“Chỉ có giáo dục mới có thể giúp cho xã hội tránh khỏi nguy cơ bị sụp đổ, dù là sụp đổ một cách nhanh chóng hay từ từ”.
Jean Piaget (1896 - 1980) vừa là một nhà giáo dục, một nhà nhận thức luận, và là một nhà tâm lý học. Ông là hình ảnh của một viện sĩ hàn lâm “khai sáng” cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh chống lại các thể chế kìm kẹp và các định kiến về những người trí thức ở thời đó.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số quan điểm về giáo dục của ông.
"Chỉ giáo dục mới giúp xã hội tránh khỏi sụp đổ"
Piaget đã nhận định không chút do dự rằng: “Chỉ có giáo dục mới có thể giúp cho xã hội tránh khỏi nguy cơ bị sụp đổ, dù là sụp đổ một cách nhanh chóng hay từ từ”. Theo ông, loài người cần đấu tranh vì mục tiêu giáo dục bởi kết quả hết sức rõ ràng:
Chúng ta chỉ cần nhớ rằng một ý tưởng lớn luôn có một sức mạnh tiềm ẩn và những gì tồn tại chính là những gì chúng ta đang cần để cảm thấy tự tin và chắc chắn hơn. Cho dù khởi đầu là con số không, nhưng chúng ta sẽ thành công trong việc đặt giáo dục vào đúng vị trí của nó trên toàn thế giới. Sau một vài chấn động trong mấy tháng trở lại đây, giáo dục sẽ trở thành một nhân số quyết định không chỉ trong việc tái thiết mà còn trong việc xây dựng những thứ tốt đẹp hơn. “
Vì thế, theo quan điểm của Piaget, giáo dục là thách thức to lớn đối với tất cả mọi người, vượt lên trên mọi bất đồng về lý tưởng và chính trị: “Lợi ích chung của tất cả các nền văn minh chính là giáo dục trẻ em”.
"Ép buộc chính là phương pháp giáo dục tồi nhất"
Nhưng chúng ta cần đến giáo dục theo kiểu gì? Piaget không ngần ngại khuyếch trương suy nghĩ của mình trong cuốn Các bài phát biểu. Trước hết, ông đưa ra một câu cách ngôn:“Ép buộc chính là phương pháp giáo dục tồi nhất”. Theo đó,“trong lĩnh vực giáo dục, đưa ra ví dụ quan trọng hơn nhiều so với việc ép buộc.”
Sau đó, ông đưa ra một câu cách ngôn khác chỉ tầm quan trọng của sự tham gia tích cực của học sinh: “Học được chân lý mới chỉ là một nửa sự thật, toàn bộ chân lý phải cần được chính học sinh đó tái chinh phục, tái xây dựng và tái khám phá”.
Theo quan điểm của ông, nguyên tắc này dựa trên một thực tiễn tâm lý hiển nhiên là: “Toàn bộ tâm lý học hiện đại dạy chúng ta rằng, trí thông minh có được là kết quả của hành động” và đó chính là vai trò cơ bản của công tác nghiên cứu trong tất cả các chiến lược giáo dục. Tuy nhiên, nghiên cứu không được mang tính trừu tượng, bởi vì “hoạt động bao hàm việc nghiên cứu trước đó, và việc nghiên cứu chỉ có giá trị khi hướng tới hành động.”
Trường học không có sự ép buộc, đó là nơi học sinh được thử nghiệm một cách chủ động với mục đích là tái tạo lại cho bản thân mình những điều học được. Tuy nhiên, ông đã nhắc nhở rằng: Trẻ em không học cách thử nghiệm chỉ đơn giản bằng cách quan sát giáo viên thao tác các thử nghiệm, hoặc bằng cách làm các bài tập đã được tổ chức trước. Trẻ em học bằng quá trình tìm kiếm và nhầm lẫn, bằng cách làm việc chủ động và độc lập, tức là không bị bó buộc và có đầy đủ thời gian.”
Vậy vai trò của sách và sách giáo khoa ở một trường học là gì? “Trường học lý tưởng không có sách giáo khoa bắt buộc cho học sinh mà chỉ có các sách tham khảo được sử dụng tự do […]. Sách cần thiết duy nhất là sách dành cho giáo viên sử dụng.”
Ngược lại, các phương pháp chủ động đòi hỏi một cách làm việc vừa phát sinh tự nhiên vừa phải được hướng dẫn bởi những câu hỏi được đặt ra, trong đó học sinh tái khám phá và tái xây dựng những điều thực tế thay vì tiếp nhận chúng dưới dạng làm sẵn. Các phương pháp này cần thiết đối với cả người lớn cũng như đối với trẻ em.
Nguyên tắc giáo dục chủ động
Piaget cho rằng: “Hiểu toán học không phải là vấn đề khả năng của trẻ em. Do vậy sẽ là sai lầm, nếu cho rằng, không thành công trong việc học toán là do không có khả năng. Phép toán xuất phát từ hành động, và vì vậy, nếu theo đó mà chỉ trình bày một cách trực giác thì chưa đủ. Chính đứa trẻ phải hành động, bởi việc thực hiện bằng tay sẽ là một sự chuẩn bị cần thiết cho việc thực hiện bằng chính tinh thần. Trong tất cả các lĩnh vực toán học, chất lượng phải đi trước số lượng.”
Piaget cũng chú ý nhiều đến việc dạy các môn khoa học tự nhiên: “Những người do nghề nghiệp nghiên cứu mặt tâm lý học của các hoạt động trí tuệ ở trẻ em và thanh thiếu niên thường bị bất ngờ về cách xoay xở của mọi học sinh, nếu chúng có đủ các phương tiện để làm việc chủ động chứ không bị bó buộc và bị động.Từ cách nhìn này, việc dạy các môn khoa học là một sự ghi nhớ chủ động tính khách quan và thói quen kiểm chứng.”
Nguồn: Tuần Việt Nam
No comments:
Post a Comment