Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

"Giới trẻ không sống “nhạt” mà sống phức tạp hơn"


 Đó là nhìn nhận của Đỗ Thanh Hải, Giám đốc trẻ măng của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC), đạo diễn chuỗi chương trình "Táo Quân" phát sóng mỗi dịp Giao thừa, phụ trách nhiều bộ phim về đề tài người trẻ: “Xin hãy tin em”, “Phía trước là bầu trời” và gần đây nhất là “Nhật kí Vàng Anh” luôn gây được dư luận.
Anh nói rằng: “Tôi vừa bước qua tuổi trẻ, có điều kiện làm phim và tiếp xúc với các bạn trẻ qua nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, nên có cơ hội đồng cảm nhiều hơn”.
Nhóm thực hiện chuyên đề "Người trẻ sống nhạt" đã có cuộc trò chuyện với anh về thế giới của người trẻ và những quan niệm sống. .
Những lựa chọn về lối sống đa dạng hơn
- Từ“Xin hãy tin em”, “Phía trước là bầu trời” đến “Nhật kí Vàng Anh", đều là phim về người trẻ, cho người trẻ, anh có thấy những người trẻ đang sống “nhạt” dần đi?
- Tôi không nghĩ họ đang sống “nhạt” dần đi, mà là họ sống phức tạp hơn. Họ có nhiều sự lựa chọn, có nhiều loại hình sống khác nhau, đa dạng hơn. Mỗi một nhóm đối tượng sẽ có một hướng đi khác nhau, trong hướng đi của họ sẽ thấy cả thành công, thất bại, tệ nạn và cạm bẫy.
Có những người sống sôi nổi, đầy nhiệt huyết, ý chí mạnh mẽ; và tất nhiên cũng có những người không xác định được cuộc sống của mình đang đi về hướng nào, đâu là những điều sẽ mang lại thành công và hạnh phúc cho mình... nên họ lãng phí tuổi trẻ vào những hoạt động mang tính tiêu cực nhiều hơn. Đó là biểu hiện đa dạng của xã hội.
Nhưng ngay cả “nhạt” là thế nào cũng không thể khẳng định rõ ràng. Không có những hoạt động ý nghĩa với cộng đồng cũng gọi là “nhạt”, không có những yêu ghét rõ ràng, không tạo cho mình một văn hóa sống để người khác thừa nhận cũng gọi là “nhạt”. Nhưng đấy là chúng ta đang tự đánh giá những người trẻ, chứ chắc gì các bạn ấy đã tự nhận thấy đó là “nhạt”?
Rõ ràng, những lựa chọn về lối sống trở nên đa dạng hơn. Chúng ta không có quyền ép họ lựa chọn. Chỉ có một điều: chúng ta phải bình tĩnh hơn một chút để có cái nhìn đồng cảm với những người trẻ đã. Chúng ta phải đứng ở vị trí của họ thì mới có thể hiểu vì sao họ làm thế, thay vì đứng ngoài phán xét.
Phán xét bao giờ cũng rất dễ, nhưng hãy sống cùng họ, vui cùng họ, tham gia vào các hoạt động của họ, chúng ta sẽ thấy có những hành vi đôi khi do điều kiện sống, hay do người khác tác động, chứ hoàn toàn không phải do họ.
- Nhưng có thể thấy một điều: Người trẻ bây giờ quan tâm đến trào lưu nhiều hơn là đi tìm hoặc xây dựng cá tính cho mình...?
- Những người trẻ là những người đam mê, luôn muốn khẳng định bản thân mình. Khi kinh tế phát triển, khi điều kiện sống tốt hơn, các bạn trẻ sẽ không còn nặng lòng với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Họ được thừa hưởng điều kiện sống tốt hơn. Họ chỉ có những mối bận tâm như: mặc thế nào để nổi bật trong đám đông, chơi thế nào cho sành điệu... đó cũng là nhu cầu thể hiện bản thân.
Có người khẳng định mình bằng con đường học hành, trở thành người lãnh đạo, làm những điều to tát, thì những người khác xuất phát từ mong muốn khẳng định cái tôi: tôi phải khác người khác; và họ lựa chọn những thứ bề nổi, với suy nghĩ rằng hình thức ấy là hấp dẫn, mình được quan tâm... dẫn đến lối sống mà chúng ta cho rằng nhạt nhẽo, thờ ơ...
