Rất nhiều người cho rằng sáng tạo là điều vớ vẩn không cần thiết và quả thực đôi khi điều đó là sự thật. Vậy bạn nên làm gì để “tiêu diệt” những ý tưởng viển vông, mơ ước vớ vẩn đang từng ngày, từng giờ xâm chiếm vào những cái đầu “mơ mộng” trong công ty hay tổ chức của bạn. Dưới đây là vài lời khuyên giúp bạn thực hiện thành công mơ ước đó.
1. Bàng quan
Không! Điều đó không có nghĩa là bạn phải nói to lên như vậy. Bạn hãy tỏ ra lịch sự lắng nghe ý tưởng mới mẻ từ những con người còn hừng hực lòng nhiệt tình và trí tuệ của họ. Gửi cho họ vài thông điệp vui tai, vài lời khen vô thưởng, vô phạt. Và quan trọng nhất là chỉ dừng lại ở lời nói. Các cụ có câu rất hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Bạn hãy lựa lời mà nói nhưng chỉ có thế. Hãy kiên trì lặp đi lặp lại cách thức này. Tôi tin rằng bất cứ con người nhiệt tình nào nhất cũng sẽ nản lòng. Và thế là những ý tưởng viển vông, mất thời gian sẽ ngày càng hiếm khi xuất hiện trong tổ chức của bạn, hoặc ít ra bạn sẽ dần dần không còn phải nghe nhiều về nó nữa. Tuyệt vời! Chúc mừng sự thành công của bạn.
2. Chỉ ra sự yếu kém, mặt trái của ý tưởng.
Cái này thoạt nghe khá dễ phải không bạn? Ý tưởng mới thì làm gì đã có ai làm, chẳng ai biết trên thực tế nó sẽ ra sao? có Chúa mới biết mọi sự diễn ra thế nào? Nếu chịu khó suy nghĩ, bạn sẽ tìm thấy hàng tá điểm yếu ngay sau khi nghe xong ý tưởng mới vừa trình bày. Hãy lựa lấy ba điểm bạn cho là yếu nhất và khai hoả. Thật mạnh mẽ, quyết liệt tất nhiên là trên tinh thần góp ý lành mạnh rồi. Nếu họ chống đỡ nổi “ba chiêu” đó của bạn, hãy tiếp tục tấn công với những yếu điểm còn sót ở danh mục bạn liệt kê sẵn. Tin tôi đi, chắc chắn người ta sẽ thấy bạn là người sắc sảo thế nào? Khả năng tư duy chớp nhoáng và nhất là bạn đã chứng minh một cách hùng hồn rằng những ý tưởng của họ đúng là vớ vẩn thật! Thay vì trình bày cho bạn, hoặc mất thời gian suy nghĩ, họ nên tập trung vào công việc và hoàn thành tốt chúng là được.
3. Gia tăng áp lực vào công việc
Để giảm bớt thời gian suy nghĩ lung tung tiến tới xoá bỏ hoàn toàn những con người hay suy nghĩ vẩn vơ thay vì tập trung vào công việc, bạn hãy gia tăng áp lực, giám sát chặt chẽ công việc của họ đang tiến hành. Công thức rất đơn giản: kiểm tra, kiểm tra và...kiểm tra! Liên tục, không ngừng nghỉ, luôn đặt họ vào trạng thái tập trung cao độ (100% tâm trí) vào công việc hiện tại. Đừng để cho họ có thời gian xao lãng công việc chính. Chỉ cần có thế, họ sẽ khó mà vượt qua được áp lực bạn tạo ra để mà dành thời gian cho sự suy nghĩ. Nhưng đó chính là điều bạn muốn mà, những-con-người-không-suy-nghĩ (no-brainer!)
4. Tôn vinh cá nhân, loại bỏ hoạt động nhóm.
“Chín người mười ý!” - đó là sự thật. Bạn tin rằng, hoạt động nhóm là một sự xa xỉ cả về thời gian và nguồn lực của công ty/tổ chức. Theo bạn, yếu tố cá nhân đóng vai trò hết sức quan trọng, đôi khi là quyết định tới sự thành bại của cả tổ chức. Bằng chứng là bạn thấy nhiều ông chủ có cần tới ai bàn bạc đâu mà vẫn luôn ra quyết định xuất sắc đến thế kia mà. Vì thế, hạn chế, thậm chí tuyên bố không chấp nhận bất cứ sự bàn bạc, hoạt động nhóm nào trong tổ chức. Tất cả phải ra quyết định một mình và chịu trách nhiệm tới cùng với quyết định đó. Chỉ cần có vậy, năng suất sẽ cải tiến, mọi người sẽ thi đua nhau trong sự đơn độc và luôn biết mình phải nhanh hơn, cao hơn xa hơn đối thủ (là những đồng nghiệp). Có thể, bạn thấy bầu không khí của công ty đi xuống, kém thân thiện, song nếu vì thế mà năng suất, lợi nhuận đi lên thì cũng là việc đáng làm lắm chứ.
