Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Khai sinh ước mơ



"Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên, bản thân nó không biết sức mạnh nào buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta khi lao ngực vào bụi mận gai chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế".
1. Thật hạnh phúc cho những ai có đủ dũng khí để sống và chết vì một tình yêu, một lý tưởng đeo đẳng suốt cuộc đời mình. Thế nhưng, nhìn quanh ta có nhiều lắm không những người trẻ tuổi mà say mê lý tưởng? Có bao giờ ta tự hỏi rằng: Mình đã sống tồi, sống tẻ đến thế nào?
Giảng đường ĐH đang từ từ khép trước một số cô tú cậu tú bởi tính đào thải ngặt nghèo và yêu cầu gắt gao của nó. Những người con gái, con trai của hương đồng gió nội, những con người tuổi mười tám đôi mươi kết thúc con đường học vấn của mình ở tấm bằng tú tài, thậm chí nhiều người trong số đó chưa đến ngưỡng này. Họ lại trở về với nếp sống quen thuộc, là bản sao của bố mẹ họ, loanh quanh trong ao làng, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, một cái vòng quẩn quanh.
Những ước mơ, hoài bão của sức trẻ bị lo toan đời thường làm cho héo hon già cỗi và tan biến đi. Có cách nào để sức trẻ ấy thoát khỏi vòng tù túng này chăng? Xã hội can thiệp chỉ là một phần rất nhỏ. Vấn đề là sự tự thân vận động ở chính họ.
2. Ngay trong giảng đường đại học cũng có một bộ phận những sinh viên không biết đến khái niệm của lý tưởng đích thực. Họ có vẻ rất tâm đắc với "lý thuyết hưởng thụ" của mình. "Sống trào sinh lực bốc men say" với họ bây giờ là những cuộc đua tộc độ, coi giảng đường là sàn nhảy, sàn đậu, là vũ điệu ái tình, là sàn diễn thời trang.
Lý tưởng của họ là những con xe đời mới, những kỳ tích điên rồ và chết người, những đồ hiệu, đồ trang điểm chưa từng xuất hiện trên thị trường.
Họ là con của những gia đình có "đẳng cấp", có khả năng vung tiền nhu trấu, có cách thức lôi con ra khỏi nhà đá sau vài giờ tạm giam... Họ làm gì có mục tiêu, cũng chẳng cần ôm ấp hoài bão. Khi ra trường một vị trí ngon lành đang chờ đón họ. Những con đường du học cũng đang mòn mỏi trông chờ những vị hoàng đế này.
Để nhận diện những nhân vật đó? Thật dễ dàng, hãy đưa mắt nhìn một lượt quân số lớp bạn, một thoáng sân trường, một khoảnh khắc trên đường... Công việc của họ ư? Mỗi buổi sáng hoặc hàng tháng họ xòe tay nhận từ bố mẹ những "hợp đồng" và khoản tiền kếch xù.
3. Kể trên là hai đối tượng đối lập nhau về lối sống nhưng cùng chung nhau về đặc điểm: Hà tiện, dè sẻn những hoài bão đích thực. Ngoài ra còn một loại là những kẻ lỡ cỡ lờ đờ, sống nheo nhóc vớt những lý tưởng còi cọc chẳng đủ khuấy động chút nào cái ao đời vốn đã vô cùng yên tĩnh.
Thật đáng buồn đáng lo ngại. Hơn lúc nào hết, hơn bao giờ hết phải làm những cái ao đời dậy sóng.
4. "Nếu chẳng còn gì mơ ước trong tôi 
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất"

Đó là lời thơ của Onga Becgon trong "Mùa lá rụng". Bạn có thể gói ghém nó trong hành trang của mình.
Ước mơ chắp cánh cho con người bay vào vũ trụ, khám phá đến tận cùng những bí ẩn của thiên nhiên, tiếp cận sâu sắc nhất, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu văn minh của nhân loại.
Con người ta tựa vào những ước mơ, những yêu tin để đứng cho thăng băng trong cuộc sống. Cuộc sống là một chuỗi những ước mơ, người ta xây dựng nó bằng yêu tin của chính mình và đặt cho nó một cái tên. Dẫu đổ vỡ thất vọng nhưng những yêu tin, những hoài bão khác lớn hơn, mãnh liệt hơn lại được hồi sinh.
Và nữa:"Tư tưởng mà không biến thành hành động thì chỉ là một nghệ thuật trang trí vô ích cho loài người" (A.Mercereau). Sức mạnh thời đại là biến những điều không thể thành có thể. Dẫu cống hiến ấy chỉ là "một chiếc lá rơi cho đất thêm màu".
Nguồn:  Sinh viên Việt Nam

No comments:

Post a Comment