Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Giới thiệu phương pháp học tập và đọc tích cực SQ3R


Mô tả:
Có rất nhiều người trong chúng ta không thể nhớ nổi nội dung của một cuốn sách, một bài báo, một tài liệu cần thiết cho công việc của mình. Chúng ta quên béng mất nội dung của tài liệu chỉ sau vài giờ đồng hồ đọc chúng.

Chính do quá trình quên nhanh chóng các nội dung quan trọng này, chúng ta thường không thể kết nối kiến thức, không thể thành công trong các kỳ thi và không thể hoàn thành tốt công việc của chính bản thân mình.
 
Nguyên nhân:
Do trong quá trình đọc tài liệu, chúng ta đọc một cách “thụ động”. Cặp mắt của chúng ta vẫn lướt trên tài liệu, nhưng bộ não của chúng ta lại đang nhảy múa với những ý tưởng khác hoặc hờ hững với nội dung của tài liệu. Hoặc học sinh của chúng ta đọc “ra rả” bài học nhưng ngay lúc ấy trí não của các em không hề “nhúc nhích”, nói cách khác, các em đang dùng các biện pháp “cơ học”, “cưỡng bức” để bộ não phải ghi nhớ, nhưng “chữ thầy vẫn trả cho thầy”.

Theo các điều tra về tâm lý và hoạt động của não bộ, chúng ta sẽ nhớ lâu hơn khi chúng ta chú tâm một cách tích cực và hiểu rõ nội dung mà tài liệu đang trình bày.

Giải pháp:
Có rất nhiều phương pháp, kỹ thuật để giúp chúng ta học tập hiệu quả hoặc đọc tích cực một tài liệu, CENTEA xin giới thiệu một trong những phương pháp đó.

Phương pháp SQ3R(Francis Robinson, 1970) là một kỹ thuật hữu hiệu nhằm giúp chúng ta nắm hết toàn bộ nội dung thông tin của một tài liệu, một quyển sách, … thông qua việc làm cho ta phải chú tâm đọc tài liệu một cách tích cực. Phương pháp này được nhiều trường đại học trên thế giới khuyến khích các sinh viên sử dụng để nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu.

Các chữ cái SQ3R là từ viết tắt của các kỹ thuật mà chúng ta sẽ sử dụng liên tiếp để đạt đến mục đích cuối cùng là nắm toàn bộ nội dung của tài liệu.

Survey – Question – Read – Recite – Review

Các bước tiến hành:
Survey (Khảo sát): Thu thập các thông tin cần thiết để tập trung và hình thành các mục đích khi đọc.

Trước khi đọc bất kỳ tài liệu nào, hãy dành vài phút ban đầu để xem xét tổng quát tài liệu bằng cách xem qua mục lục, các tiêu đề của chương, các tựa đề, phần tóm tắt, phần mở đầu, phần kết luận … Chú ý những bảng biểu, đồ thị, hình vẽ trong sách.

Hãy cố gắng đưa ra ý kiến liệu rằng tài liệu hay cuốn sách này có giúp ích gì cho bạn không? Nếu cảm thấy rằng nó không có ích lợi gì cho bạn, hãy lựa chọn một cuốn sách khác.
Việc xem xét tổng quát tài liệu sẽ giúp chúng ta:
- Có một khái niệm ban đầu và sự quen thuộc với nội dung sắp sửa đọc.
- Cho phép ta ước lượng thời gian cần thiết để đọc tài liệu.
- Khi đọc toàn bộ nội dung tài liệu, chúng ta sẽ thông hiểu tài liệu gấp đôi.

Question (Đặt câu hỏi): làm cho não của bạn bắt đầu hoạt động và tập trung bằng cách dựng lên một loạt câu hỏi làm “khung sườn” cho nội dung. Chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật 5W1H (đã giới thiệu ở kỳ 6) để tạo ra các câu hỏi hoặc sử dụng ngay các câu hỏi do giáo viên đưa ra, câu hỏi ở đầu chương của sách…

Đặt ra các câu hỏi trước khi bắt đầu đọc thật sự, sẽ giúp chúng ta có chủ đích khi tiến hành đọc tài liệu.

Read (Đọc): lắp thông tin vào cấu trúc mà bạn đã dựng lên.

Tiến hành đọc tài liệu. Trong quá trình đọc, hãy cố gắng tập trung tìm kiếm các chi tiết nhằm giúp ta trả lời những câu hỏi đã đặt ra.

Khi đọc, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật mindmap (sơ đồ tư duy) để ghi chú các chi tiết.

Recite (Thuật lại): như tên gọi của nó: “thuật lại”, ở bước này chúng ta giúp não bộ tập trung ghi nhớ về nội dung vừa xem bằng cách thuật lại, diễn giải nội dung đã đọc bằng chính ngôn ngữ của bản thân.

Nếu cần thiết, hãy viết ra các diễn giải hay các câu trả lời bằng chính suy nghĩ, diễn đạt của mình.

