Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Thế nào là một cái đầu biết suy nghĩ?


(Trích đăng từ bài viết: ‘Kiến thức: Văn hóa và chuyên môn’)
 Câu nói về cái đầu của Montaigne quá quen thuộc, xin mượn để làm hứng cho bài viết về giáo dục này: “Mieux vaut une tête bien faite que bien pleine”. Một cái đầu biết suy nghĩ tốt hơn là một cái đầu đầy. Nhà trường nào cũng biết thế, nhưng không hiếm nhà trường làm ngược lại, từ vườn chơi tuổi ngọc đến bia đá ông nghè. Chuyện này nói mấy cũng không cùng, chỉ xin hạn chế trong một lĩnh vực nhỏ thôi, và ngay trong lĩnh vực nhỏ cũng chỉ xin sơ lược một vấn đề: làm sao vun xới một cái đầu biết suy nghĩ trong thế giới chuộng tri thức chuyên môn ngày nay? Dưới đây là vài kinh nghiệm Âu Mỹ.
Tri thức không bao giờ là một quá trình đơn giản, nhưng ngày nay quá trình đó lại càng phức tạp hơn nữa vì lượng thông tin quá lớn. Không ai có thể nắm hết thông tin, ngay cả trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Vậy làm sao hiểu biết khi cái đầu lạc lõng giữa thâm u rừng rậm thông tin? Mặt khác, lượng thông tin càng lớn, kỹ thuật càng tinh vi, kiến thức lại càng vỡ vụn, một ngành chuyên môn càng vỡ ra nhiều ngành. Từng mảnh vụn kiến thức của từng mảnh chuyên môn có đưa đến kiến thức toàn bộ không?
Trước lượng thông tin tràn đầy và vỡ vụn như vậy, thế nào là một cái đầu biết suy nghĩ? Câu trả lời hôm nay chẳng khác hôm qua: một cái đầu biết suy nghĩ là một cái đầu có khả năng tổng quát hóa, biết đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, biết nối kết những kiến thức với nhau để làm bật ra ý nghĩa. Nếu chỉ đầy mà thôi, cái đầu chỉ chứa những kiến thức riêng rẽ: đây là trái táo trên cây, kia là trái táo dưới đất. Biết suy nghĩ, cái đầu đặt vấn đề, liên kết hai hiện tượng và tìm hiểu tại sao có sự rơi. Ví dụ này quá nổi tiếng, nhưng trong đời sống thường ngày, bất cứ lúc nào ai cũng có thể lấy ra những ví dụ tương tự. Nếu chỉ đầy mà thôi, cái đầu sẽ chỉ thấy dấu chân, dấu tay, dấu máu, nhưng không bao giờ thấy hung thủ. Lý tưởng mà nói, giáo dục nhằm phát triển những khả năng tổng quát như thế. Phát triển khả năng tổng quát chính là giúp việc phát triển những khả năng chuyên biệt. Một cái đầu càng nhạy năng khiếu thấy cái tổng quát lại càng dễ nhận ra và giải qưyết những vấn đề chuyên môn liên hệ.
Bởi vậy, một cái đầu biết suy nghĩ là một cái đầu biết tổ chức những kiến thức để tránh chất chứa của cải một cách vô tích sự. Tri thức là phân biệt và nối kết, đi từ phân biệt qua nối kết rồi lại từ nối kết qua phân biệt, làm một vòng tròn tiếp diễn không dứt. Tổ chức kiến thức là vận dụng những phương pháp mà nhà trường phải dạy từ mẫu giáo, từ tiểu học, để mở mang hai khả năng phân biệt và nối kết ấy mà danh từ chuyên môn gọi là phân tích và tổng hợp. Lý luận, diễn dịch, quy nạp, biện bác, nêu giả thuyết … sinh viên nào ở đại học cũng bắt buộc phải học và thực hành những phương pháp đó. Nhưng ngay từ nhỏ, ở tiểu học, nhà trường đã phải gợi tính tò mò, tìm hiểu, khuyến khích con trẻ đặt vấn đề, đặt câu hỏi, suy luận, phán đoán. Xin lấy ví dụ chỉ thị về mục tiêu giáo dục ở Pháp:
“Học sinh phải được rèn luyện để có khả năng phán đoán và có đầu óc biết chỉ trích, nghĩa là:
- Biết đánh giá phần nào là chủ quan hoặc thiên vị trong một câu nói, một diễn văn, một bài viết, một câu chuyện, một phóng sự;
- Biết phân biệt một lý luận có tính lý trí và một lý luận có tính quyền uy;
