Nơi giao lưu – Trao đổi kiến thức Toán học

Saturday, June 30, 2012

Ôn thi đại học môn Toán - Một số dạng Toán về BẤT ĐẲNG THỨC

Ôn thi đại học môn Toán - Bất đẳng thức

Khi trò “chấm điểm” Thầy


(Dân trí) - Các nước có nền giáo dục tiên tiến, nhất là nền giáo dục ở phương Tây như: Anh, Đức, Mỹ… việc trò đánh giá thầy là bình thường. Song ở nước ta, điều đó còn hết sức mới mẻ, cho nên cần có sự quan tâm đặc biệt để thực hiện tốt chủ trương này.

Những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo với quan niệm thứ bậc “Quân - Sư - Phụ” trong xã hội khiến cho việc soi xét, đánh giá người thầy từ xưa đến nay vẫn được nhiều người xem là việc làm “bất lễ”, đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.
Tuy nhiên quan điểm thời nay đã đổi mới. Việc để trò “chấm điểm” thầy nếu được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng mức sẽ đem lại những mặt tích cực . Trong điều kiện hiện nay, khi đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, rất cần một đội ngũ trí thức, nhân lực có trình độ, tay nghề, nhạy bén, sáng tạo. Để làm được điều này, nhân tố người thầy đóng vai trò then chốt. Do đó, đã đến lúc có một sự thay đổi mang tính đột phá về chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Phương pháp dạy học “truyền thống”: Thầy đọc – Trò chép đã không còn phù hợp. Xu thế đối thoại cởi mở giữa người dạy và người học khiến cho người thầy không còn đóng vài trò là người độc tôn nắm giữ và truyền thụ tri thức một chiều mà phải là người hướng dẫn, gợi mở, “đồng hành” cùng học sinh trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Trong quá trình “đồng hành” ấy, tư chất và khả năng của người thầy sẽ được bộc lộ. Bên cạnh đó, người thầy đứng trên bục giảng, ngoài khả năng, năng lực chuyên môn còn phải có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt, là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Phong cách sống và cách hành xử của người thầy trong cuộc sống hàng ngày sẽ có tác động tới nhân thức, tư tưởng, tình cảm và sự phát triển về nhân cách của trò. Trên thực tế, đây đó vẫn còn những giáo viên có những biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người thầy, ít nhiều làm xói mòn niềm tin của phụ huynh – học sinh và dư luận xã hội. Việc trò “chấm điểm” thầy một cách khách quan, chính xác sẽ là động lực để người thầy không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm đồng thời thường xuyên có ý thức tránh xa những biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo. 

Mặc dầu vậy, do là việc làm mới mẻ, chưa hề có tiền lệ mang tính nhạy cảm cao nên nếu không được cân nhắc, thận trọng mà vội vàng áp dụng đại trà, việc trò “chấm điểm” thầy có thể gây ra những hệ lụy không đáng có. Trước hết, mặc dầu mặt bằng nhận thức của người học hiện nay đã có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn song do trình độ nhận thức của các đối tượng người học không đồng đều; do đặc thù về lứa tuổi, tâm lý mà việc đánh giá của người học nhất là đối với lứa tuổi học sinh thường khó tránh khỏi sự chi phối của yếu tố cảm tính. Theo đó, với tâm lý thích điểm cao, thích thành tích của đa số người học hiện nay, những giáo viên có năng lực chuyên môn chắc và cho điểm”rắn” thì có thể bị học trò “ghét’ và đánh giá là “dạy dở”. Ngược lại, những giáo viên dạy chưa giỏi, chua hay nhưng dễ tính và cho điểm “thoáng”thì có thể dễ dàng “lấy lòng” người học. Mặt khác, việc sợ bị thầy cô “để ý”, “chăm sóc” cũng tác động tới tâm lý dám nói thật, đánh giá thật của người học. Trong khi đó ở trường, người học lại không có “quyền” chọn giáo viên cho môn học của mình mà phụ thuộc vào sự sắp xếp, bố trí của các tổ chức trong nhà trường như: Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn…Việc đánh giá cảm tính, thiếu khách quan, chính xác từ phía người học có thể gây ra tâm lý buồn chán, thất vọng, triệt tiêu sự cố gắng, nỗ lực của những người thầy bị đánh giá sai. Tác hại lớn nhất từ sự đánh giá thiếu chính xác của người học đó là hình ảnh tôn nghiêm vốn có cúa người thầy có thể bị tổn hại, xúc phạm. 

Trong khi đề cập tới vấn đề trò đánh giá thầy, Phó Thủ tướng – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Nhận xét của người học sẽ là một trong những động lực cho giáo viên tự thay đổi mình theo hướng tích cực và đây là vấn đề mà các thầy cô giáo phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự đổi mới về chất lượng dạy và học”. Thiết nghĩ, trong nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, khi khai thác tối đa những ưu điểm từ việc trò “chấm điểm” thầy mang lại, cần có một thái độ thận trọng, nghiêm túc và nhất thiết phải có một lộ trình thực hiện phù hợp. Chỉ nên xem ý kiến phản hồi từ sự đánh giá của người học như là một “kênh” thông tin. Việc đánh giá người thầy cần có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều “kênh” thông tin khác như: kết quả thực tập, thao giảng, hồ sơ, giáo án… và nhất là sự tiến bộ trong học tập của đối tượng người học do giáo viên trực tiếp giảng dạy. Việc để trò “chấm điểm” thầy nếu được thực hiện, cần được tiến hành một cách cẩn trọng, tế nhị, tránh lạm dụng để lấy giáo viên ra bình phẩm, đàm tiếu.

