Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Thursday, June 28, 2012

Giao tiếp: Không phải bài toán khó


1. Những “ổ khoá” trong giao tiếp:
Giao tiếp dù muôn hình vạn trạng, tựu trung cũng là tìm cách diễn đạt ý mình để đối tượng giao tiếp có thể nắm bắt được, đồng thời hiểu rõ những điều đối tượng đó muốn truyền tải. Tuy nhiên quá trình truyền thông tin này phần lớn không suôn sẻ và thường bị nhiễu sóng bởi nhiều yếu tố. Khi cuộc đối thoại rơi vào những vùng nhiễu sóng này, các ổ khoá xuất hiện khoá chặt những cửa ngõ khả dĩ, cắt đứt mọi sự tương tác tốt đẹp giữa các đối tượng.

Yếu tố 1: Xu hướng đánh giá

Mọi người thường rất yêu thích việc đánh giá người khác, chia thành nhiều cấp độ.
Cấp độ 1: Vô tình đánh giá.Có thể gặp ở bất cứ nơi đâu, trong bất kì tình huống nào. Một ví dụ nhỏ, khi nghe ai đó nói về một người bạn biết  “Ông A khó tính lắm”, phản xạ của bạn 90% rơi vào 1 trong 2 trường hợp: “Đâu có, thấy ông ấy cũng hiền lắm mà” hoặc “Đúng rồi, vừa khó tính vừa hay bắt bẻ”. Vì đây là xu hướng chung, nên có thể bạn thậm chí không nhận ra ngay lúc đó là bạn đang đánh giá người khác.
Cấp độ 2: Thích đánh giá. Những người thích đánh giá thường chủ động đưa ra nhận định về ngoại hình, hành vi của người khác. Tuy không phải thường xuyên, nhưng họ thường tự đưa ra những đánh giá trước khi lắng nghe đối tượng nói điều gì đó. Và đánh giá của họ thường chi phối họ nhiều hơn là những thông tin họ tiếp nhận được từ đối tượng.
Cấp độ 3: Xem đánh giá là niềm vui. Một số người không thể ngừng đánh giá người khác. Ngay khi vừa gặp một người, phản ứng đầu tiên là nhìn từ đầu đến chân, mắt truyền tín hiệu lên não, nơ ron làm việc hết công suất nhằm đưa ra các đánh giá sơ bộ về kiểu tóc, khuôn mặt, dáng người, phục trang, sau đó đưa ra các kết luận kiểu “Người này nhìn có vẻ không đáng tin” (!?). Vô hình chung họ bị nhốt trong những nhận định ban đầu của mình, và điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quá trình giao tiếp từ đó trở đi của họ với đối tượng chịu sự đánh giá.
Ở cấp độ càng cao, rủi ro và tính cản trở gây ra trong giao tiếp càng lớn. Vì được đưa ra ngay từ những phút đầu tiên gặp mặt, phần lớn các đánh giá thường chủ quan,  không đáng tin cậy và ít nhiều sai lệch. Những đánh giá này ảnh hưởng trực tiếp đến thiện cảm dành cho đối tượng giao tiếp và chắc chắn sẽ bộc lộ trong quá trình giao tiếp sau đó, khiến kết quả giao tiếp kém khách quan đi nhiều.

Yếu tố 2: “Vậy sao” và những hiểu lầm

Một ông chủ nói với nhân viên B của mình: “Tôi biết cách tốt nhất để anh cải thiện được hiệu suất làm việc của mình”. Phản ứng của B là: “Vậy sao?” Đến đây có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1:Ông chủ nghĩ là B chưa hiểu hết ý mình, và quyết định dành thời gian giải thích cho anh này hiểu cặn kẽ cách mà ông cho là tốt nhất đó. Sau gần mười phút diễn giải, trông B vẫn không có vẻ gì là bị thuyết phục bởi những lý lẽ ông đưa ra. Chỉ có thể có hai lý do:

(1) Ông giải thích chưa rõ ràng, chưa đủ thuyết phục
(2) B thật ngu ngốc

Lẽ dĩ nhiên, ông chủ sẽ thấy lý lẽ của mình đã quá rõ ràng và thuyết phục, không có lý do gì để B không hiểu, trừ lý do (2). Ông cũng sẽ tiếp tục cố gắng giải thích tới khi B hiểu mới thôi, nhưng những cố gắng này bắt đầu mang màu sắc hằn học khó chịu do ảnh hưởng của nhận định: “B thật ngu ngốc”.

Ông chủ đã bắt đầu việc giải thích bằng một lý do tốt là giúp B cải thiện công việc của mình. Nhưng cuối cùng những gì B thấy cuối cuộc đối thoại chỉ là ông ta cố gắng tìm cách xúc phạm B và xem anh như một người thiểu năng không hơn. B sẽ làm mọi thứ để bảo vệ tự trọng của mình và chống đối lại ông chủ.
Trường hợp 2:Khi nghe B trả lời “Vậy sao?”, ông chủ thấy mình vẫn chưa hiểu rõ ý của B đằng sau câu trả lời đó, và quyết định tìm hiểu. Nếu xem việc giao tiếp như sự tương tác cảm xúc, ông ta sẽ thấy không thể mặc kệ cảm xúc của B. Thay vì áp đặt B vào cách làm ông cho là tốt nhất, ông chọn lắng nghe. Thay vì muốn B phải thế này hoặc thế kia, ông hỏi B những câu như “Có phải anh thấy là...?”, “Có phải anh muốn làm thế này?”... Khi gợi mở được nhân viên của mình, ông sẽ lắng nghe và hiểu nhiều hơn về cách nhìn cũng như nguyện vọng của B. Nhận định “Thì ra B không chán ngắt chút nào, anh ta cũng có những tư duy thú vị đấy chứ!” xuất hiện, giúp cuộc đối thoại càng trở nên dễ chịu hơn. Lúc này, B có thể vẫn không hoàn toàn đồng ý với cách làm của ông chủ, nhưng sẽ đồng ý thử cách đó và đưa ra các đề xuất khác mà anh ta cho là sẽ hiệu quả.

Dĩ nhiên mọi việc trong thực tế có thể diễn ra không hoàn toàn giống với diễn đạt trên giấy mực. Nhưng chắc chắn nếu ông chủ chọn cư xử theo cách 2, ông đã tiến gần hơn 1 bước đến chiếc hộp đựng chìa khoá của cửa ngõ giao tiếp.

2. Chìa khoá của cửa ngõ giao tiếp:

Chìa khoá duy nhất có thể mở được mọi “ổ khoá” hình thành trong giao tiếp là “lắng nghe với sự thấu hiểu”.

Trước khi đánh giá một người, hãy lắng nghe họ. Mở khoá nhanh hay chậm không tuỳ thuộc vào việc bạn lắng nghe bao lâu, mà là lắng nghe như thế nào. Đây là điều các nhà tư vấn/trị liệu tâm lý vẫn thường làm với các khách hàng/bệnh nhân của họ: lắng nghe một cách thông cảm, gợi mở để đối phương bộc bạch càng nhiều càng tốt. Khi họ nghe và hiểu được cô ta/anh ta ghét gia đình mình, hoặc không thể chịu được ông chủ của mình... như thế nào, họ sẽ tìm được cách tiếp cận và hoá giải những vấn đề đó. Hãy đặt mình ở vị trí của người đang đối thoại với bạn, và nhìn vấn đề dưới góc nhìn của anh ấy/cô ấy.

Điều này thoạt nghe rất đơn giản, nhưng chỉ riêng việc lắng nghe và thấu hiểu đã tiềm ẩn rủi ro – lý do khiến nhiều người từ chối mở cửa ngõ giao tiếp. Họ thà không đạt được hiệu quả cao nhất trong giao tiếp chứ không muốn đối mặt với rủi ro. Đặt mình vào vị trí của người đối diện, nhìn sự việc dưới góc nhìn của anh ấy/cô ấy, thật sự thấu hiểu được cách vấn đề mà anh ấy/cô ấy phải chịu đựng..., nghĩa là bạn hoàn toàn có được cảm tình của anh ấy/ cô ấy. Nhưng cũng có nghĩa là bạn bắt đầu hoài nghi các quyết định ban đầu của mình và chuyển hướng sang suy nghĩ – hành động như người đối diện. Bạn chắc chắn sẽ bị chi phối, và đây là lý do nhiều người kiên quyết không lắng nghe, hoặc lắng nghe nhưng không thấu hiểu. Họ muốn giảm thiểu rủi ro này.

Ngoài ra, không phải lúc nào lắng nghe cũng có đất dụng võ. Lắng nghe trở nên cần thiết nhất khi xảy ra bất đồng. Tuy nhiên bất đồng thường xảy ra trong những cuộc cãi vã, khi cả hai bên đều đỏ mặt tía tai và không còn thiết gì đến việc lắng nghe bên còn lại. Trong trường hợp này, cần có một người/nhóm thứ ba không liên can trực tiếp đến vấn đề của hai bên trở thành người đứng giữa, nghe và hiểu nguyện vọng của cả hai, truyền đạt lại và hoà giải.
ThienDi @ saga.vn - Theo Barriers and Gateways to Communication - Carl R. Rogers and F.J. Roethlisberger

No comments:

Post a Comment