- Học cách nhận diện thông tin, xếp loại thông tin, xếp thứ tự cao thấp thông tin, đứng tách ra khỏi thông tin mà xét;
- Biết phân biệt ảo và thực;
-Học về truyền thông và có ý thức về địa vị và ảnh hưởng của truyền thông trong xã hội;
- Biết xây dựng ý kiến cá nhân và cũng biết đặt lại vấn đề về ý kiến cá nhân của mình, biết thấy nhiều khía cạnh để tránh ý kiến trắng đen”.
Như vậy, hai khí cụ của tri thức, phân tích và tổng hợp, được vun trồng từ bé. Lớn lên ở trung học, cậu học trò sẽ học phân tích với Descartes như thế này:
“ - Phân chia mỗi khó khăn mà tôi phải nghiên cứu thành bao nhiêu thành phần nhỏ có thể phân chia được và cần thiết phải phân chia để giải quyết chúng tốt hơn. - Điều khiển tư tưởng của tôi theo thứ tự, bắt đầu bằng những đối tượng đơn giản nhất và dễ hiểu nhất, để đi dần lên theo thứ bậc cho đến tri thức tổ hợp nhất”.
Đó là nguyên tắc thứ hai và nguyên tắc thứ ba trong « Phương pháp luận » của Descartes. Tri thức khoa học từ thế kỷ 17 đã phát triển trên hai nguyên tắc đó. Vấn đề là: ngày nay, với lượng thông tin quá nhiều và kiến thức quá phức tạp, nhu cầu phân tích buộc chia kiến thức ra nhiều chuyên ngành, có khi biệt lập nhau với cả hàng rào kẽm gai. Tình trạng này xảy ra rõ rệt nhất trong địa hạt khoa học xã hội, nhân văn. Thông tin rất nhiều có thể không đưa đến một sự hiểu biết chín chắn nào cả. Trong lĩnh vực khoa học chính xác, sự chuyên ngành đã đưa lại những khám phá kỳ diệu, nhưng vấn đề đặt ra ở phương Tây ngày nay là chuyên môn hóa có hậu quả làm héo chính tư tưởng khoa học, nhất là khi khoa học chính xác tách biệt với khoa học nhân văn: khoa học đang thiếu suy nghĩ về chính mình, về tương lai của chính khoa học, về liên hệ giữa khoa học với đời sống, với thiên nhiên, giữa khoa học và con người. Ngày nay, liên hệ giữa khoa học và đạo đức đã trở thành một quan tâm của thời đại. Đâu là tính minh triết trong khám phá khoa học? Khoa học chẳng cần biết gì đến triết lý chăng?
Bởi vậy, tri thức đòi hỏi khả năng tổng hợp, biết đặt mỗi vấn đề trong toàn bối cảnh của nó, biết thấy cá thể trong tổng thể. Cùng với nguyên tắc của Descartes, phải thấm thía nguyên tắc của Pascal:
“ Bởi vì bất cứ sự vật nào cũng đều là hậu quả của cái khác và tạo ra hậu quả cho cái khác, đều được trợ giúp bởi cái khác và trợ giúp cho cái khác, gián tiếp và trực tiếp, và tất cả đều tương quan với nhau bằng một mối liên hệ tự nhiên, vô cảm, nối kết những sự vật xa nhau nhất và khác nhau nhất, tôi cho rằng ta không thể biết những thành phần nếu không biết toàn thể, cũng như không thể biết toàn thể nếu không đặc biệt biết những thành phần”.
Pascal không nói gì khác hơn hai nguyên tắc căn bản trong Phật giáo: nguyên tắc nhân quả và nguyên tắc duyên khởi. Mỗi sự vật đều vừa là nhân vừa là duyên của sự vật khác, và không phải chỉ có một nhân một duyên mà trùng trùng duyên khởi. Nay cũng như xưa, nhận định về tri thức không khác nhau; có điều là xã hội càng hiện đại, tính phức tạp càng tăng, nhu cầu phân tích càng nặng, khuynh hướng chuyên môn hóa kiến thức càng phát triển, thì chính sách giáo dục càng phải khuyến khích việc tái lập quân bình giữa nhu cầu phân tích và nhu cầu tổng hợp trong mỗi cái đầu, trước hết là việc bắt cầu giữa các ngành chuyên môn, giữa hai lĩnh vực khoa học và nhân văn, cũng như việc mở mang kiến thức tổng quát, để đừng làm người mù sờ voi, cho con voi là cái quạt, cái chổi, cái cột trụ, hay là con đỉa khá lớn.
Theo tapchithoidai.org

No comments:

Post a Comment