5. Sáng tạo là hoạt động của thiên tài không phải dành cho tất cả chúng ta
Sự thực những nhà khoa học, sáng chế, các danh nhân đều là những tài năng thiên bẩm. Vì thế, theo bạn, chúng ta đừng cố gắng đi theo lối chân của họ. Cách làm hay hơn cả là tập trung vào công việc và để dành quyền năng “sáng tạo” cho những người khác thực hiện. Nếu họ làm ra thành quả tốt đẹp không thể phủ nhận, chúng ta sẽ công nhận, còn bản thân chúng ta tốt hơn là đừng làm gì liên quan tới hoạt động sáng tạo cho mất thời gian.
6. Trừng phạt nặng nề những sai lầm dù là nhỏ nhất
Điều này thì khỏi phải bàn, những người sáng tạo rất thiếu trải nghiệm, chưa kể những điều họ nghĩ ra chưa ai từng làm. Vì thế cho nên họ sẽ mắc nhiều sai lầm. Có thể sai lầm lớn thì hiếm khi bạn nhìn thấy, nhưng sai lầm nhỏ thì nhiều vô kể. Hãy bình tĩnh, chờ đợi và đừng bỏ sót bất cứ sai lầm nhỏ nhặt nào của họ. Đó là những “lổ hổng” giúp bạn làm cho họ “sáng mắt” để trở nên thực tế hơn với cuộc sống và những điều vẫn xảy ra thường ngày. Thật vui khi mình giúp người khác nhận ra sai lầm phải không bạn? Vì thế, hãy ghi nhớ và đừng bỏ qua cơ hội dù là nhỏ nhất để giúp họ nhé.
7. Ấn định giải pháp cuối cùng
Phần lớn những người sáng tạo là không có kinh nghiệm hoặc chí ít là chưa thành công lắm. Nếu không họ sẽ lên làm quản lý bạn mất rồi. Vì thế bạn cần phải ấn định giải pháp cuối cùng và giám sát làm sao cho họ thực hiện nhất nhất theo giải pháp đó. Bạn làm như vậy với lý do duy nhất là đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp, giúp các bộ phận hoàn thành mục tiêu đề ra và cuối cùng là tất cả sẽ cùng hưởng thành quả từ sự thành công. Chẳng có lý do gì mà bạn lại không nên làm như vậy: vừa tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp vừa giúp họ tránh thất bại nếu cứ tiếp tục cho phép họ tưởng tượng và làm theo những điều họ muốn.
8. Thi hành lối quản lý mệnh lệnh hành chính
Để chắc chắn những sai lầm nhỏ nhất cũng bị phát hiện, bạn cần xây dựng một lối quản lý hành chính chồng chéo và chặt chẽ. Cần có nhiều bộ phận trung gian, bạn sẽ có nhiều người hơn cùng tham gia giám sát với bạn. Kết quả là bạn sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra sai lầm vì nếu chỉ cần làm khác đi một chút thôi, hệ thống giám sát hành chính do bạn xây dựng nên đã phát đi tín hiệu báo động. Điều đó giúp bạn ngăn chặn những hậu quả xuất chỉ ngay khi xuất hiện những dấu hiệu khả nghi.
9. Xây dựng nhiều cấp quản lý trung gian để tăng cường giám sát
Các cấp quản lý trung gian nhiều lên có thể làm cho bộ máy cồng kềnh nhưng vì hiệu quả thực thi, bạn vẫn nên suy nghĩ về khả năng tổ chức bộ máy theo cách này. Bạn không thể giám sát tất cả mọi người cùng một lúc vào cùng một thời điểm. Chia nhỏ, phân lớp, tạo nên nhiều hệ thống “giám sát” liên tục và khắp nơi là thực sự cần thiết không chỉ giúp ngăn chặn sức sáng tạo (hủy diệt) mà còn đảm bảo những mục tiêu quản lý cần thiết khác của bạn.
10. Kiên quyết chống lại mọi sự thay đổi
Bạn biết rằng để sáng tạo họ cần phải thay đổi cái gì đó? Vì thế tốt hơn cả là bạn ngăn cấm, thậm chí là chống lại tất cả sự thay đổi mà bạn nghi ngờ. Chẳng có sự thay đổi nào là cần thiết hơn là duy trì tình trạng và cách làm hiện tại. Điều gì tồn tại tức là có lý! Vậy hà cớ gì mình lại từ bỏ cái “lý” đã tồn tại và được kiểm chứng đó. Hãy kiên định và cứng rắn! Tất cả lời lẽ hoa mỹ hay mang tính thuyết phục cao chỉ là vỏ ngôn từ. Một khi bạn chấp nhận sự thay đổi dù nhỏ nhất, bạn sẽ bị họ đặt lên một guồng quay không có điểm dừng. Và khi đã đi quá xa, chỉ có chúa Trời mới biết điều gì đang chờ đón bạn ở phía trước. Tại sao bạn không ở lại trong thế giới này với cảm giác thoải mái và quyền năng của sự kiểm soát hiển hiện rõ ràng trước mắt.
Hãy thực tế, bạn sẽ là người thành công trên bước đường tiêu diệt... chính mình!
Nguyên Hà (Trizviet.com.vn)
No comments:
Post a Comment