Trong một nền giáo dục ưu việt, cả thầy và trò đều cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Việc trò được phép dánh giá thầy và đánh giá một cách khách quan, chính xác sẽ giúp người thầy có những điều chỉnh phù hợp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng quyền lợi chính đáng của người học. Tuy nhiên, nếu sự đánh giá không đảm bảo tính khách quan, chính xác thì những hệ lụy kéo theo không phải là nhỏ. Nên chăng, nếu việc trò đánh giá thầy được áp dụng trong thực tiễn thì chỉ nên thực hiện thí điểm ở một số trường Đại học mà chưa nên áp dụng đại trà nhất là đối với các bậc học phổ thông do có sự khác biệt trong mặt bằng nhận thức và độ “chín” trong suy nghĩ của người học. Sau khi thực hiện thí điểm, cần có quá trình nhận định, tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện. Nếu có tính khả thi cao thì mới bắt đầu cho nhân rộng nhưng cần phải tuân theo một lộ trình thời gian thích hợp.

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

Tổ chức hoạt động dạy học với bản đồ tư duy



GD&TĐ) - Bản đồ tư duy (BĐTD) còn gọi là sơ đồ tư duy, lược đồ tư duy,… là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức,… bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, không yêu cầu tỉ lệ, chi tiết chặt chẽ như bản đồ địa lí, có thể vẽ thêm hoặc bớt các nhánh, mỗi người vẽ một kiểu khác nhau, dùng màu sắc, hình ảnh, các cụm từ diễn đạt khác nhau, cùng một chủ đề nhưng mỗi người có thể “thể hiện” nó dưới dạng BĐTD theo một cách riêng, do đó việc lập BĐTD phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của mỗi người.

