Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Wednesday, June 6, 2012

Trạng toán Vũ Hữu (1437–1530)


Làng Mộ Trạch xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, quê hương của Vũ Hữu.
Vũ Hữu (1437–1530) là một nhà toán học người Việt, và cũng là một danh thần dưới triều đại Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Ông còn được coi là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam.
Vũ Hữu quê làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là người đỗ tiến sĩ đầu tiên của làng Mộ Trạch dưới triều Lê Sơ, là con thứ ba của cụ Vũ Bá Khiêm, thuộc đời thứ 5 họ Vũ làng Mộ Trạch. Theo sách gia phả họ Vũ ở làng Mộ Trạch ghi lại thì Vũ Hữu sinh năm 1443 (một số tài liệu ghi Vũ Hữu sinh năm 1437).
Năm Quý Mùi (năm 1463) đời vua Lê Thánh Tông, ông đỗ Hoàng giáp khi mới 20 tuổi, ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ hộ. Bia khoa Quý Mùi hiện còn ở Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, có tên ông.
Thuở nhỏ, ông không được đi học vì nhà nghèo, nhưng sớm có năng khiều đặc biệt về toàn. Khi ông còn bé, dân làng Mộ Trạch muốn sửa sang mới ngôi đình bị dột nát, các bô lão trong làng lúng túng chẳng biết tính toán làm sao để có thể hoàn thành ngôi đinh. Vũ Hữu chỉ cần nhìn qua ngôi đinh, lấy que vạch lên đất tính toán, một lát đã xong. Toán thợ làm y theo cách cậu vẽ, quả nhiên đúng khớp cả. Mọi người ngạc nhiên, cho Vũ Hữu là thần đồng. Từ đó họ góp tiền nuôi cậu ăn học.
Tuy là nhà nho, nhưng Vũ Hũu lại khác người. Ông đặc biệt say mê môn toán pháp. Ông ra sức vận động đưa toán học vào việc thi cử nhưng không được nhà vua chấp thuận.
Đời vua Lê Thánh Tông, ở kinh đô Thăng Long, các cửa Đoan Môn, Đại Hương, Đông Hoà của kinh thành xây từ đời Lý, bị sụt nở quá nhiều. Triều đình nghị bàn tu sửa lại. Vua sai Vũ Hữu trù tính nguyên vật Liệu và nhân công cần thiết. Ông đến từng cửa thành, đo đạc chiều cao thấp, rộng hẹp, lập phép tính mọi thứ cần thiết, đôn đốc thi công. Tu sửa xong, số nguyên vật liệu, nhân công mà ông trù tính coi như vừa đủ. Mọi người đều phục tài. Nhà vua khen tài tính toán của ông, thưởng cho 100 mẫu ruộng ở tào vệ Nam Xương, phong ông là Trạng toán.

Thời vua Lê Thánh Tông, mấy cửa thành Thăng Long (xây từ thời Lý) đã bị hỏng nhiểu. Nhà vua quyết định giao cho một số viên đại thần tính toán nguyên vật liệu để xây lại. Mấy vị này đã đo đạc, tính toán hàng tháng mà vẫn chưa đi đến nhất trí để xây thành. Nghe đồn có Khâm hình viện lang trung (Chức quan trong triều của Vũ Hữu – tương đương chức Vụ trưởng, thứ trưởng ngày nay, chuyên coi về hình luật, xét xử) có biệt tài đo đạc, tính toán, nhà vua liền giao cho công việc tính số gạch cần xây.

