Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

“Đừng tước mất cơ hội của trẻ”



Hồi đó, khi còn là một du học sinh, tôi đi giúp việc mùa hè tại một gia đình Mỹ. Công việc là chăm lo cho hai cháu trai vì mẹ chúng đang bệnh. Jimmy, cậu bé 2 tuổi, luôn tự thay quần áo, đặc biệt là giành phần gài nút áo và cột dây giày. Cháu nhất định không cho tôi phụ dù cháu cột dây giày.
Chương trình “Học kỳ trong quân đội” do Trung tâm Thanh niên miền Nam tổ chức là một cách bạn trẻ rèn tính tự lập - Ảnh: K.Anh
 
Lắm lúc tôi mất kiên nhẫn và giành làm thay cháu. Một lần, ông ngoại các cháu bắt gặp và trao đổi riêng với tôi: “Cô Oanh không có bất cứ nhiệm vụ nào ngoài chơi và ăn ngủ với cháu. Do đó không có lý do gì để vội vã. Hai cô cháu có thể xuống phòng ăn trễ cả giờ cũng được. Khi giành việc của Jimmy, cô đã làm mất cơ hội tập khéo tay và hơn nữa là ý thức tự lập của cháu”.
Sau này, tôi thăm một người cháu Việt kiều Mỹ. Chú nhóc một tuổi rưỡi trong nhà làm tôi sợ hú vía vì chú vừa chạy vừa có thể té bất cứ lúc nào. Một lần tôi chạy theo lấy tay “hứng” sẵn. Không ngờ cháu tôi la lên: “Cô đừng làm vậy! Nó chạy trên tấm thảm dày, xung quanh toàn là ghế nệm, có té cũng chẳng sao. Có đau một chút nó sẽ tự rút ra bài học và sau này biết cách tự tránh các rủi ro”. Lần này, tôi lại tước khỏi cháu cơ hội trải nghiệm sự đau đớn hay rủi ro để lớn lên nó tự bảo vệ mình.
Tôi vô cùng xấu hổ, vì dù biết nguyên tắc phải để cho trẻ tự lực tôi chỉ hiểu trên lý thuyết... Và nghiệm thật kỹ chắc tôi đã vi phạm cả ngàn lần trong việc tước quyền được lớn lên của trẻ. Vì trong bối cảnh VN, chuyện làm thay trẻ xảy ra như cơm bữa. Người lớn sợ mất thời giờ, sợ trẻ làm dơ nên đút ăn cho tới khi trẻ lớn. Điều quan trọng không phải là sự khéo tay mà là ý thức tự lực rất cần thiết cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Có hai điều cha mẹ làm thay xem như vĩnh viễn làm trẻ mất nhân cách riêng của mình, đó là suy nghĩ và quyết định giùm.
Người lớn nên tập cho trẻ tự làm và tự quyết định những gì mà độ tuổi cho phép. Một cặp vợ chồng Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi để cho con ở tuổi mẫu giáo tự làm nhiều thứ. Một hôm nó đòi mặc cho bằng được cái áo và chiếc váy khác màu, đối chọi nhau. Chúng tôi không cản. Vô trường các bạn học cười và nó tự rút kinh nghiệm. Dĩ nhiên cái gì con đòi mà gây nguy hiểm thì chúng tôi đặt giới hạn, ví dụ như khi băng qua đường một mình”.
Hai lá thư
Một lần tôi nhận cùng lúc hai lá thư của hai bà mẹ.
Thư của bà mẹ VN gửi cho mục tư vấn trên báo nói: “Tôi rất đau khổ vì thằng con trai 15 tuổi của tôi đòi đi học một mình cho bằng được. Dĩ nhiên trường không xa nhà, nó có thể đi bộ hay xe đạp. Nhưng tôi thích mỗi ngày chở nó đi hơn. Làm thế có phải nó đang muốn xa tôi không? Tôi lo lắm...”.
Lá thư thứ hai từ một người ở Mỹ: “N.H., con gái 8 tuổi của tôi hè vừa qua lần đầu tiên đi trại xa nhà. Trường cho ba mẹ đi theo nhưng ở riêng để các cháu khỏi sợ nhưng sinh hoạt độc lập. Ngày thứ hai cháu nói: “Mẹ về đi con không sợ đâu!”.
Các bạn nghĩ sao?
 
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ OANH
Theo Tuoitreonline

No comments:

Post a Comment