BĐTD chú trọng tới hình ảnh, màu sắc, với các mạng lưới liên tưởng (các nhánh). Có thể vận dụng BĐTD vào hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau mỗi tiết học, ôn tập hệ thống hóa kiến thức sau mỗi chương, mỗi học kì... và giúp cán bộ quản lí giáo dục lập kế hoạch công tác.
Qua nghiên cứu và thực nghiệm giảng dạy cho thấy một số GV còn gặp khó khăn trong việc tổ chức hoạt động dạy học trên lớp với việc thiết kế và sử dụng BĐTD. Bài viết này sẽ đưa ra một số gợi ý giúp GV giải quyết khó khăn trên.
 Ví dụ 1: Dạy học bài Hình chữ nhật – Toán 8
Đặc điểm của bài này là HS đã có biểu tượng về hình chữ nhật, biết một số tính chất về cạnh, góc của hình chữ nhật từ các lớp tiểu học, mặt khác hình chữ nhật lại rất gần gũi với các em trong cuộc sống. Hơn nữa, cấu trúc bài hình chữ nhật cũng tương tự với các bài hình thang cân, hình bình hành mà các em vừa học trước đó, các bài này đều có các đề mục như định nghĩa, tính chất, dấu hiệu nhận biết. Vì vậy khi dạy học bài này nên tổ chức cho HS hoạt động nhóm lập BĐTD với tên chủ đề chính là hình vẽ một hình chữ nhật để HS thiết lập BĐTD, qua đó tự xây dựng kiến thức về hình chữ nhật, việc làm này sẽ phát huy được tính tích cực của HS, nâng cao hiệu quả giờ học. Có thể tổ chức một số hoạt động sau đây:
Hoạt động 1: Lập BĐTD. Mở đầu bài học, GV có thể cho HS lập BĐTD theo nhóm hay cá nhân với các gợi ý: tìm trong thực tế các hình có dạng hình chữ nhật, viết những tính chất về cạnh và góc mà em đã biết về hình chữ nhật, thử nêu định nghĩa, dấu hiệu nhận biết hình chữ nhật theo cách hiểu của em,…
Hoạt động 2: Báo cáo, thuyết minh về BĐTD. Cho một vài HS hoặc đại diện của các nhóm HS lên báo cáo, thuyết minh về BĐTD mà nhóm mình đã thiết lập. Qua hoạt động này vừa biết rõ việc hiểu kiến thức của các em vừa là một cách rèn cho các em khả năng thuyết trình trước đông người, giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn, đây cũng là một trong những điểm cần rèn luyện của học sinh nước ta hiện nay. 
Hoạt động 3: Thảo luận, chỉnh sửa,hoàn thiện BĐTD. Tổ chức cho HS thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện BĐTD về kiến thức của hình chữ nhật. GV sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp HS hoàn chỉnh BĐTD về hình chữ nhật, từ đó dẫn dắt đến kiến thức trọng tâm của bài học.
Hoạt động 4: Củng cố kiến thức bằng một BĐTD. GV cho HS lên trình bày, thuyết minh về kiến thức hình chữ nhật thông qua một BĐTD do GV đã chuẩn bị sẵn (vẽ ở bảng phụ hoặc ở bìa), hoặc BĐTD mà các em vừa thiết kế và cả lớp đã chỉnh sửa, hoàn thiện. GV có thể giới thiệu BĐTD sau đây (vì BĐTD là một sơ đồ mở nên không yêu cầu tất cả các nhóm HS có chung 1 kiểu BĐTD, GV chỉ nên chỉnh sửa cho HS về mặt kiến thức và góp ý thêm về đường nét vẽ và hình thức- nếu cần).
Khi HS đã thiết kế BĐTD và tự “ghi chép” phần kiến thức như trên là các em đã hiểu sâu kiến thức và biết chuyển kiến thức từ SGK theo cách trình bày thông thường thành cách hiểu, cách ghi nhớ riêng của mình. 
Ví dụ 2: Bài Phép đồng dạng - Hình học 11
Đặc điểm của bài này là HS đã có biểu tượng về hình đồng dạng (từ lớp 8) và biết các phép dời hình, phép vị tự (vừa học trước đó) nên HS có thể tự xây dựng được kiến thức mới thông qua việc lập BĐTD theo nhóm. Vì vậy khi dạy học bài này nên tổ chức cho HS hoạt động nhóm lập BĐTD với tên chủ đề là “hình đồng dạng” để HS thiết lập BĐTD xây dựng kiến thức của bài này. Cho HS thực hiện các hoạt động tương tự ở ví dụ 1. Sau khi thực hiện các hoạt động trên, GV có thể giới thiệu cho HS BĐTD có thêm các hình ảnh trực quan về hình đồng dạng sau đây:
Ví dụ 3: Bài Lễ độ - Giáo dục công dân 6.
Tổ chức cho HS lập BĐTD theo nhóm hoặc cá nhân, gợi ý cho các em tìm các biểu hiện lễ độ, các biểu hiện thiếu lễ độ, tìm trong thực tế và trong sách báo về các gương lễ độ, kế hoạch rèn luyện của bản thân,…để các em lập BĐTD với từ khóa “ lễ độ” ở trung tâm. Tiếp theo cho các nhóm HS trình bày, thuyết minh về BĐTD của mình, cả lớp thảo luận, góp ý kiến, GV kết luận dẫn đến kiến thức mới. Sau đây là BĐTD của một HS:  
Sau đây là một số BĐTD do HS thiết kế trong các giờ dạy thử nghiệm:
Bài “Tế bào”- Sinh học 8
Bài Vị trí, hình dạng và kích thước của trái đất – Địa lý 6
Có thể tóm tắt một số hoạt động dạy học trên lớp với BĐTD: 