Vũ Hữu tuân lệnh. Sau khi ông quan sát các cửa thành, ông về tâu vua:
- Tâu bệ hạ, thần đã xem xét kỹ cửa Đông Hoa, thấy hỏng nhiều hơn cả. Cửa đó lại lớn nhất, xây dựng khó hơn, vậy xin bệ hạ cho sửa cửa này trước.
Ý kiến đề xuất của Vũ Hữu được chấp nhận và nhà vua ra lệnh cho ông phải tiến hành thật khẩn trương, không được dềnh dang như mấy viên đại thần trước.
Ngay tối hôm đó, Vũ Hữu đã tranh thủ thắp đèn đo đạc, tính toán nơi cửa Đông Hoa suốt đêm. Sáng hôm sau vào triều, ông trình lên nhà vua cùng văn võ bá quan, số lượng gạch cần thiết để sửa chữa cổng thành.
Mấy viên đại thần được giao nhiệm vụ trước đó – thấy Vũ Hữu tính số gạch sai lệch với họ quá nhiều – vừa bẽ mặt, vừa tức tối, lại ỷ thế mình là cận thần, bèn ton hót với vua:
- Xin bệ hạ chớ vội tin vào lời quan Lang Trung, không thì sẽ hỏng việc hệ trọng.
Một người khác lại phụ hoạ thêm:
- Xin bệ hạ ra lệnh cho quan Lang trung nếu tính thừa, thiếu 3 viên gạch thì phải trị tội!
Vua Lê Thánh Tông nhìn Vũ Hữu hỏi:
- Nhà ngươi thấy ý kiến đình thần đề xuất thế nào? Giữ thái độ thản nhiên, Vũ Hữu đáp:
- Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý ạ!
Đúng ngày khởi công,các quan đã kéo đến túc trực trước cửa thành Đông Hoa đông đủ. Mấy viên đại thần sợ Vũ Hữu tranh mất công, muốn vin vào Bộ luật Hồng Đức để trị ông đã cho chuẩn bị sẵn nơi xử tội “lừa dối vua” của Vũ Hữu.
Khi xa giá vua Lê Thánh Tông đến, thì hồi trống khởi công sửa chữa cổng thành Đông Hoa cũng vang lên. Vũ Hữu đưa mắt nhìn đống gạch xếp vuông vức, có đánh dấu trước, thì thấy thiếu một viên. Ông liền tâu để vua biết và cuối cùng đã phát hiện được viên gạch bị giấu đi chỗ khác.
Vũ Hữu đích thân đứng theo dõi, đốc thúc đám thợ lành nghề làm việc. Chẳng bao lâu cổng thành đã được xây xong, số gạch còn thừa lại một viên.
Vua Lê Thánh Tông rất hài lòng. Nhưng mấy viên đại thần càng thêm tức tối, la lên:
- Quan Lang Trung, ngài tính toán rất tài, thế mà vẫn thừa một viên!
Vũ Hữu, cũng với giọng rất khiêm tốn, bình thản thưa:
- Xin các đại quan hãy thư thả, viên gạch đó tôi đã tính trước,dùng để thay viên gạch vỡ ở tường thành phía tây, gần cửa Đông Hoa.
Nói xong, ông chỉ cho thợ đục viên gạch vỡ và thay bằng viên gạch thừa, sít sao một cách kỳ lạ!
Vua Lê Thánh Tông ban chiếu khen thưởng ông và tín nhiệm giao cho ông tính toán sửa chữa các cửa thành hư hỏng còn lại.
Ông hệ thống hoá những thành tựu về hình học và số học đương thời, viết thành quyển Lập thànhtoán Pháp chỉ dẫn cách chia cụ thể và chính xác về cách chia ruộng đất, xây dựng nhà cửa, thành luỹ …Các phép đo ruộng đất được tính theo đơn vị mẫu, sào, thước (24 mét vuông) và tấc (1/10 thước). Đây là quyển sách toán học cổ nhất nước ta, nay không còn.
Tuy làm quan, nhưng Vũ Hữu luôn giữ mình trong sạch, thanh liêm, cứng cỏi, cuộc sống gia đình cần kiệm. Ngày ông đỗ Hoàng giáp, theo hương ước của làng Mộ Trạch quy định : Hễ ai đỗ đại khoa, dân làng góp tiền mừng con lợn, người đỗ đạt phải khao làng một con trâu. Nhà nghèo, Vũ Hữu buộc phải mua trâu để khao làng mà không có tiền để mua trâu cày cho gia đình. Bài thơ tự thuật của ông có câu :
Nhậm nhiệm chu niên quan lịch tiến
Tể ngưu thường hữu, phạp ngưu canh
Nghĩa là :
Nhận nhiệm nhiều năm quan thường tiến
Trâu khao thì có, chẳng trâu cày
Vũ Hữu làm quan qua 7 đời vua triều Lê sơ : Lê Thánh Tông (1460-1497) ; Lê Hiển Tông (1497-1504) ; Lê Duệ Tông (1504-1505) ; Lê Uy Mục (1505-1510) ; Lê Tương Dục (1510-1516) ; Lê Chiêu Tông (1516-1522) ; Lê Cung Hoàng (1522-1527). Ông có 5 con và cháu ruột đỗ tiến sĩ, cùng được khắc tên ở Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) và Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ngoài 70 tuổi, ông cáo quan xin về hưu, làm nhà đặt tên là Phượng Tri am. Ông được tặng phong là Thái bảo. Năm 1527, vua Lê Cung Hoàng tin nhiệm ông làm Nguyên lão đại thần, cử ông cùng với Phan Đình Tá mang cờ tiết, kim sách, mũ áo thêu rồng đen, dát đai ngọc, kiệu tía đến Cổ Trai tấn phong tước vương cho Mạc Đăng Dung.
Khi nhà Mạc thay ngôi vua nhà Lê, ông vẫn được triều đình vời làm quan. Năm Canh Dậu (năm 1530) ông mất, thọ 93 tuổi.
Vũ Hữu không chỉ là một danh sĩ mà còn là nhà toán học tài giỏi dưới triều Lê, được lưu danh sử sách.
Ông được thờ tại nhà thờ Hiển Đức Đường , phần mộ còn tại xứ Mả Miễu (Mộ Trạch).       (sưu tầm)

No comments:

Post a Comment