Ôn tập theo từng chuyên đề và rèn kỹ năng giải bài
Học nhóm sẽ giúp các bạn hỗ trợ nhau về kiến thức
|
Đó là cách học của bạn Phạm Thế Thông - cựu học sinh Trường THPT Gia Định, nay là sinh viên năm 3 khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐH KHTN TP.HCM. Thời gian còn học phổ thông, Thế Thông chưa một lần đặt chân đến các lớp luyện thi mà chỉ học trên lớp và về nhà xem thêm sách tham khảo. Thế mà kỳ tuyển sinh 2006-2007, cậu học sinh này đã đạt điểm tuyệt đối (chưa kể điểm thưởng) vào Trường ĐH KHTN TP.HCM. Nói về cách học của mình, Thế Thông cho biết bạn chia ra làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn nạp thể lực
Bắt đầu từ đầu hè năm học lớp 11 đến lớp 12 và kết thúc vào khoảng đầu tháng 4 năm lớp 12. Giai đoạn này cần tập trung ôn luyện theo từng chuyên đề trong chương trình học trên lớp và có thể bổ sung thêm các dạng bài tập trong các cuốn sách tham khảo. Mục tiêu của giai đoạn này là các bạn phải nắm thật vững cách giải của càng nhiều dạng bài tập càng tốt, và cố gắng đẩy tốc độ giải bài tập lên đến mức tối đa. Có thể nói, giai đoạn này là lúc chúng ta “nạp” kiến thức càng nhiều càng tốt, là “nền móng” cho giai đoạn sau này khi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và nhất là kỳ thi vượt vũ môn vào đại học. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta có thể vội vàng, học bất cứ cái gì và bất cứ ở đâu. Điều này không tốt, chúng ta cần lên kế hoạch cụ thể cho từng môn học (nhất là các môn thi tốt nghiệp); rồi lập kế hoạch trong một ngày cần phải làm gì, thực hiện chuyện gì trước, sau…
Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn hoàn thiện
Bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc khoảng một ngày trước kì thi tốt nghiệp THPT. Sang đến giai đoạn này các bạn chủ yếu rèn luyện các kỹ năng giải bài tập. Các bạn sẽ rèn luyện qua việc giải trọn vẹn một bài tập trong sách giáo khoa hay một đề thi trong sách tham khảo. Theo tôi phương pháp rèn luyện giai đoạn này như sau:
1) Nén thời gian:
Bạn chỉ nên giải một đề trong vòng một tiếng đồng hồ (giải xong không dò lại). Nếu các bạn quen với việc giải một đề trong một giờ thì khi vào phòng thi bạn sẽ có cơ hội hoàn thành trong vòng hai giờ (thực tế khi tôi làm bài thi môn toán và lý còn dư 60 phút, môn hóa dư 90 phút). Sở dĩ tôi khuyên trong giai đoạn này giải xong không dò lại bài là để chúng ta tập được thói quen chỉ cần làm một lần là đúng đáp số, tự tạo cho bạn áp lực tính toán phải tuyệt đối chính xác, rèn sự cẩn thận và chắc chắn đến mức tối đa (tất nhiên là trong phòng thi thì chúng ta phải dò lại).
2) Chấm điểm khắc nghiệt:
Bạn tự chấm điểm cho mình một cách thật khắc nghiệt như sau:
a) Nếu bài nào sai đáp số cuối cùng thì chấm zero điểm câu đó (mặc dù chấm thi trong thực tế nếu sai đáp số cuối cùng mà phần trên đúng theo đáp án thì vẫn có điểm).
b) Nếu bài nào đúng đáp số cuối cùng thì bạn dò lại từng ý một trong đáp án, nếu không có ý giống như đáp án thì trừ điểm ý đó (mặc dù trong thực tế có thể bạn không có ý giống hệt đáp án mà có ý tương tự vẫn có thể có điểm).
Sở dĩ cần chấm điểm khắc nghiệt như vậy là để tập cho bạn thói quen hễ biết cách làm là phải làm đúng đáp số cuối cùng, phải trình bày cho thật chi tiết, thật kĩ lưỡng, phải học cho được cách trình bày, các ý thường có của đáp án, tránh mất điểm oan uổng sau này.
Khi vào phòng thi:
a) Đọc kĩ toàn bộ đề 3 lần. Tập trung đọc kĩ những chỗ lắt léo, nhiều dữ kiện. Gạch dưới những yêu cầu của đề bài.
b) Sau khi làm xong thì dò lại theo thứ tự sau: Thử xem đáp số mình tìm được có thỏa hết những dữ kiện mà đề bài cho không? (thử ngược lại). Nếu thỏa thì đến 99% đó là đáp số đúng. Kiểm tra lại từng phép tính một, từng chữ một trong bài làm, đừng ngại bổ sung, chỉnh sửa (cứ thoải mái gạch bỏ, dùng viết bi thì không bị xem là đánh dấu bài đâu). Nếu vẫn còn dư thời gian thì thử tìm một hướng giải khác xem có đi đến cùng một đáp số không? (Nếu giải bằng hai phương pháp khác nhau mà cho cùng một kết quả thì 100% đó là đáp số đúng).
c) Tuyệt đối không ra sớm một phút nào hết. Dò, dò nữa, dò mãi. Đừng bao giờ để phải ân hận vì một phép tính sai nào hết (thường thì tôi dò toàn bộ bài làm khoảng 3-4 lần).
No comments:
Post a Comment