Hoạt động 1: HS lập BĐTD theo nhóm hay cá nhân với gợi ý của GV.
Hoạt động 2: HS hoặc đại diện của các nhóm HS lên báo cáo, thuyết minh về BĐTD mà nhóm mình đã thiết lập.
Hoạt động 3: HS thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện BĐTD về kiến thức của bài học đó. GV sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp HS hoàn chỉnh BĐTD, từ đó dẫn dắt đến kiến thức của bài học.
Hoạt động 4: củng cố kiến thức bằng một BĐTD mà GV đã chuẩn bị sẵn hoặc một BĐTD mà cả lớp đã tham gia chỉnh sửa hoàn chỉnh, cho HS lên trình bày, thuyết minh về kiến thức đó.
Lưu ý: - BĐTD là một sơ đồ mở nên không yêu cầu tất cả các nhóm HS có chung một kiểu BĐTD, GV chỉ nên chỉnh sửa cho HS về mặt kiến thức, góp ý thêm về đường nét vẽ, màu sắc và hình thức (nếu cần).
- Các BĐTD giới thiệu trong bài viết này đều có nhiều màu sắc (chữ thuộc nhánh nào thì cùng màu với nét vẽ của nhánh đó). Tuy nhiên, do điều kiện in báo nên tất cả chỉ có màu đen (bạn đọc có thể xem các BĐTD với đủ màu sắc này trên bài cùng tên ở báo giáo dục thời đại điện tử www.gdtd.vn).
Sử dụng BĐTD sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển ý tưởng, tìm tòi xây dựng kiến thức mới. Nhờ sự liên kết các nét vẽ cùng với màu sắc thích hợp và cách diễn đạt riêng của mỗi người, BĐTD giúp bộ não liên tưởng, liên kết các kiến thức đã học trong sách vở, đã biết trong cuộc sống… để phát triển, mở rộng ý tưởng. Sau khi HS tự thiết lập BĐTD kết hợp việc thảo luận nhóm dưới sự gợi ý, dẫn dắt của GV dẫn đến kiến thức của bài học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Có thể tóm lược tổ chức hoạt động dạy học với BĐTD như sau:
Qua nghiên cứu lí luận và thực nghiệm dạy học ở một số trường cho thấy, sử dụng BĐTD trong dạy học kiến thức mới giúp HS học tập một cách chủ động, tích cực và huy động được tất cả HS tham gia xây dựng bài một cách hào hứng. Với sản phẩm độc đáo “kiến thức + hội họa” là niềm vui sáng tạo hàng ngày của HS và cũng là niềm vui của chính thầy cô giáo và phụ huynh HS khi chứng kiến thành quả lao động của học trò của mình. Cách học này còn phát triển được năng lực riêng của từng học sinh không chỉ về trí tuệ (vẽ, viết gì trên BĐTD), hệ thống hóa kiến thức (huy động những điều đã học trước đó để chọn lọc các ý để ghi), khả năng hội họa (hình thức trình bày, kết hợp hình vẽ, chữ viết, màu sắc), sự vận dụng kiến thức được học qua sách vở vào cuộc sống.
Trước đây, các tiết ôn tập chương một số GV cũng đã lập bảng biểu, vẽ sơ đồ, biểu đồ,… và cả lớp có chung cách trình bày giống như cách của GV hoặc của tài liệu, chứ không phải do HS tự xây dựng theo cách hiểu của mình, hơn nữa, các bảng biểu đó chưa chú ý đến hình ảnh, màu sắc và đường nét. Gần đây, sau một số đợt tập huấn của Dự án THCS II, nhiều GV đã áp dụng thành công dạy học với việc thiết kế BĐTD. Có thể kể đến một số trường tham gia dự án THCS II sau khi được tập huấn về đổi mới PPDH (trong đó có nội dung thiết kế, sử dụng BĐTD) đã triển khai và bước đầu tạo một không khí sôi nổi, hào hứng của cả thầy và trò trong các sinh hoạt ở tổ chuyên môn cũng như hoạt động dạy học của nhà trường, là một trong những nội dung quan trọng của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh triển khai.
BĐTD một công cụ có tính khả thi cao vì có thể vận dụng được với bất kì điều kiện cơ sở vật chất nào của các nhà trường hiện nay. Có thể thiết kế BĐTD trên giấy, bìa, bảng phụ,… bằng cách sử dụng bút chì màu, phấn, tẩy,… hoặc cũng có thể thiết kế trên phần mềm BĐTD. Với trường có điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt có thể cài vào máy tính phần mềm Mindmap cho GV, HS sử dụng, bằng cách vào trang web www.download.com.vn gõ vào ô “tìm kiếm” cụm từ Mindmap, ta có thể tải về bản demo ConceptDraw MINDMAP 5 Professional, phần mềm này không hạn chế số ngày sử dụng và việc sử dụng nó cũng khá đơn giản.
Bước đầu cho phép kết luận: Việc vận dụng BĐTD trong dạy học sẽ dần hình thành cho HS tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học. Sử dụng BĐTD kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như vấn đáp gợi mở, thuyết trình,… có tính khả thi cao góp phần đổi mới PPDH, đặc biệt là đối với các lớp ở cấp THCS và THPT.
TS.Trần Đình Châu – Dự án Phát triển GD THCS II- Bộ GD & ĐT
TS. Đặng Thị Thu Thủy - Viện Khoa học Giáo dục VN

