Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Quyền có tính cách

Tôi được yêu cầu viết một bài giới thiệu cuốn Suối Nguồn của Ayn Rand. Tuy nhiên, thật khó có thể nói về cuốn sách tốt hơn những gì Rand đã tự viết trong lời giới thiệu cuốn sách. Vì vậy, tôi muốn viết một vài cảm nghĩ cá nhân của tôi nhân những thông điệp mà cuốn Suối Nguồn mang lại. Đó là vấn đề quyền có tính cách.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. “Tính” ở đây được hiểu là “tâm tính”. Cái “tâm tính” này thường được triển khai thêm bằng những tính từ như hiền lành, bướng bỉnh, ít nói, hay cãi, hài hước, dễ nổi nóng, thật thà, dối trá, vân vân.... Bên trên khái niệm “tâm tính” này, chúng ta có một khái niệm khác là “cá tính” mà chúng ta thường dùng để khen hay chê một người nào đó: “Nó rất có cá tính” hoặc “Nó chẳng có cá tính gì cả”. So với “tâm tính” thì “cá tính” đã tiến lên một bậc: người có cá tính phải là người có chủ ý giữ sự độc lập và giữ bản sắc riêng của mình – cái bản sắc được khởi đầu bởi “tâm tính”.
Nhưng cả tâm tính và cá tính đều vẫn chỉ nằm trong khuôn khổ hẹp và được thể hiện trong những môi trường hẹp: gia đình, công việc, với bạn bè. Khi một cá thể đặt mình vào một môi trường và vai trò lớn hơn – như vai trò công dân trong xã hội, vai trò một người làm ra của cải vật chất cho xã hội, hay vai trò một người trí thức – thì cả tâm tính và cá tính sẽ phải nhường chỗ cho một khái niệm khác: tính cách, hay nói đúng hơn là “tính cách xã hội”. Tôi cứ tạm hiểu tính cách phải bao gồm cả tính (tâm tính, cá tính) và cách (như dùng trong “nhân cách”, “phong cách”). Và như thế sẽ nảy sinh một vấn đề: tính cách là một thứ không tự nhiên có, cũng không tự nhiên được duy trì, không phải một thứ bất biến do trời sinh. Tính cách một con người trong xã hội là một thứ mà người ta phải đấu tranh để có, để giữ, để duy trì như nhân dạng của chính mình, sao cho mình không biến mất trong sự định dạng vô danh mà sức ép xã hội và thời gian mang lại. Nói một cách khác, tính cách không phải một tặng vật hay một đặc quyền nghiễm nhiên. Nó là một thứ quyền chỉ đến khi người ta chứng minh mình xứng đáng có và khi đã có thì người ta có thể biểu hiện nó.
Tôi sẽ cố gắng trung thực diễn tả về cái quyền có tính cách này bằng một ví dụ cụ thể, trực tiếp.
Ngay trong lúc tôi viết những dòng này, tôi biết rằng để diễn giải ý mình, tôi sẽ phải đề cập tới một số vấn đề: quyền cá nhân, vai trò cá nhân trong cộng đồng và tương tác giữa cá nhân với cộng đồng; và xa hơn là những vấn đề như thể chế xã hội, văn hóa, truyền thống, lịch sử dân tộc... Tôi đồng thời biết rõ để diễn giải tối ưu ý nghĩ của mình, tôi có một số lựa chọn về các ví dụ minh họa hoặc lựa chọn dùng những từ ngữ, những câu, những khái niệm nhất định. Tôi biết rõ dùng từ A, câu A1, ví dụ A2 sẽ mạnh mẽ hơn dùng từ B, câu B1, ví dụ B2… vậy thì tại sao tôi vẫn cứ dùng B, B1, B2? Bởi vì tôi đã tự kiểm duyệt bản thân. Quá trình kiểm duyệt này ẩn đằng sau nó một số tính toán có ý thức và tính toán vô thức như:
Cách nào sẽ tránh cho tôi sau này nhìn lại sẽ không phải tiếc khi muốn giữ cuộc sống của mình được riêng tư tối đa?
- Cách nào sẽ tránh cho tôi khỏi những chỉ trích của người khác hoặc những cuộc tranh luận mà tôi thường không có khả năng theo đuổi vì lí do này hoặc lí do khác?
- Cách nào sẽ tránh cho tôi khỏi những phiền phức có thể có vì sự “nhạy cảm” của đề tài?
Vân vân và vân vân. Đây là những tính toán có thật mà tôi tin là người viết nào cũng trải qua; bởi vì người viết nào - nếu thực sự trung thực viết – cũng sẽ phải đối đầu với các nhà phê bình, với dư luận, với xã hội, và với chính anh ta sau này. Càng va chạm nhiều, những xây xước và vết thương từ những va chạm này sẽ càng làm cho người ta có xu hướng chọn con đường an toàn, cho dù an toàn thường không mang lại sự tối ưu về biểu đạt. Từ lựa chọn an toàn trong ngôn từ, người ta sẽ trượt dần vào lựa chọn an toàn trong quá trình tư duy. Nói một cách khác, quá trình tự kiểm duyệt sẽ biến thành một quy trình tự động. Và đó chính là lúc tính cách của một cá nhân bị triệt tiêu trong áp lực tuân thủ xã hội.
