TT - Trí thức luôn là câu chuyện thời sự, chẳng phải bây giờ người ta mới sôi nổi luận bàn mà đây là chủ đề xuyên thời gian. Thì các cụ ta xưa chẳng luôn bận tâm răn dạy con cháu “nhân bất học bất tri lý” đó sao. Có phải vì thế mà trong thang bậc giá trị xã hội, các cụ để kẻ sĩ đứng đầu. Nguyễn Công Trứ thì còn hào hùng hơn, trong “Luận kẻ sĩ”, ông khẳng định “Có giang san thời sĩ đã có tên”.
Tác giả của “Luận kẻ sĩ” ấy từng là bậc kinh bang tế thế, một danh tướng cầm quân dẹp cường khấu ở Lạng Sơn, bắt Phiên tặc ở thành Trấn Tây, trừ Hải tặc ở ngoài Đông Hải … đồng thời cũng là người chỉ huy công cuộc lấn biển mở đất ở Kim Sơn Tiền Hải, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương vùng châu thổ Sông Hồng, rồi khơi dòng Mê kông ở Long Xuyên vùng đồng bằng sông Cửu Long…Cũng là một người “lấy chính đạo” để chống tham nhũng ngay giữa triều đình. Quả thật đúng như ông tâm nguyện “Trong lăng miếu ra tài lương đống, Ngoài biên thùy rạch mũi can tương”.Về thơ văn, con người ấy cũng chiếm riêng một góc độc đáo trong lịch sử văn hóa nước nhà.
Với tám mươi tuổi đời, tuyên ngôn của ông “Trong vũ trụ đã đành phận sự, Phải có danh mà đối với núi sông” đã được sự nghiệp của ông chứng minh. Đương nhiên phải hiều chữ “danh” ông nói đây theo nghĩa rộng, vượt khỏi “vòng danh lợi” hạn hẹp và có khi thấp kém, mà “danh” là sự nghiệp làm nên sử sách, là sự cống hiến cho giang sơn tổ quốc. Cái “danh” ấy được khởi nguồn từ một ý tưởng cao cả : “Vũ trụ chi gian giai phận sự”, xem việc trong trời đất là phận sự của mình.
Ý tưởng của “kẻ sĩ” Việt Nam thế kỷ XIX bắt gặp quan điểm của J.P Sartre, triết gia người Pháp thế kỷ XX : “trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ, (s’occupe de ce qui ne le regarde pas). Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đóchính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức. * Phải chăng đây cũng là một cách diễn đạt cái ý vũ trụ chi gian giai phận sự?
Thật ra thì có nhiều cách diễn đạt sứ mệnh của người trí thức đích thực, chẳng hạn như cách nhà dịch giả trí thức Cao Xuân Hạo đòi hỏi “mỗi người trong chúng ta phải có đủ nhiệt huyết để dám tự thiêu hủy trong đấu tranh thì Chân mới thắng được Ngụy, Thiện mới thắng được Ác” cũng là một cách nói đến một phẩm tính nổi bất của người trí thức. Từ nhận thức đó mà ông yêu cầu phải sửa lại cách dịch câu thơ của Nadim Hikmet cho đúng với tinh thần của nó :
Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?
Ánh sáng trí tuệ từ khối óc và trái tim của người trí thức chân chính, nói như Sartre, “người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội”*, sẽ góp phần xua tan bóng tối đè nặng lên cuộc sống, góp phần vực con người đứng dậy, đi về phía trước. Chính vì thế có người nhấn mạnh rằng, trí thức là người truyền bá tư tưởng, Tư tưởng đó có thể là của chính họ, hay là các ý tưởng của những người khác mà họ tâm đắc, coi là của chính mình. Phải truyền bá tư tưởng vì tư tưởng một khi thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành sức mạnh vật chất.
Cho nên, một người có bằng cấp cao chưa hẳn đã là một trí thức nếu ông ta không gắn kết công việc chuyên môn của ông với vận mệnh của đất nước, ông không quan tâm gì đến số phận của nhân dân mình mà chỉ biết có sự nghiệp riêng mình, chăm chút riêng cho tổ ấm gia đình mình. Lại không thiếu những người “thức thời” song chán nản trước thời cuộc, “mũ ni che tai”, thì cũng không phải là người trí thức theo nghĩa chân chính của nó. Chính vì vậy, dựa vào ý của C.Mác, người ta đã đưa ra một cách định nghĩa khác về người trí thức : “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”.