Nếu có thể, hãy đọc hay diễn tả lại nội dung vừa xem bằng cách nói lớn tiếng. Hãy tưởng tượng, bạn đang phải trình bày lại nội dung của cuốn sách, bài báo vừa xem cho 1000 khán giả trước mặt, trong một khán phòng rộng lớn, những khán giả này đang chăm chú lắng nghe từng lời diễn tả của bạn.

Điều quan trọng ở bước này là phải dùng chính ngôn ngữ của mình để thuật lại hay diễn tả lại.

Nếu chúng ta đang ở nơi đông người và không muốn làm ảnh hưởng đến người khác thì chúng ta hãy nhắc lại một cách thì thầm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng quên đến 80% nội dung mà mình đã đọc sau 2 tuần lễ. Nhưng nếu chúng ta tiến hành bước “thuật lại”, thì chúng ta chỉ quên có 20% với cùng thời gian 2 tuần.

Review (Xem lại): bước cuối cùng này theo đúng tinh thần mà ông bà chúng ta đã nhắc nhở: “Văn ôn, Võ luyện”.

Vào ngày hôm sau, tuần sau, hãy thử quay lại quyển sách đã đọc và xem thử bạn nhớ được và có thể thuật lại bằng chính từ ngữ của bạn bao nhiêu về nội dung.

Ở bước này, chúng ta chỉ nhìn lướt lại quyển sách đã đọc, các câu trả lời đã hoàn thành, các câu hỏi đã đặt ra và thử xem bạn có thể trả lời chúng một cách trôi chảy hay không. Nếu không, hãy làm lại các bước trên.

Bước cuối cùng này giúp cho nội dung được làm mới và ghi nhớ lâu hơn trong trí óc của chúng ta.

Kết luận:
Với phương pháp SQ3R, chúng ta sẽ rèn luyện cho mình kỹ năng học và đọc một cách tích cực, tránh bị nhồi nhét vào những thời điểm cận kề ngày thi, nắm vững nội dung và kiến thức các sách, các giáo trình, …

Các kỹ năng đọc và học tích cực được ví như những trang thiết bị của người đánh cá. Trang thiết bị càng hiệu quả, kỹ năng sử dụng trang thiết bị càng thuần thục thì người đánh cá sẽ càng thoả sức vẫy vùng trong biển tri thức của nhân loại.

Cùng với những kỹ thuật khác mà CENTEA đã từng giới thiệu, SQ3R sẽ là một công cụ hiệu quả dành cho giáo viên, học sinh, sinh viên, …những người luôn khát khao khám phá những chân trời tri thức mới.

Để minh họa cho kỹ thuật SQ3R trong việc đọc tích cực, chúng tôi đã thực hiện một ví dụ sử dụng ngay trên bài viết giới thiệu về SQ3R.


************

VÍ DỤ MẪU VỀ KỸ THUẬT SQ3R

Survey: tiến hành khảo sátsơ lược về nội dung của bài giới thiệu kỹ thuật SQ3R. Ghi chú lại các tiêu đề, ý quan trọng của bài giới thiệu để nắm sơ lược về nội dung.

-     Mô tả
-     Nguyên nhân
-     Giải pháp:
-     SQ3R: Survey, Question, Read, Recite, Review

Question:đặt ra những câu hỏi để có những điểm cần lưu ý khi đọc nội dung bài viết. Viết những câu hỏi với kỹ thuật 5W1H về nội dung của bài viết:

-     Who: bài viết dành cho ai? Ai viết?
-     What:đề cập đến vấn đề gì và phương pháp đề nghị là gì?
-     When: khi nào sử dụng kỹ thuật SQ3R?
-     Where: dùng phương pháp này ở đâu?
-     Why: tại sao phải dùng phương pháp này?
-     How: cách thức tiến hành SQ3R như thế nào?

Read: tiến hành đọc và tập trung trả lời các câu hỏi đã đặt  ra:

-     Who: bài viết dành cho những ai quan tâmđ ến việc phát triển kỹ năng đọc tích cực.
-     What:đề cập đến vấn đề là chúng ta hay quên những gì đã đọc và đền ghị sử dụng kỹ thuật SQ3R.
-     When: sử dụng kỹ thuật SQ3R trước khiđọc, khi đang đọc và khi đãđ ọc xong tài liệu.
-     Where: không quan trọng vị trí không gian.
-     Why:
    + Phương pháp này giúp cho não bộ được chuẩn bị trước khi tiếp nhận thông tin (bước Survey và Question).
    + Giúp não bộ luôn chú ý tìm kiếm các chi tiết để trả lời các câu hỏi đã đặt ra (bước Read)
    + Giúp não bộ khắc sâu thông tin bằng cách trình bày lại thông tin (bước Recite)
    + Giúp não bộ ghi nhớ và làm mới thông tin khi sử dụng bước Review cuối cùng.
     -     How: tiến hành theo 5 bước đã được trình bày trong bài viết.

Recite: ghi lại các từ khóa, các câu quan trọng trong bài viết
-     Đọc tích cực, SQ3R, não hoạt động trong khi đọc, trình bày lại bằng ngôn ngữ của bản thân, …

Review: viết một đoạn tóm tắt lại các ý quan trọng của bài viết.

No comments:

Post a Comment