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đình Châu, Sử dụng Bản đồ tư duy-một biện pháp hiệu quả hỗ trợ HS học tập môn toán, Tạp chí Giáo dục, kì 2, tháng 9-2009.
2. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy; Bản đồ tư duy-công cụ hiệu quả hỗ trợ dạy học và công tác quản lý nhà trường, Báo Giáo dục&Thời đại, số 147 ngày 14/9/2010.
3. Stella Cottrell (2003), The study skills handbook (2nd edition), PalGrave Macmillian.
4. Tony Buzan - Bản đồ Tư duy trong công việc – NXB Lao động – Xã hội.
5. www.google.com.vn

Loại bỏ hay đổi mới phương pháp giảng dạy truyền thống?



(Dân trí) - Phương pháp thuyết trình có lẽ là phương pháp giảng dạy phổ biến nhất và quen thuộc nhất đối với hầu hết các giáo viên, giảng viên. Nhưng đến nay, phương pháp này còn phát huy tác dụng hay không?

Thuyết trình là một phương pháp giảng dạy truyền thống được ví bằng hình ảnh “rót nước vào bình”: giảng viên là người “rót” những kiến thức cần thiết vào “chiếc bình” chính là các học sinh, sinh viên. Phương pháp truyền đạt này tồn tại từ rất lâu và đã có nhiều người đặt ra câu hỏi có nên áp dụng phương pháp thuyết trình ở các trường cao đẳng, đại học nữa hay không!?    
Có những đánh giá tích cực về phương pháp thuyết trình đã làm cho phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong một thời gian khá dài và cho đến tận ngày nay. Chẳng hạn như đây là phương pháp tối ưu giúp giảng viên có thể truyền đạt một khối lượng kiến thức lớn trong một khoảng thời gian ngắn; Giảng viên hoàn toàn chủ động trong giờ giảng của mình, không gặp khó khăn trở ngại đối với những vấn đề có thể nảy sinh trên lớp; Sinh viên tiếp thu được nhiều kiến thức khi họ nhận được càng nhiều thông tin từ giảng viên; Giảng viên là người hoàn toàn chủ động quyết định nội dung bài giảng; Giảm bớt những khó khăn, thời gian cho giảng viên trong việc chuẩn bị, chỉ cần chuẩn bị bài giảng thuyết trình một lần người giảng viên có thể sử dụng để giảng dạy trong nhiều lần.
 Tuy nhiên, trái ngược lại với các nhận định trên đây, điều mà tất cả các giảng viên dễ dàng nhận thấy khi đứng lớp đó là nếu thuyết trình trong một khoảng thời gian dài thì hầu hết sinh viên đều mệt mỏi khi phải ngồi lắng nghe mà không được chủ động tham gia vào bài giảng. Mặc dù các giảng viên hoàn toàn chủ động về thời gian và nội dung giảng dạy, nhưng giảng viên cũng vẫn rất mệt mỏi như sinh viên. Mặt khác, chỉ có mỗi giảng viên là người trình bày, nên dường như giảng viên là người chịu trách nhiệm duy nhất về thành công và chất lượng bài giảng. Điều này không thể khuyến khích sinh viên tích cực học tập và có tâm lý ỷ lại vào giảng viên. Trong thực tế, rất nhiều sinh viên không thể nhớ được hết những gì mà giảng viên trình bày và thậm chí còn nhớ rất ít. Hơn nữa, việc sinh viên ghi nhớ những kiến thức mà giảng viên truyền đạt trên lớp không đồng nghĩa với việc sinh viên hiểu và có thể vận dụng được trong thực tế. Bên cạnh đó, vì sinh viên không có cơ hội để chia sẻ, đóng góp những kiến thức và kinh nghiệm của mình nên giảng viên đôi khi sẽ trình bày lại những kiến thức mà sinh viên đã biết rồi hoặc không cần thiết. Ngoài ra, giảng viên không thể thu nhận được ý kiến phản hồi từ sinh viên nên họ cũng không thể biết được những nội dung nào mà sinh viên đã hiểu, chưa hiểu và những nội dung nào cần thiết phải điều chỉnh lại.
Chúng ta đang kêu gọi và thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy trong giáo dục đào tạo. Điều này không có nghĩa là loại bỏ hẳn phương pháp thuyết trình ra khỏi các phương pháp giảng dạy nên áp dụng hiện nay. Không thể phủ nhận phương pháp thuyết trình là một phương pháp cơ bản, quan trọng, dễ dàng áp dụng để truyền đạt kiến thức, cung cấp thông tin trên mọi lĩnh vực và đối với các ngành nghề khác nhau. Trong một thời gian ngắn, phương pháp thuyết trình có thể cung cấp một khối lượng thông tin, kiến thức lớn cho một số lượng người nghe đông (lớp học đông), đây là ưu điểm nổi bật mà các phương pháp giảng dạy khác rất khó mà có được. Do đó, khi đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học, giảng viên nên kết hợp sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống với các phương pháp giảng dạy khác (như các phương pháp Làm việc nhóm; Bể cá vàng; Sàng lọc; Đóng vai; Vấn đáp; Chuyên gia…) tiến bộ hơn, hiện đại hơn một cách hiệu quả và hợp lý nhất, tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung, đối tượng giảng dạy và các điều kiện học tập.
Thạc sỹ Phạm Minh Đức
                                                                                                            Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 