Hình như trong Dự thảo ban đầu đưa ra để lấy ý kiến về trí thức có đặt câu hỏi : liệu Cụ Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn, ông Võ Văn Kiệt …có là trí thức hay không? Theo cách hiểu này họ là trí thức, là các trí thức lớn. Còn hiểu theo dự thảo của đề án thì họ không là trí thức, vì họ chẳng có “bằng cấp” nào cả hay không được đào tạo theo các trường lớp “chính quy” nào cả. Cái cách “duy danh định nghĩa” căn cứ vào bằng cấp theo lối “chuẩn hóa” cán bộ đã phải trả giá cho việc mua bằng, bán điểm để đẻ ra hàng loạt những trí thức rởm, những “tiến sĩ giấy” làm rối loạn hệ thống giá trị xã hội.
Chạy theo cái giả, khước từ cái thật, căn bệnh nguy hiểm này khởi nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp khác mà trong phạm vi bài viết về câu chuyện trí thức khó để nói kỹ. Đã là “trí thức rởm”, “tiến sĩ giấy” mà lại được trọng dụng thì hệ lụy của nó sẽ khó mà lường hết được. Mua phải hàng giả thì tốn tiền, song có thể nhanh chóng phát hiện và vứt bỏ, ăn phải của giả thì nguy hiểm hơn một chút nhưng rồi có thể tìm cách mà tẩy độc. Nhưng dùng trí thức rởm, tiến sĩ đi mua hay do “chạy” mà có thì nguy hại phải nhân lên cấp số nhân! Chẳng những thế, khi vướng phải tình huống “nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” trót đã đặt họ vào những ghế theo một “quy trình chặt chẽ”, thì muốn chuyển họ ra khỏi cái ghế ấy thì “quy trình” cũng lại phải chặt chẽ không kém. Mà đáng lo ngại còn ở chỗ, của giả lại dễ kiếm, trí thức thật lại khó tìm. Vì, người trí thức đích thực lại không chịu “bán rao”!
Phải chăng vì thế, tuy biết rất rõ sự nghiệp phát triển đất nước rất cần trí thức, song không ít những người cầm quyền thiếu bản lĩnh đã không dám hoặc không thích dùng những trí thức, “người nói sự thật vàphê bình không nhân nhượng” ấy. Vì vậy, trong việc “xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức hiện có, vừa xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020” mà Hội nghị TƯ kỳ này bàn thảo, cần lưu ý đến vấn đề xây dựngbản lĩnh cần thiết để mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm lực trí thức, trong đó, có việc dám lắng nghe và biết lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và trung thực của những trí thức chân chính.
Những ý kiến trung thực sở dĩ được xem là tâm huyết của người trí thức chân chính, vì đó là những ý kiến xuất phát từ động cơ không vụ lợi, không vụ danh mà chỉ vì muốn đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, xem việc đóng góp đó là sứ mệnh của người trí thức xem “Vũ trụ chi gian giai phận sự, Nam nhi đáo thử vị hào hùng”- việc trong trời đất là phận sự của mình,làm trai đến thế mới tài giỏi như “luận về kẻ sĩ” đã chỉ ra. Đương nhiên “nữ nhi” cũng phải thế!
Chính vì thiếu một bản lĩnh cần thiết để mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm lực trí thức, trong đó, có việc không dám lắng nghe và không biết lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và trung thực của những trí thức chân chính cho nên đã hạn chế rất lớn sự đóng góp của trí thức.
Ấy thế mà bản lĩnh ấy đã từng được phát huy lên đến đỉnh cao với tầm nhìn và phong cách của Hồ Chí Minh trong việc đánh giá vai trò của trí thức, hết sức trân trọng và tìm mọi cách sử dụng, phát huy tiềm năng của trí thức. Do đó, tri thức đã có sự đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Cứ nhìn vào thành phần Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1946 cũng có thể hiểu được Hồ Chí Minh đã biết cách sử dụng và phát huy vai trò của trí thức như thế nào. Hoặc nhớ lại tên tuổi của những trí thức lớn từ bỏ cuộc sống giàu sang với triển vọng phát huy tài năng chuyên môn trong những môi trường thuận lợi ở nước ngoài để theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Đặng Văn Ngữ…đã nói lên điều đó.
Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, những nhà lãnh đaọ chủ chốt của trung ương cục ở Miền Nam đã biết trân trọng đón nhận và tìm mọi cách phát huy tài năng, tâm huyết của các trí thức nhân sĩ rời bỏ mọi tiện nghi sang trọng của cuộc sống của lớp người giàu có, tham gia kháng chiến như Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Ngọc Thuần, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo…Những trí thức ấy đã đóng một vai trò như thế nào trong kháng chiến thì lịch sử đã chứng minh.
