Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Nhà giáo - người kết nối


Đó là lời chia sẻ của thầy giáo trẻ Michael Geisen dạy bộ môn khoa học tự nhiên cấp trung học ở bang Oregon, người được bình chọn là nhà giáo tiêu biểu của toàn nước Mỹ.
 Trích đoạn bài viết của Michael Geisen gửi hội đồng các hiệu trưởng công lập Mỹ: "Nhà giáo vĩ đại phải là một người hợp nhất (tạm dịch từ unifier) - biết kết nối các ý tưởng, con người và kết nối ý tưởng với con người. Trong sự nghiệp dạy học của mình, tôi luôn tìm cách kết hợp khoa học và sáng tạo với nhau để mời gọi những học sinh của mình trở thành một tập thể và giúp mỗi cá nhân trong tập thể đó kết nối được với những ý tưởng lớn của khoa học.
 
Thầy giáo trẻ Michael Geisen
Từ lúc ấy trở đi, tất cả giáo án, bài thực hành, bài tập, hoạt động ngoại khóa và đánh giá trong lớp đều được chính tôi gia công nhằm đem tính sáng tạo và khoa học gắn kết lại với nhau. Cho dù các bài học có nguồn gốc từ đâu đi nữa thì tôi cũng sẽ "nêm" vào một chút gia vị của chính mình, một ít hương vị của tỉnh nhà Prineville và thật nhiều liều lượng hài hước và sáng tạo.
Nói thật, học sinh của tôi còn phá lên cười trong giờ kiểm tra nữa cơ. Đó là vì khi chúng biết những câu hỏi trong đề bài được làm ra không chỉ để trả lời và kiếm điểm, nhưng còn có ích với chính cuộc sống nữa thì cả lớp bắt đầu cảm thấy thú vị. Một khi học sinh đã quan tâm thì chắc chắn chúng sẽ đặt những câu hỏi gay cấn thật sự. Và khi những câu hỏi được bật ra, các thiên thần bé nhỏ của tôi đã đứng trên con đường mà những học giả và khoa học gia vĩ đại từng đi qua!
Mặc dù tôi từng kiếm được khá nhiều tiền trong nghề nghiệp trước kia nhưng không cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn. Ở đây, tôi đã tạo ra được sự khác biệt nơi cuộc sống của mỗi học sinh. Tôi nghĩ mình đã chọn đúng nghề.
Để làm được điều đó, mỗi lớp học cần phải có bầu không khí nồng ấm, ân cần và chào đón mọi học sinh. Tôi đặt ra cho mình mục tiêu chào hỏi học sinh mỗi buổi học, gọi các em bằng tên mỗi khi có thể được và dùng sự hài hước để phá tan những hàng rào của giai cấp, màu da, chủng tộc, lứa tuổi và khả năng. Tôi luôn mong tạo nên một mối quan hệ duy nhất và có ý nghĩa đối với từng học sinh. Đây chính là cái tâm của công việc giáo dục. Tôi không xem học sinh của mình như những đứa trẻ còn nhỏ dại, hay những con người có tiềm năng cần được mài giũa và đánh bóng.
Tôi nhìn nhận các em như những người bạn đồng chí hướng và tôi thích trao đổi với chúng. Gần như mọi ngày trước giờ học, các em thường tập hợp tại văn phòng của tôi để bàn tán về sinh hoạt buổi tối hôm trước, để ăn trưa trong thinh lặng suy ngẫm về các bài học vừa qua hay chỉ để ghé ngang qua gửi lời chào và trao đổi những điều chúng tôi vừa học được trên lớp.
Tôi muốn rằng mười hay hai mươi năm nữa, khi những kiến thức khoa học đã phai nhòa, các em vẫn sẽ nhớ về lớp khoa học ngày xưa của mình như một nơi quen thuộc để vui đùa, một chốn an toàn để mạo hiểm đón nhận bài học từ sai lầm và một chỗ mà ở đó các em luôn được tôn trọng, đối xử đúng phẩm giá mà mọi con người đều xứng đáng được hưởng. Với tầm nhìn như thế, chúng tôi không chỉ là thầy và trò. Chúng tôi là những con người.