Quan điểm của tôi là không phán xét họ. Tôi chỉ mong muốn làm thế nào để có nhiều hơn nữa tỉ lệ những người trẻ xác định được cái gì là bề nổi, là trào lưu, chạy theo số đông, cái gì là phản ánh thực chất con người các bạn ấy.
Hiphop cũng có những nét đẹp, nhưng đừng biến hiphop thành dị hợm, không phù hợp với lối sống, văn hóa của người Việt Nam. Nhìn một bạn đeo khuyên tai mà bảo bạn ấy tư cách kém là không đúng.
Tôi đã từng gặp một bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm đeo khuyên tai. Khi tôi hỏi, bạn ấy trả lời rằng: “Đeo khuyên tai không phản ánh em tốt hay xấu. Nó chỉ phản ánh em thích hay không thích. Và khi em thích, em vẫn làm những việc khác rất tốt”.
Quần áo, những trào lưu này nọ... bắt vào giới trẻ rất nhanh. Ví dụ như xã hội có khuyến khích phát triển blog đâu, tại sao blog phát triển nhanh thế? Bởi vì người trẻ thấy nó phù hợp với cuộc sống của họ. Họ được giãi bày, được kết nối, chia sẻ, thậm chí đó là cả một thế giới mà người lớn không thể xâm nhập được.
- Nhưng sống “nhạt” đôi khi không phải là một lựa chọn, mà là vì không có lựa chọn nào khác...?
- Tất nhiên, tôi không phủ định rằng có những người trẻ sống “nhạt”. Nhưng một mặt nào đó, các bạn cũng có những tâm tư không dễ dàng chia sẻ. Có thể vì các bạn thấy chán với nền giáo dục đang áp đặt lên các bạn, hoặc cảm thấy môi trường học khô cứng quá...
Tôi cũng đã đọc rất nhiều bài viết. Những người trẻ nói rằng, tất cả những xu hướng bộc lộ ấy đều để thể hiện họ thiếu niềm tin vào xã hội, vào cách định hướng của thế hệ trước, của thế hệ những người xung quanh: không đề cao tính chân thực. Đó là một phản ứng ngược. Tôi cho rằng điều đó cũng có phần đúng.
Còn nếu nói họ không có một tình yêu lớn ư? Ngày 2/9, trên avatar của các bạn ấy đỏ rực cờ đỏ sao vàng. Rồi họ gửi cho nhau những tin nhắn chia sẻ... Nhưng có mấy khi các phương tiện thông tin đại chúng đề cao những cái đó đâu? Nên những người trẻ sẽ cho rằng, đấy là việc của người lớn, còn chúng tôi sẽ yêu theo kiểu chúng tôi, ghét theo kiểu chúng tôi...
"Chỉ cho các bạn trẻ thấy con đường tốt nhất, không thể bắt các bạn đi theo..."
- Theo anh, có cách nào để sống không “nhạt”?
- Gọi là tuyệt đối thì khó, nhưng cái đó chỉ có thể giải quyết được khi chúng ta tìm được những trào lưu, những hoạt động bề nổi của tuổi trẻ nhưng gắn với cộng đồng, gắn với những điều tốt đẹp. Chúng ta có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhiều bạn trẻ hào hứng tham gia, nhưng rất tiếc là chúng ta chưa tiếp sức cho các bạn, để những hoạt động ấy trở thành hoạt động lớn, mang tính chất truyền thống.
Chúng ta, khi nhìn thấy cái xấu là ngay lập tức ào vào phê phán. Còn những cái tốt, đôi khi chúng ta cho đó là đương nhiên. Tại sao chúng ta không đặt ngược trở lại trách nhiệm của mình với những cái tốt? Tại sao không biến nó thành hình tượng hóa, để các bạn trẻ thấy rằng: đi theo những con đường, những hướng đó cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Nên khuyến khích những hoạt động thể hiện cái “tôi”, cái “tôi” gắn với cộng đồng, với những hoạt động ý nghĩa. Đây là cách để hạn chế việc sống “nhạt” của các bạn trẻ. Còn tất nhiên, không thể nói phải thế này, bằng cách nọ cách kia....
Rõ ràng trong tỉ lệ 100%, nếu chúng ta thấy tỉ lệ người trẻ sống ý nghĩa, biết chọn cho mình những hướng đi đúng (tất nhiên không còn mẫu số chung) là 60%, 70%; và tỉ lệ những người trẻ sống nhạt, sống thờ ơ, vô cảm, không xác định được tương lai của mình hạn chế bớt đi.
Người trẻ đầy những đam mê, và rõ ràng là nhiều cái để yêu, nhiều thứ để quan tâm. Không thể áp đặt lối sống của thế hệ trước làm quy chuẩn, bắt các bạn phải làm theo.
Chỉ có thể chỉ cho các bạn trẻ thấy con đường nào là tốt nhất, chứ không thể bắt các bạn đi theo. Nhưng tìm ra một quy chuẩn thời hiện đại, một hình tượng mẫu bây giờ là vô cùng khó. Học giỏi, kiếm nhiều tiền, quan hệ rộng ư? Chưa chắc. Có lẽ nên để người trẻ tự tìm hình tượng mẫu cho mình.
- Anh nói rằng, đời sống của người trẻ rất phức tạp và đa dạng. Nhưng rõ ràng, chúng ta chưa dám thể hiện hết thế giới của họ lên phim. Các vấn đề đặt ra trong các bộ phim ấy thường đơn giản, một chiều. Tại sao anh chưa mạo hiểm?
- Đời sống của những người trẻ rất tạo sức hút cho những người khác. Nhưng cuộc sống của các bạn ấy rất đa dạng, vì vậy mỗi bộ phim chỉ có thể hướng tới một đối tượng nào đó, chứ không thể tham vọng phản ánh đại đa số được.
Khi phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi phải có trách nhiệm tìm một mẫu số chung nhất vì phải phục vụ số đông. Do vậy không thể bê nguyên si các hiện thực và vấn đề của những người trẻ lên phim.
Các bạn ấy bảo, đây không phải là cuộc sống của chúng tôi, nên chúng tôi không xem nữa. Còn nếu phản ánh và thể hiện như họ mong muốn thì các bậc phụ huynh, những người lớn lại cho rằng như thế là vẽ đường cho hươu chạy, truyền hình đang cổ xúy cho lối sống này nọ...
Với “Nhật ký Vàng Anh”, chúng tôi cố gắng mạo hiểm nhưng bạn đã thấy, phim dành cho tuổi trẻ phát rộng rãi trên truyền hình là rất khó tìm được tiếng nói chung giữa đối tượng đích của phim và các bậc phụ huynh.
Các bạn trẻ thì muốn phim phản ánh sinh động thế giới riêng của họ, chạm được đến những góc khuất về tình cảm riêng tư mà họ ít có điều kiện chia sẻ, nhưng bên cạnh đó thì có rất nhiều những ý kiến mong muốn chương trình truyền hình phải dựng lên những hình tượng mẫu mực, sống gian khổ và vượt khó.
Thực tế, đôi khi chúng ta thấy lo lắng, thậm chí hốt hoảng trước các biểu hiện của giới trẻ và phản ứng dễ nhận thấy nhất là ngăn cấm, đem một hình tượng quá chuẩn mực để bắt họ hướng theo.
Tôi thì nghĩ: Khi khoảng cách của hai thế hệ trở nên xa cách thì nên cố gắng chia sẻ và trở thành chỗ dựa cho họ về mặt kinh nghiệm chứ chúng ta không thể sống thay họ và đề nghị họ phải sống như chúng ta từng sống.
Mỗi giai đoạn xã hội phát triển thì người trẻ có những hình thức sống khác nhau. Và nếu họ sống sinh động, nhiều trào lưu, hình thức đa dạng nhưng vẫn biết duy trì những phẩm chất đạo đức tốt đẹp và biết trân trọng, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống thì chúng ta không nên quá lo lắng.
- Hiện tại, anh có dự án làm phim nào về giới trẻ?
- Chúng tôi đang tuyển chọn diễn viên cho một bộ phim làm về giới trẻ với đam mê Hip-hop. Bề ngoài, đó là một trào lưu, nhưng từ một hoạt động nhỏ, các trường tổ chức và thi với nhau... thông qua đó, chúng tôi cũng nói được một phần nào đó về giới trẻ.
Tiếng nói ấy là: hãy tin tưởng chúng tôi, đừng áp đặt suy nghĩ của người lớn vào chúng tôi. Hãy để chúng tôi thể hiện tiếng nói của bản thân mình.
- Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!

No comments:

Post a Comment