Đáng tiếc là sau đó , nhất là từ sau “cải cách ruộng đất”, “chỉnh đốn tổ chức” với mô hình giáo điều, “tả” khuynh bị áp đặt từ bên ngoài, nống cuộc “đấu tranh giai cấp” lên, xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh luôn khẳng định động lực to lớn và duy nhất của đất nước là chủ nghĩa dân tộc. (khái niệm chủ nghĩa ở đây cần hiểu là tinh thần). Lịch sử cách mạng và kháng chiến đã từng chứng tỏ : lúc nào xác định rõ được động lực dân tộc, lúc ấy cách mạng thắng lợi. Lúc nào đưa vấn đề đấu tranh giai cấp làm động lực, lúc ấy cách mạng gặp khó khăn. Từ những năm 20 của thế kỷ này, khi khẳng định “ chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phân tích “ cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương tây… nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa…. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được”.
Đó là một sự thật lịch sử rõ như ban ngày, thế nhưng do nhiều lý do, sự thật ấy không được trình bày một cách minh bạch, công khai và sòng phẳng. Điều này có ý nghĩa tác động trực tiếp đối với việc nhìn nhận và đánh giá vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cách nhìn thiển cận về lý lịch, thành phần đã đẩy tới những sai lầm nguy hiểm trong việc sử dụng và phát huy năng lực của trí thức. Đấy là chưa nói đến việc nhục mạ trí thức, đối xử bất công với trí thức, trong đó có những trí thức lớn như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Văn Thiêm, Đào Duy Anh…
Đãi ngộ trí thức cũng là điều cần, vì xét đến cùng, sự đãi ngộ đó là vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân, vì sự “đãi ngộ” xứng đáng là một cách tỏ rõ thái độ trân trọng trí thức của nhà cầm quyền, của xã hội, điều đó sẽ động viên người trí thức cống hiến hết sức mình. Tuy nhiên, với người trí thức chân chính thì sự “đãi ngộ” mà họ cần nhất là tạo một môi trường tự do suy nghĩ và sáng tạo, tạo điều kiện để trình bày những suy nghĩ đó, đê tranh luận nhằm đi đến chân lý, từ đó mà những ý tưởng đúng được thực hành, chân lý được sáng tỏ, góp được vào đường lối chính sách, đưa sự nghiệp phát triển đất nước đi tới. Nói cụ thể hơn, đó là tôn trọng sự độc lập tư duy, tự do trong suy nghĩ và tranh luận, dân chủ và công bằng trong thảo luận, cổ vũ cho sự tìm tòi sáng tạo mà không khuôn cứng vào những kết luận đã có sẵn từ bên trên, nghiêm chỉnh thực hiện những điều luật đã được ghi trong Hiến pháp về tự do ngôn luận, xuất bản và báo chí.
Nhắc đến chuyện nhìn nhận và sử dụng trí thức, người ta thường dùng khái niệm “cầu hiền” và hay nhắc đến chuyện Lưu Bị cầu Khổng Minh. Cũng nên lưu ý một điều, trong bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, đoạn “Lưu Huyền Đức tam cố thảo lư” là một trong những đoạn được người đời cho là hay nhất. Mà hay nhất là vì trước đó, có đoạn “Tào Tháo luận anh hùng”. Khi Tháo nói rằng, “Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm cả vũ trụ, có chí nuốt cà trời đất” để kết luận rằng “Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi”, nghe vậy Lưu Bị sợ mất vía, đánh rơi cả thìa đũa đang cầm trên tay. Sợ mất vía, vì như vậy cũng có nghĩa là Tào Tháo sẽ phải giết mình theo cái lẽ “bất độc, bất anh hùng”, anh hùng thì chỉ có một và chỉ một mà thôi. Trong cuộc tranh bá đồ vương, người tài đi tìm được minh chủ quả thật là khó. Cũng chính vì thế, các bậc danh sĩ trong thiên hạ thường tìm cách ẩn mình để nghe ngóng, chờ thời, chờ người. Muốn cầu người hiền, Lưu Bị phải ba lần gội tuyết, đội gió đến lều cỏ của Khổng Minh để cầu hiền là vì thế.
Mà đâu chỉ một Khổng Minh. Chỉ riêng trên đất Dĩnh, nơi Khổng Minh ở ẩn, cũng đã có đến bốn người tài, trong đó có Từ Thứ, đấy là chưa nói đến Tư Mã Huy, người đã giảng giải cho Lưu Bị nhiều điều về cái lẽ hiền tài nơi đất Dĩnh ấy, và khi ra khỏi cửa đã ngẩng mặt lên trời mà than rằng : “Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!”. Thật có lý khi người đời cho rằng Tư Mã Huy mới đích thực là một cao danh ẩn tích, đã quá thấu hiểu chữ “thời” nên không chịu dấn thân. Vì nhiều hiền tài không chịu dấn thân, nên người thật sự muốn gây nghiệp lớn phải khổ công tìm kiếm và thật tâm cộng tác.
