kỹ năng thuyết phục người khác. Tất cả những chỉ dẫn này sẽ giúp cho lớp học hình thành văn hóa thảo luận tích cực và mang lại kết quả thảo luận tích cực.
Nếu đã quên hết tất cả các chỉ dẫn bên trên, không sao! Thầy Cô chỉ cần hướng dẫn học sinh mình nguyên tắc "Lý lẽ tranh luận được đưa ra để tranh luận với lý lẽ của các bạn khác, không phải để chỉ trích bản thân người khác".

No comments:

Post a Comment