Khi lần đầu tiên làm thầy giáo, tôi đã nghĩ mình là một giáo viên của bộ môn khoa học. Ngay sau đó, tôi nhanh chóng nhận ra mình không phải thế. Thật ra, tôi là một giáo viên của học sinh. Mới đây, tôi tiếp tục hiểu ra nghề thật sự của mình chính là một giáo viên của cộng đồng và xã hội. Tôi đã bắt đầu điều chỉnh hướng đi để phản ánh một thực tế rất rõ ràng: không chỉ có con trẻ mà tất cả chúng ta đều phải học hỏi!
Tôi biết mình đã dạy cho mọi người nơi tỉnh nhà thông qua mỗi tiết học ở trên lớp khi nêu bật những tấm gương, bày tỏ sự trông đợi và đưa ra lời hướng dẫn để các học sinh của tôi biết trân trọng những giá trị nơi mọi người khác, khi họ là những người bạn, đồng nghiệp và đồng chí của các em trong tương lai.
Chúng tôi luôn tìm kiếm cách hỗ trợ cộng đồng bất cứ khi nào có thể. Ví dụ như trong bài học về vi khuẩn cách đây vài năm, khi tôi công bố về số trẻ em ở các nước đang phát triển bị tử vong do các bệnh truyền nhiễm do vi trùng gây ra, cả lớp đã quyết định vận động gây quỹ tại địa phương để hỗ trợ các nước nghèo thứ ba. Hoặc qua bài học về sử dụng năng lượng và hiện tượng nóng lên toàn cầu, các em đã biết cách kiểm soát và tiết kiệm năng lượng trong trường học và ngay tại gia đình. Nhờ đó, thầy trò chúng tôi chạm đến thế giới bằng sự cảm thông, chân thành và những điều nhỏ bé nằm trong bài học.
Phụ huynh học sinh, giới quản lý, doanh nghiệp và các nhà lập pháp luôn mong muốn con cái và thế hệ trẻ của họ phải được hưởng một nền giáo dục chất lượng tương xứng với đồng thuế mà họ đã đóng. Cái khó ở đây chính là chúng ta không phải đang nói về những kết quả có thể dễ dàng đo lường và chạm đến được mà là một con người sống trong môi trường xã hội đầy phức tạp và biến đổi.
Một nền giáo dục chất lượng và vì con người phải vượt qua những giới hạn của điểm số và kết quả thống kê trắc nghiệm. Do đó, lớp học của thầy trò chúng tôi nhấn mạnh đến tính sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, tinh thần hợp tác và sự cam kết học hỏi dài hạn. Thầy trò chúng tôi đã đặt nhiều kỳ vọng và nỗ lực vào những phương pháp học tập khác với truyền thống. Chúng tôi cũng xây dựng cách thức để đo lường và nhận xét những giá trị mới này, đem công bố cho toàn xã hội và từ đó mong muốn nâng cao những chuẩn mực học tập trong hệ thống trường lớp, học sinh sinh viên và cộng đồng của đất nước này.
Chúng ta hãy cùng nhau thực tâm tập trung vào toàn thể nhân cách con trẻ, chứ không phải điểm số hay thành tích. Chúng ta thường hay quên rằng mỗi học sinh là một con người bằng xương bằng thịt, với những nhu cầu, khát khao và cảm xúc hợp pháp. Những con người trẻ này cũng giống như chúng ta. Dù các bạn là cha mẹ hay thầy cô giáo, đang làm việc hay đã nghỉ hưu, già hay trẻ, hãy chạm đến từng con trẻ với sự bao dung, tình yêu, tiếng cười và nỗi đam mê. Và khi đó các em sẽ học được từ bạn rất nhiều điều thú vị. Ngoài biết viết, biết đọc và biết làm toán, chúng sẽ còn học nhiều hơn thế nữa: học biết mình là một con người tuyệt vời".
"Thầy có thể làm cho việc ngồi xem cỏ mọc trở nên thú vị. Em thật may mắn được có thầy là thầy giáo của mình. Thầy đã làm cuộc sống của em và các bạn khác trong lớp thay đổi hoàn toàn" - Karlie Grasle, học sinh Trường trung học Crook County (Prineville, Oregon, Mỹ), nói.
Nguyễn Đạt Ân (trích dịch)- Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment