Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Wednesday, June 6, 2012

Trò chuyện với mẹ của giáo sư Ngô Bảo Châu trước thềm năm mới

Một buổi chiều cuối năm, PGS.Trần Lưu Vân Hiền, mẹ của GS Ngô Bảo Châu đã đồng ý tiếp phóng viên VietNamNet tại căn hộ công vụ Chính phủ cấp ở tòa nhà Vincom, phố Bà Triệu (Hà Nội). Cô vui vẻ khi biết mục đích của phóng viên chỉ muốn có một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng. 
Trò chuyện với mẹ của giáo sư Ngô Bảo Châu
GS Ngô Bảo Châu và mẹ tại Chicago
Năm vừa qua, sự kiện Giải thưởng Fields đã làm xáo trộn không khí gia đình không ưa sự ồn ào như gia đình GS Ngô Bảo Châu, bởi sự quan tâm quá mức của truyền thông trong nước. Rồi sự kiện nhận căn hộ của Chính phủ với những ý kiến trái chiều đã làm cả nhà một phen nữa phải đau đầu.
Cô Hiền cho biết: "Châu thấy mệt mỏi những chuyện như thế lắm, nhưng rồi cũng xác định được quan trọng là mình có thể làm được điều gì đó với quỹ học bổng về khuyến học – khuyến tài và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trong năm mới này".
Được hỏi mỗi khi gặp áp lực bởi truyền thông, anh Châu có tâm sự với mẹ điều gì không, cô Hiền cho biết: "Châu không nói gì cả". 
Nhưng là người mẹ đã gắn bó với đứa con trai độc nhất bao nhiêu năm, chỉ cần nhìn nét mặt là cô biết anh đang buồn hay vui. Cô Hiền nói anh Châu đã trưởng thành và có nhiều suy nghĩ chín chắn hơn cả mình nên hầu như không can thiệp vào những công việc anh làm, mặc dù cô cũng có điều lo lắng vì đã bao năm anh không sống ở môi trường trong nước.
"Chẳng hạn như sau nhiều lần về nước, Châu nhận thấy rằng cộng đồng Toán học trong nước có nhiều người tâm huyết, muốn làm một cái gì đó vì người khác, ít quan tâm đến tiền bạc; rồi những học sinh trong nước, nhiều em rất ham học, cần có người dẫn đường”. 
Trò chuyện với mẹ của giáo sư Ngô Bảo Châu
Hình ảnh về sự kiện GS Ngô Bảo Châu trên lịch do công ty Tinh Vân thiết kế
PGS Trần Lưu Vân Hiền chia sẻ thêm: Vấn đề mọi người quan ngại là việc thành lập và điều hành một viện nghiên cứu như vậy sẽ rất phức tạp, vì đó là một mô hìnhmới mẻ ở Việt Nam, nhiều khó khăn sẽ đến kể từ cơ chế , thói quen, nếp suy nghĩ và cả việc đảm bảo có được những người cộng tác đầy tâm huyết, không mảy may vụ lợi...


"Nhưng Châu có vẻ như đã nhìn thấy trước những khó khăn và có niềm tin, rằng đã có những chính sách cởi mở hơn, đã có sự ủng hộ thiết thực để viện có thể sớm hoạt động, đã có những người đã sẵn sàng cùng mình chia sẻ những khó khăn, tâm huyết vì cùng tham gia vào một việc được xem là có ý nghĩa".


 
Hình ảnh về sự kiện GS Ngô Bảo Châu trên lịch do công ty Tinh Vân thiết kế
"Tôi thấy vui vì Châu rất có ý thức đối với các hoạt động cộng đồng, góp được một chút gì đó cho thế hệ trẻ Việt Nam. Năm mới đến, đã xuất hiện các tín hiệu ban đầu tốt đẹp cho những cố gắng đó. Sau nhiều lần về Việt Nam, lắng nghe những câu chuyện của con, tôi hoàn toàn yên tâm về những gì con mình quyết định làm", cô Hiền chia sẻ.


Ngày 27/2 tới, GS Ngô Bảo Châu sẽ về nước cùng một vị khách đặc biệt, đó là Hiệu trưởng ĐH Chicago- ông Robert J. Zimmer. Sự kiện này sẽ là một tín hiệu vui cho giáo dục ĐH Việt Nam, hy vọng sẽ có những hợp tác mới về giáo dục Mỹ- Việt. Dịp này, GS Ngô Bảo Châu sẽ xúc tiến những công việc cụ thể liên quan đến Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.
2011 cũng là năm Quỹ học bổng dự kiến mang tên Trí tuệ Việt Nam đi vào hoạt động, sẽ cấp những học bổng đầu tiên cho HS, SV nghèo, giỏi cũng như các nghiên cứu sinh tại Việt Nam. 
Ngoài mục đích khuyến học như ban đầu, quỹ đặc biệt quan tâm trao phần thưởng cho các nhà khoa học trẻ đang làm việc tại Việt Nam, tổ chức một cuộc thi sáng tạo và tổ chức định kỳ những buổi làm việc giữa các nhà khoa học với sinh viên và những người có mong muốn có thêm hiểu biết về các tiến bộ khoa học – kỹ thuật.
Cô Hiền cho biết, thành viên sáng lập của Quỹ học bổng chỉ có các công ty lớn và cá nhân GS Ngô Bảo Châu tham gia, không có "đại gia" nào đứng sau.


Hình ảnh về sự kiện GS Ngô Bảo Châu trên lịch do công ty Tinh Vân thiết kế
Trong lúc cô Hiền vo gạo nấu bữa cơm tối, tôi hỏi: “Mỗi lần về Việt Nam, anh Châu thích ăn món gì mẹ nấu?”. Cô Hiền cười nhẹ nhàng: Châu không thích những món gì quá phức tạp, cầu kỳ hay đi ăn nhà hàng. Châu thích canh cua khoai sọ, rau rút, thịt kho tàu, thích món ăn dân dã ở phố cổ Hà Nội. Có dịp thết đãi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thay vì chọn nhà hàng sang trọng vì sợ bị làm phiền, anh Châu đã nhờ mẹ nấu món canh cua với rau mùng tơi Ba Vì.
Cuộc trò chuyện cuối năm với cô Hiền tuy nhiều, nhưng lại không thể viết lên báo được, vì biết rằng, gia đình cô cũng như bao gia đình khác, cũng cần có những bí mật riêng để được hưởng cái yên tĩnh quý giá của cuộc sống.
Và có lẽ, lời chúc đầu năm chân thành nhất là chúc gia đình GS Ngô Bảo Châu năm 2011 sẽ có nhiều thời gian và không gian cho riêng mình hơn.
Theo Hương Giang, Việt Nam Nét

No comments:

Post a Comment