Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Phản biện - Một cách tham gia tích cực

Khoảng một năm trở lại đây, chúng ta thấy hai chữ "phản biện" trở nên khá thịnh hành trên diễn đàn báo chí…một hành động biểu lộ sự không (hay chưa) đồng tình với một chính sách, chủ trương hay ý kiến nào đó.
Trước đây người ta sử dụng từ "phản biện" trong các hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ-Tiến sĩ gồm nhiều vị giáo sư, trong đó có người đóng vai phản biện "thật" cũng như phản biện "thuê" nhằm làm tăng trọng lượng (giá trị) của công trình nghiên cứu học thuật để phong học vị.
Thói quen xưa nay là các cụ hay bậc làm cha mẹ không ưa con trẻ cãi lại mình, tìm cách khống chế , rằng "trứng khôn hơn rận" xem đây là một thái độ hỗn xược không thể chấp nhận , bịt tai hay nhắm mắt trước những lời phê phán (hay góp ý) thẳng thắn. Vì vậy mới có câu "trung ngôn nghịch nhĩ" (lời nói trung thành thường khó nghe). Đầu óc mang nặng tính gia trưởng vẫn còn lảng vảng đâu đây trong xã hội vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Khổng Mạnh. Thời đại thông tin đa chiều (chiều xuôi và ngược) đã làm cho xã hội bớt xơ cứng, cách "nói lấy được" dần dà đã trở nên lạ tai tuy rằng tư tưởng gia trưởng cầm chịch chưa hẳn đã suy yếu.
"Nói đi thì phải có nói lại" là lẽ thường tình, nâng cao nhận thức của cả hai bên, câu chuyện  trao qua đổi lại sẽ giúp hai phía nhận chân được thực hư . Còn gì  tẻ nhạt khi trong một phòng họp "thảo luận" mà chỉ nghe một người liên tu bất tận, dài dòng còn những người ngồi xung quanh nín khe vì kiêng dè. Hội thảo mà người người thay nhau lên đọc tham luận, ra về với một mớ lý thuyết rao giảng một chiều, có "hội" mà không "thảo" ? Điều nầy rất dễ thấy ở những buổi họp lớn nhỏ trong sinh hoạt xã hội của chúng ta. Có lẽ người Việt nam với phương pháp giáo dục "thầy giảng trò chép" tồn tại hằng bao thế kỷ đã ăn sâu trong tâm khảm và trở thành nếp trong tư duy, vì vậy học trò dễ trở nên thụ động, lên tiếng "phản biện" là chuyện hiếm có. Chính vì lẽ đó mà nhiều  quan chức "phụ mẫu chi dân" lẫn nhiều người thầy có tư duy bảo thủ thường khó chịu, thậm chí qui chụp hoặc phủ đầu người "phản biện", cho rằng phản biện là "phản bội" hay "phản bác" để bôi đen, không xem đó là một thái độ tích cực hay có trách nhiệm của người khác, góp phần làm sáng tỏ chân lí hay tranh luận nhằm nâng cao sự đồng thuận trong xã hội (cũng như trong nghiên cứu học thuật).
Một chủ trương, chính sách và biện pháp sẽ không có tính khả thi nếu không thông qua sự trao đổi nhiều chiều, so sánh đối chiếu để cân nhắc thiệt hơn..v..v.. thậm chí suy diễn thiên lệch một cách chủ quan hoặc chạy theo hình thức, dùng thủ đoạn để áp đặt bằng được để rồi khi nhận ra sai lầm thì đã gây biết bao xáo trộn lẫn thiệt hại cho người dân. Cuộc cải cách ruộng đất 1953-1956, chính sách Giá-lương-tiền 1985… là những kinh nghiệm đau lòng và gần đây nhất là việc thực thi NQ 32 cấm xe công-nông, bán cơ giới (xa ba gác, xe lôi…) lưu hành ở đường phố trong khi không lường hết được những hậu quả tai hại mà người dân lao động nghèo phải gánh chịu, chưa đề ra giải pháp thay thế một cách có hiệu quả mà đã vội hạ "quyết tâm". Nếu bước vào lĩnh vực giáo dục—đang gây lo lắng nhiều nhất—chúng ta cũng thấy nhiều biện pháp, chủ trương đột phá của Bộ GD ĐT  như việc tăng học phí các cấp, lẫn lộn xã hội hoá và tư thục hoá, "phi" công lập và tư thục (hay dân lập hay bán công) tràn lan, xây dựng" đẳng cấp quốc tế" nền giáo dục đại học… trong khi những nội dung nầy còn tù mù, chưa được thảo luận xây dựng sự đồng thuận cần thiết nhưng vẫn được thúc đẩy một cách tích cực, hối hả. Liệu 22 triệu học sinh các cấp của đất nước ta có rơi vào bãi lầy của việc "làm thử táo bạo" và hoang tưởng  với một nền giáo dục đã trải qua bao cuộc "thử nghiệm" kiểu nầy kiểu nọ, dễ dàng  thay sách giáo khoa, phương pháp sư phạm như thay áo gây biết bao hoang mang và bối rối, không đề ra được một lộ trình nghiêm túc cải cách  hệ thống vốn phức tạp, tồn đọng hàng loạt vấn đề đã tồn tại từ bao năm ?
Cải cách giáo dục không phải là phong trào để hô hào, biểu thị sự quyết tâm ồn ào trên bề mặt, cũng như chẳng nên "thị trường hoá" nhà trường dưới danh nghĩa  "xã hội hoá"  đang diễn ra một cách gay gắt. Liệu những hậu quả nầy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hàng triệu thầy cô lẫn học sinh nếu cứ tiếp tục, không cần sự phản biện của xã hội trong đó có những nhà giáo suốt đời chăm lo tận tụy cho nền giáo dục nước nhà ?
Chấp nhận phản biện tức là công nhận quyền tham gia của người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng và tránh được sai lầm, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

No comments:

Post a Comment