Nên “đổi mới” hay “cập nhật” phương pháp giảng dạy?

Nếu dùng chữ “đổi mới” thì e rằng gây hiểu nhầm. Đổi mới là bỏ cái cũ vì nó hết thích hợp? Mà đã có nghiên cứu nào đáng tin cậy cho thấy phương pháp giảng dạy tại VN là hết thích hợp? Và hết thích hợp chỗ nào? Với đối tượng nào? vì sao?

Sống ở thời đại văn minh ngày nay, ta không thể kết luận điều gì mà thiếu những căn cứ khoa học, chính xác, đặc biệt về lĩnh vực giáo dục.Trẻ em không phải là những “vật thí nghiệm”, đổi mới phương pháp không đúng thì hậu quả sẽ kéo dài cả một hay hai thế hệ.
Nếu “đổi mới” chỉ để đổi mới mà thiếu những căn cứ cần thiết thì e rằng sẽ làm việc “ vá áo”, mà vá vụng về nữa, nó sẽ luộm thuộm, khó xem, cái kiểu mà người Pháp gọi là “miếng dán trên cái chân bằng gỗ” (une emplâtre sur une jambe en bois).
Thay vào đó, tôi xin đề nghị chữ “cập nhật” phương pháp giảng dạy.
Riêng bản thân, trong quá trình đi dạy từ 1975 đến 2009 ở Bỉ, tôi đã phải liên tục cập nhật phương pháp giảng dạy của mình vì thời thế thay đổi, quan niệm của việc dạy và việc học không còn như xưa; vì khoa học có tiến bộ, chúng ta hiểu rỏ hơn nhu cầu tâm lý học sinh chẳng hạn; kỷ nghệ thông tin giúp ta thêm nhiều phương tiện hổ trợ cho việc đứng lớp và đào tạo học trò. Sau cùng, nội dung của môn mình dạy có nhiều cái mới nữa...
“Cập nhật” là một việc cần thiết. Cần thiết cho tất cả mọi ngành chứ không riêng gì cho giáo dục. Nếu không, ta có thể trễ chuyến tàu và bị bỏ lại trên nhà ga vắng lạnh!
Chữ cập nhật dễ được chấp nhận hơn : nó không bao gồm ý phải bỏ cái cũ. Ta vẫn giữ đấy chứ, giữ những phần còn thích hợp và tốt nhất trong hoàn cảnh đặc thù. Nhưng ta đi cùng với trào lưu, nhập cái mới mà nhập có suy nghĩ, đắn đo. Nhập với những biến chế cần thiết cho thích hợp với người đi dạy và người đi học bên ta, trong giới hạn vật chất mà ta phải đương đầu. Hành trình này, các nhà toán học gọi là “tối ưu hóa các ràng buộc” (optimalisation des contraintes).
Cập nhật phương pháp giảng dạy là một chuyện thường tình vì không có một phương pháp giáo dục duy nhất hữu hiệu để áp dụng cho bất cứ môn nào, trong bất cứ bối cảnh hay thành phần học sinh, hoặc cho mọi chủ đích, ...Nói về phương pháp giảng dạy phải kể ít nhất là các khác biệt của 3 bậc học khác nhau: tiểu học, trung học và cao đẳng & đại học; trong đó mỗi bậc học có những đối tượng khác nhau, những cách cấu trúc, sinh hoạt đặc thù và những phương pháp cần áp dụng.
Không thể dạy một em bé theo cách ta dùng cho những sinh viên đã trưởng thành. Không thể ê a kể chuyện trước một giảng đường hai trăm người như ta có thể làm trước hai mươi học sinh.
Trong mỗi hệ, các môn khác nhau đòi hỏi những phương pháp giảng dạy khác nhau. Thí dụ môn toán và môn văn chương chẳng hạn.
Thậm chí, cùng một môn, trong một hệ, cùng một giáo sư, trước hai lớp khác nhau, giáo sư ấy cũng phải thích ứng trong phương pháp của mình.
Ngoài ra, phương pháp giảng dạy đi kèm với phương pháp thi cử. Thay đổi là phải thay đổi cả hai. Không những trong hình thức mà ngay cả trong nền tảng và trong quan niệm triết lý.
Thành ra cập nhật phương pháp giảng dạy là công việc của cả khoa Sư Phạm, qua những quá trình nghiên cứu và đào tạo liên tục nhiều năm. 
Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ xin đề cập một ít kinh nghiệm, không phải là kinh nghiệm bản thân hay của Bỉ, nơi tôi sống, mà là kinh nghiệm của Phần Lan: học sinh nước này, từ hơn mười năm nay, đã dẫn đầu (hay ít nhất là ở top 5 trong khi Bỉ được xếp hạng 14 tới hạng 21 tùy môn) theo nghiên cứu PISA, về kết quả học tập tới năm trẻ 15 tuổi.
Làm sao mà các em giỏi như thế ? Có bí quyết, bí mật gì trong đó ? Ngay tới chúng tôi ở Bỉ cũng phải giật mình, thấy người mà nhìn lại ta và cố tìm cách rút bài học.
Giới hạn của bài này là giới hạn của một người đứng bên ngoài. Nhưng nó được cái là có thể khách quan hơn...
 Nghiên cứu PISA?
PISA là tên tắt của : Programme for International Student Assessment được OCDE (Organisation de Coopération et de Développement Econonique) cho thực hiện để đo những mức hiểu biết mà học sinh trong một số quốc gia, thành viên hay không thành viên của tổ chức này, đạt được, năm 15 tuổi. 
Dĩ nhiên, nghiên cứu PISA bị một vài phê bình tiêu cực, nhưng tựu trung nó thể hiện ít nhất là một phần thành quả của hệ thống giáo dục của các quốc gia nằm trong nghiên cứu. Trên bình diện kinh tế, kết quả của mọi “sản xuất”, kể cả “sản xuất ngành giáo dục” được đánh giá trên “sản phẩm”. Hiểu biết của học sinh là sản phẩm của quá trình dạy và học của trường và các em trong hơn 10 năm.
Từ những năm 2000, 2003, 2006 học sinh Phần Lan luôn đứng hạng nhất theo kết quả của PISA.
Nghiên cứu PISA mới đây, năm 2009, cho thấy học sinh Shanghai (Thượng Hải) đứng đầu bảng cho cả ba môn : Toán, Khoa học và đọc Văn. Phần Lan thì trong top 5, 6 trong top đó có các nước và lảnh thổ như Shanghai, Singapore và Hàn quốc nữa.
Để có thêm một ý tưởng về các kết quả của PISA 2009, xin ghi là giới trẻ người Mỹ chẳng hạn, chỉ đứng thứ 30 về Toán, thứ 23 về Khoa học và thứ 17 về khả năng Đọc - nghĩa là trên giửa bảng một tí. 
Cuối bảng, trong số 65 quốc gia và vùng của nghiên cứu PISA, là Kirghizistan.
Hệ thống giáo dục của Phần Lan:
Cách đây nửa thế kỷ, đến những năm 1960, tất cả trẻ em ở Phần Lan không có phương tiện đến trường vì lãnh thổ của nước này rất rộng, mật độ dân cư thấp, kinh tế không trù phú nên không có trường học ở mọi nơi.
Thế nhưng, sau đó, chính phủ Phần Lan đã đưa giáo dục lên hàng quốc sách, bắt chước trước tiên theo mẫu của nước láng giềng Thụy Điển (và bây giờ đã vượt xa Thụy Điển theo kết quả PISA).
A. Những nguyên tắc căn bản của hệ thống giáo dục ở Phần Lan:
•   Giáo dục cưỡng bách và miễn phí hoàn toàn tới tròn 16 tuổi. Triết lý của Phần Lan không là giáo dục cho một thành phần tinh hoa của xã hội mà giáo dục bình đẳng cho cả xã hội.