Không phải mượn đến chuyện cổ bên Tàu, ở ta cũng không thiếu. Lê Thái Tổ, sau mười năm nằm gai nếm mật để lấy lại giang sơn lên ngôi đại định, liền ban chiếu cầu hiền. Chiếu có đoạn : “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước…Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người tài không chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế, nhưng phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được?...Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”.
Phải tầm cỡ văn tài và đức độ của Nguyễn Trãi mới soạn nổi tờ chiếu đó. Dự phòng phải tránh chuyện “đem ngọc bán rao” là để chạm được đến chỗ sâu kín trong tâm lý tự trọng của “kẻ sĩ” phải là sự uyên bác của nhà văn hóa lớn đi liền với sự trải nghiệm sâu sắc của nhà chính trị lớn. Hiểu được điều đó, có được đức độ đó cho nên, ngay khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha kêu gọi : “trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Phải có cái tâm vì nước vì dân và cái tầm nhìn của người lãnh đạo biết rõ ngọn nguồn sức mạnh của mình được dồn góp và chưng cất từ trí tuệ và khát vọng của quần chúng nhân dân mới dám nhận lấy cái lỗi nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân.
Xưa nay kẻ sĩ có thực tài và biết tự trọng thường chọn cách ứng xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” (được dùng thì ra làm việc, không được dùng thì lui về) thể hiện một quan niệm sống, một thái độ sống. Quyết định chuyện “xuất” và “xử” của “kẻ sĩ” gắn liền với thời cuộc, “thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn”, có đạo thì ra, vô đạo thì ẩn. Bởi lẽ “gặp lúc nước hữu đạo mà nghèo và hèn là đáng thẹn, gặp lúc nước vô đạo mà giàu sang là đáng thẹn”. Hữu đạo và vô đạo nói ở đây có nội hàm khá rộng.
Song trực tiếp nhất và cập nhật trong bối cảnh “hiện đại”, chính là cái tâm của người lãnh đạo có thật lòng trọng dụng hiền tài, trọng dụng trí thức không. Vả chăng, “đường lối tìm người tài không chỉ có một phương”. Sức nam châm có lực hút hiền tài, trí thức là độ rộng mở của dân chủ và công khai trong việc tao ra môi trường để cho những tài năng thật sự có thể phát huy trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Khi độ rộng mở của dân chủ và công khai trong việc trọng dụng trí thức chưa đáp ứng dược đòi hỏi của cuộc sống, khi cái tâm của người lãnh đạo thật lòng trọng dụng hiền tài, trọng dụng trí thức chưa được thực tế chứng minh, thì mọi chủ trương chính sách đều chưa đi vào cuộc sống. Chỉ riêng một việc rất nhỏ, trong một cuộc tranh luận trên diễn đàn có sự hiện diện của một vị lãnh đạo, diễn giả lại thẳng thừng chất vấn mà không có “dạ thưa anh” đã khiến cho vị ấy phật lòng, thế rồi nghe đâu đã có nhận xét “tay này là cực đoan, quá khích lắm đây, hãy thận trọng”!
Vì thế, thật chí lý và đáng mừng khi người đứng đầu Chính phủ trong cuộc trao đổi trực tuyến với nhân dân đã khẳng định rằng “phải thật sự công tâm, khách quan và đặc biệt là phải thật sự dân chủ; vì không dân chủ, hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài”. Thật không dễ để thấy ra được : “Có cạnh tranh, có cơ chế thị trường thật sự thì mới xem xét được ai là người tài. Người tài không chỉ thể hiện ở bằng cấp hay ở lời nói, mà quan trọng là ở việc làm ” **. Nhận thức đó bắt gặp được sự vận động của thực tiễn.
Người trí thức đích thực, sẽ không là những nguời chạy theo những hư danh hay những “đãi ngộ” vật chất, mà là những người lấy việc tìm tòi nghiên cứu nhằm nâng cao sự hiểu biết về một chuyên ngành mình theo đuổi để cống hiến cho xã hội bằng những ứng dụng thực tế từ những tìm tòi nghiên cứu ấy. Dù không ngồi vào cái ghế quyền lực, họ cũng có thể sống được và sống có ích cho xã hội bằng cái vốn kiến thức chuyên môn của họ, vì thế họ có thể vận dụng cách ứng xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” xưa kia theo một phương thức mới, phù hợp với thời đại mới. Phải chăng cũng vì thế mà nhiều khi họ phải gánh chịu thân phận không mấy dễ chịu của người nói sự thật vàphê bình không nhân nhượng!