Như vậy, rõ ràng, tính cách xã hội của một cá nhân là một thứ phải được đấu tranh giành lấy chứ không nghiễm nhiên có và không nghiễm nhiên tồn tại. Đối với những người làm công việc sáng tạo, nhất là sáng tạo nghệ thuật, điều này càng quan trọng, do bản chất xã hội của các tác phẩm nghệ thuật. Lấy ví dụ như trong văn học, cái “tính cách sáng tạo” đó có thể được gọi bằng khái niệm “văn cách” và nó thể hiện ở mức độ dấn sâu của một nhà văn vào trong văn chương: anh ta sẽ đầu tư công sức bao nhiêu cho việc nâng cao trình độ bản thân, anh ta sẽ kiên quyết bao nhiêu trong việc theo đuổi mô hình văn chương mà anh ta tin là lý tưởng (và phá vỡ nó khi thấy một mô hình khác tốt hơn), anh ta sẽ dũng cảm bao nhiêu trong việc chống lại áp lực nổi tiếng, áp lực in sách, áp lực thị trường, và cả áp lực từ gia đình, bạn bè, người đọc, nhà biên tập… Quan trọng nhất, anh ta tin tưởng bao nhiêu vào chính mình để có thể tự tin bộc lộ quan điểm của bản thân về thế giới và con người mà không để quá trình tự kiểm duyệt kia triệt tiêu cái ham muốn theo đuổi sự thật và chỉ duy nhất sự thật - vốn là thứ thúc đẩy một người sáng tạo?
Trong một xã hội có truyền thống chấp nhận và thực hành văn hóa cá nhân, việc đấu tranh để được có tính cách là một điều không khó; thậm chí xã hội đó có thể thúc đẩy các cá nhân tìm kiếm tính cách của mình từ nhỏ, và cố gắng thúc đẩy nó phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong những xã hội đề cao vai trò cộng đồng, việc đấu tranh để có tính cách sẽ khó khăn hơn và không ai giống ai. Nhưng nếu lịch sử dạy cho ta điều gì, thì đó là: hầu như không có bất cứ thứ gì có giá trị lại đến một cách dễ dàng hay tình cờ - nếu có, chúng sẽ không bền lâu trước thử thách.
Quay lại với tiểu thuyết Suối Nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand. Tôi đọc cuốn sách này lần đầu vào năm 2001 và từ đó đến nay đã đọc hầu hết các sách do Rand viết cũng như khá nhiều sách viết về Rand. Quan điểm cá nhân của tôi về Rand từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi; tuy vậy tôi vẫn gợi ý Nhà Xuất Bản Trẻ dịch cuốn sách này vì, khoan bàn đến các vấn đề văn học, tôi tin là thông điệp mà cuốn sách mang lại rất có ích cho độc giả Việt Nam. Trong cuốn sách này có một khái niệm lớn khó dịch trọn vẹn nghĩa ra tiếng Việt: integrity. Ở tầng hẹp, integrity có thể hiểu là sự chính trực, sự thống nhất trọn vẹn trong suy nghĩ, hành vi, và lời nói của một người. Ở tầng rộng hơn, nó là một phẩm chất và lối sống của một người; nói cách khác, nó là một thứ tư cách, một thứ tính cách mà một người đạt được bằng lựa chọn có ý thức và sau đó phải đấu tranh để giữ nó. Kiến trúc sư Howard Roark – nhân vật chính của cuốn sách – chính là một người có integrity. Điều đó thể hiện ở chỗ toàn bộ sự sống của anh tuân thủ trọn vẹn một nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt: không hy sinh bản thân cho những thứ có tính nhân danh và không bao giờ chấp nhận làm cái gì dưới mức tối đa mà cái tôi của anh có thể làm. Roark chính là một minh họa rõ ràng cho điều mà tôi cố gắng diễn tả trong bài viết này: quyền có tính cách.
Để công bằng, phải khẳng định một điều: Roark dường như sinh ra với một bản tính sắp sẵn như thế; anh cũng không có những mối ràng buộc sát sườn như gia đình, đoàn thể. Roark là trường hợp cá biệt; bởi vì tâm tính, cá tính và tính cách của anh gần như đồng nhất một cách bẩm sinh. Đa phần chúng ta không sinh ra như vậy; hơn thế, chúng ta có nhiều ràng buộc xã hội; và vì thế mà cuộc đấu tranh của mỗi người để giành lấy tính cách của mình sẽ khó khăn hơn. Nhưng khó khăn không nên là lí do để chúng ta nên bỏ cuộc. Trái lại, như thông điệp của Suối Nguồn khẳng định: để làm một con người thực sự, chúng ta không có cách nào khác là phải vượt qua khó khăn này. Cuốn sách cũng khẳng định: khó khăn này có thể vượt qua và phần thưởng mà nó mang lại cho mỗi cá nhân sẽ lớn hơn nhiều so với bất cứ phần thưởng ước lệ nào mà một xã hội có thể ban tặng cho cá nhân đó. Phần thưởng đó là chính cuộc sống của chính anh ta – như anh ta muốn, như anh ta xây dựng: trọn vẹn, thống nhất, thanh sạch và cao quý.

No comments:

Post a Comment