•  Bình đẳng đến trường, không khác biệt và không sàng lọc tất cả các trường đều là trường công (cả nước chỉ có 5 trường tư – tư vì lý do tôn giáo là chính), có trình độ và giá trị ngang nhau, trường ở nơi đồng quê được thiết bị tốt nhất (dụng cụ vật chất và nhân sự) để không thua các trường khác ở đô thị chẳng hạn.
•   Bổn phận phải chọn trường gần nhà nhất – dù sao đi nữa các trường đều tốt bằng nhau nên phụ huynh đã không phản đối
•   Chương trình phổ thông chung tới tròn 16 tuổi cho tất cả, không phân chia bộ môn.
•   Phương pháp giảng dạy linh động tùy theo đặc thù của học trò
•   Không cho điểm (dù có đánh giá, phê bình và hướng dẫn) và không ở lại lớp. Tất cả mỗi môn đều phải thành công, trường phải đi với các em đến kết quả chứ không phải chỉ có trách nhiệm cho phương tiện - obligation de résultats et non pas obligation de moyens - nếu cần thì tổ chức kèm thêm, miễn phí, ở trường, bởi chuyên viên giáo dục. Và không có phạt. Các em phải học tự đánh giá quá trình của mình cùng với thầy (và các em làm rất tốt chuyện này!).
•  Cấm quảng cáo thành tích các trường.
Như vậy tựu trung sự bình đẳng ở đây là một bổn phận, không thứ bậc giửa các trường, một chương trình cho tất cả mọi em và tất cả các em đều học xong chương trình. Để thực hiện bình đẳng tốt nhất, đến các bữa ăn cuả các em cũng miễn phí và xe bus các em đi cũng không tốn tiền. Ở Bỉ, các trường có “cạnh tranh” vì chế độ tài trợ được tính trên số học sinh, các bữa ăn của các em không miễn phí và giá của một vài phí sinh hoạt nhiều khi là “nguyên nhân” của sự chọn trường này hay trường khác.   
B. Về sinh hoạt :
•  Tối đa 20 trò mỗi lớp ở cấp mẫu giáo, 24 trò mỗi lớp sau đó
•  Ở lớp mọi người đều phát biểu, gần như là một “luật” bắt buộc, tự do đi lại trong lớp, lớp ồn, nhưng đó là một “vô trật tự có tổ chức”
•  Liên hệ giáo dục vừa dọc (thầy-trò) vừa ngang (trò – trò) để mọi người cùng hiểu bài
•  Rất ít bài làm ở nhà trừ phi là việc cần cho buổi học hôm sau (tìm tài liệu chẳng hạn)
•  Học ít chơi nhiều : từ 19 tiết – mỗi tiết là 45 phút - cho các em tới 9 tuổi; tăng từ từ đến 33 tiết cho các em sau 13 tuổi. Giữa hai tiết là chơi 15 phút.
•  Các em tự chủ và tự quản : lo vệ sinh cho lớp, cho trường, để ý đến bạn bè chẳng hạn trong những sinh hoạt, học hành
•  Thông thường, tới 13 tuổi, các em đi học từ 8 giờ sáng đến 13 giờ. Phần còn lại là để cho các sinh hoạt riêng thể thao, âm nhạc,... nếu các em thích – cũng hoàn toàn miễn phí.
C. Về định hướng tương lai :
•  Học ngoại ngữ từ mẫu giáo. Phần Lan là một nước với hai ngôn ngữ chính thức (ngôn ngữ thứ hai là tiếng Thụy Điển). Hiện nay đại đa số giới trẻ giỏi tiếng Anh nữa, tức là biết 3 ngôn ngữ.
•   Không có thi tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ có đánh giá ở trường
•   Học nghề, sau 16 tuổi, cũng được xem là tương đương với học phổ thông cấp 3. Bằng chuyên nghề – 3 năm – cũng được công nhận để thi vào Đại học nếu các em muốn, sau đó.
Kết quả là tới năm 16 tuổi, chỉ có 3% học sinh không đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học cơ sở (ở Bỉ, gần 50% học sinh 16 tuổi đã phải ngồi lại lớp một lần). Sau đánh giá này, các em không đủ chuẩn được giúp trong một năm đặc biệt. Sau đó, tỉ số không đủ chuẩn còn là 0,3% (nói chung các em này là do có vấn đề về sức khỏe / thần kinh).
D. Xã hội và trường học :
Bình đẳng và giáo dục là quốc sách. Quốc sách này chỉ thực hiện được nhờ một môi trường hòa bình với những liên hệ thân hữu và tín nhiệm. Cha mẹ tin cậy trường học và triết lý của trường (cũng có bất đồng, nhưng được giải quyết thỏa đáng : chẳng hạn lúc đầu cha mẹ đòi “có điểm” chứ không chịu “cái mù mờ của đánh giá không có số”).
Trường học “vui” đến nổi giới trẻ Phần Lan, đều giử kỷ niệm đẹp thời thơ ấu và rất thích nghề giáo. Rốt cục, dù là phải qua 6 năm đào tạo Đại học mới đi dạy được (cho mẫu giáo, tiểu học hay trung học đều phải 6 năm – 6 năm này được học bổng đủ sống), số ứng viên vào trường Sư Phạm rất đông và thông thường, chỉ 10% ứng viên được tuyển chọn. Người được chọn vì vậy là những người rất hăng say với nghề.
Phải qua 6 năm đào tạo vì người đi dạy phải là một chuyên viên “đa tài”, nắm hết nội dung chương trình cần dạy và nhất là có khả năng co dãn, chọn phương pháp tốt nhất để đưa học trò mình đến bến bờ hiểu biết.
Vai trò của một giáo viên là cùng đi với học trò mình để em xây dựng kiến thức cá nhân với sự góp sức của giáo viên, trường học, môi trường, gia đình, thư viện, báo chí, internet, ... 
Nghề giáo viên là một nghề danh giá, được xã hội xem trọng, chỉ kém hơn bác sĩ kỷ sư hay nha sĩ vài nấc thôi ( ở Bỉ, giáo viên tiểu học ở hạng khoảng 35 trên 100 nghề trong khi bác sĩ kỷ sư ở trong 5 hạng đầu bảng) dù lương tháng không tới 2000 euros, lúc mới vào nghề.
Tất cả những đặc thù nói trên của Phần Lan, cộng chung lại, cho ra kết quả là tri thức và thành công của học sinh 15 tuổi, qua kết quả PISA, rất cao dù là đầu tư của quốc gia (ngân sách dành cho giáo dục, tính bình quân theo học sinh) không cao hơn ở Bỉ hay ở Pháp.
Kết luận:
Theo kết quả PISA gần đây nhất, Shanghai (Thượng Hải), Singapore và Hàn quốc cũng đứng đầu bảng. Có thể những “kiểu mẫu” hay cách làm của những cộng đồng này gần với Việt Nam hơn. 
Xin để phần ấy cho những chuyên viên về giáo dục ở châu Á.
Riêng đối với giới giáo dục ở Bỉ, kinh nghiệm của Phần Lan được xem như một hình thức phải nghiên cứu và có thể ứng dụng. Hiện trạng trường học ở Bỉ còn bất bình đẳng và còn nhiều học sinh kém, mặc dù là đã có chế độ cưỡng bách giáo dục và miễn phí đến năm tròn 18 tuổi từ lâu và mặc dù đại đa số học sinh sống rất hạnh phúc ở học đường.
Về trường hợp Việt Nam, cần nhiều nghiên cứu khoa học tổng thể, biết người biết ta, để có thể kết luận khách quan về những chỗ cần để cập nhật một cách phù hợp. Nhìn chung, phải thấy nhu cầu cập nhật những điều mới mẻ có tính thời đại là tất yếu, và nên cập nhật cho cả hệ thống chứ không phải chỉ làm theo kiểu“vá áo”. Nếu định hướng phát triển theo mô hình Phần Lan thì tôi nghĩ có triển vọng tốt, chỉ cần nửa thế kỷ có thể tiến lên hàng đầu về giáo dục !