Mà xem ra, chuyện này thì không có gì khó hiểu, xưa nay không thiếu những dẫn chứng tiêu biểu, cho dù thật nghiệt ngã : Nguyễn Trãi, bậc đại trí thức, từng ngậm ngùi đúc kết thân phận trí thức theo sự trải nghiệm của ông khi nhắc đến câu thơ của Tô Đông Pha : “Cổ kim thức tự đa ưu hoạn. Pha lão tằng vân ngã diệc vân”, người trí thức (người biết chữ) xưa nay vẫn nhiều hoạn nạn, ông già Tô Đông Pha đã nói vậy và ta cũng nghĩ vậy!
Nguyễn Công Trứ người mà “Kinh luân khởi tâm thượng, Binh giáp tàng hưng trung”, cách sắp xếp việc nước đã định sẵn trong lòng, Đồ binh giáp để đánh giặc (tức là tri thức quân sự) đã định sẵn trong bụng ấy cũng là người đã năm lần bị cách chức, giáng chức, trong đó có lần bị án “trảm giam hậu”, có lần cách tuột làm lính trơn đày đi xa. Về hưu lúc bảy mươi tuổi với hai bàn tay trắng, trước khi chết, cụ để lại di chúc từ chối mọi nghi lễ chính sách của triều đình, dặn chôn ngay tại huyệt đã đào sẵn dưới chõng tre, rồi trồng bên mộ một cây thông với lời bi phẫn : “Kiếp sau xin chớ làm người; Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Đành rằng vào thời buổi ấy những bậc đại trí thức kiểu Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Chu Văn An…đều có thể lấy triết lý Lão Trang để di dưỡng phẩm tính làm người : “ Ôi nhân sinh là thế ấy. Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao..”. Vang bóng một thời ấy chỉ là một hoài niệm có giá trị cảnh báo vì thời đại đã đổi thay.Nói giá trị cảnh báo, là cảnh báo cho một tầm nhìn hạn hẹp của những người nắm trong tay bộ máy quyền lực không biết tôn trọng trí thức, cũng là cảnh báo cho chính những người trí thức cần phải có bản lĩnh biết vượt lên mọi hoàn cảnh để đảm đương sứ mệnh cao quý của người trí thức chân chính.
Những tiền đề mới đã xuât hiện, điều mà ông cha ta trước đây chưa hề nhận biết. Người trí thức đích thực phải biết tận dụng những điều kiện mà thời đại mới đã tạo ra. Những ai chần chừ, còn tin rằng tương lai chỉ sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại : sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi.
Hướng đột phá quan trọng của khoa học thế kỷ XXI là những nghiên cứu khám phá về bộ não con người mà những thành tựu của nó tạo tiền đề cho xã hội loài người bước vào nền văn minh trí tuệ. Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não. Khi mà con người bắt đầu thổi hồn vào những vật vô tri vô giác gồm những thanh nhỏ của trí tuệ, liên kết chúng lại thành một sân chơi toàn cầu và nối kết trí tuệ của họ thành một hệ thống, thì cái gì sẽ xảy ra? Đây là sự kiện lớn nhất, phức tạp nhất và kỳ lạ nhất trên trái đất. Với việc đan dệt những sợi dây trí tuệ từ kính và sóng radio, loài người bắt đầu nối kết tất cả các khu vực, tất cả các quá trình, tất cả các khái niệm thành một hệ thống khổng lồ. Từ nền tảng mạng lưới trí tuệ phôi thai đó đã ra đời một nền tảng hợp tác mới cho nền văn minh mới. Trong đó, vai trò quyết định của người trí thức, bất chấp mọi thiển cận và hạn hẹp, sẽ được khẳng định. Điều này gắn liền với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Câu chuyện trí thức chắc còn dài dài vì sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước là một sự nghiệp dài lâu, trong đó, trí thức có một vị trí không thể thay thế.
_________________
* Dẫn lại theo Cao Huy Thuần “Thế giới quanh ta”.NXB Đà Nẵng.2006, tr.61, 62
** VietNamnet. ngày 9.2.2007. Về cuộc đối thoại trực tuyến giữa người đứng đầu Chính phủ với Nhân dân
Đã đăng trên báo “Người Đại biểu Nhân dân”
Theo © http://vietsciences.free.frvà http://vietsciences.orgTương Lai
No comments:
Post a Comment