                                                        Nguyễn Huỳnh Mai
                                                               Liège, Bỉ

LTS Dân trí - Bài viết trên đây nêu lên những kinh nghiệm “câp nhật” phương pháp dạy học tại Bỉ và nhất là Phần Lan. Tác giả là một nhà giáo dạy học lâu năm ở nước ngoài nhưng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến nền giáo dục nước nhà, đã viết nhiều bài trên Diễn đàn Dân trí để đóng góp ý kiến về những chủ đề được bạn đọc quan tâm.
Hy vọng bài viết trên đây cung cấp những thông tin bổ ích xung quanh chủ đề về đổi mới phương pháp dạy học đang được ngành giáo dục và đông đảo nhà giáo ở nước ta quan tâm.

Khoảng trống văn hóa đọc


Các nhà nghiên cứu, với những góc nhìn khác nhau, đã chỉ ra nhiều nguyên nhân lý giải cho thực trạng văn hóa đọc hiện nay. Rằng, chính vì ít đọc mà phần lớn bạn đọc thiếu đi khả năng lựa chọn sách hay, sách phù hợp với sở thích hoặc đơn giản là đáp ứng nhu cầu công việc hằng ngày..., dẫn đến chán nản, ngán đọc và cuối cùng là bỏ đọc..

Do được tiếp xúc với nhiều tầng lớp bạn đọc, tôi muốn nhìn thực trạng này ở một khía cạnh khác. Ấy là dường như khát khao hiểu biết đã không còn thường trực như ngày nào, mà căn nguyên của nó là con người ta bây giờ phải chi phối bởi quá nhiều mối bận tâm. Muốn nhiều quá thì tâm luôn xáo trộn, tâm không an thì trí không sáng, như vậy thì đến chơi cũng không xong, nói gì đến đọc sách và hơn thế nữa.
Hẳn chúng ta cùng hiểu rằng, văn hóa đọc thể hiện chủ yếu ở năng lực đọc văn bản, vì thế cần phải huấn luyện từ nhỏ. Nói cách khác, văn hóa đọc cần được xây dựng một cách tự nhiên mà bền bỉ ngay từ các cấp học cơ sở và phổ thông. Đó là quá trình rèn thói quen "thích đọc", cũng đồng thời luyện khả năng biết lược bớt những gì "cố phải đọc", từng bước tạo nên nhu cầu tự nguyện và hứng thú trước những cuốn sách thiết thực và bổ ích.
Lại nghĩ, nhiều khi hoài niệm thành vật nâng đỡ. Cái ngày những người lính luôn cận kề gian khổ, thiếu thốn, cái chết luôn rình rập, vậy mà mỗi khi hiếm hoi có chuyến xe về hậu phương, lại chất đầy ba-lô sách cũ, để rồi trông ngóng có chuyến xe trở lại mặt trận với căng đầy ba-lô sách mới; cái ngày những du học sinh mỗi khi về nước hòm to hòm nhỏ, nhưng chứa... toàn sách, chừng đã xa rồi. Dĩ nhiên thôi, vì ngày nay không thiếu sách và không thiếu các phương tiện tiện ích khác cho bất kỳ ai có khát khao đọc sách. Điều đáng nói là cái tinh thần ham hiểu biết, khát khao hiểu biết đang mai một nghiêm trọng vì như trên đã đề cập, nó đang bị quá nhiều ham muốn khác lấn chỗ.
Hình ảnh những đám người "buôn chuyện" tràn lan các cơ quan công sở... thật sẵn, vậy mà nói chuyện đọc sách ư, không có thời gian. Và ngay cả với công việc chuyên môn buộc ai đó phải đọc cuốn sách nào đấy, thì cũng chẳng mấy người bình tâm đọc cho đến nơi đến chốn. Cũng bởi thế mới sinh ra chuyện có người viết giới thiệu sách mà đọc chớt chát, thậm chí không đọc, họ chỉ cần nghe nói (căn bệnh hóng hớt) là phóng bút rồi. Chả trách, nhan nhản những bài giới thiệu sách na ná nhau, nhiều khi chỉ khác mỗi tên sách, tên nhà xuất bản và tên tác giả, còn lại họ chỉ việc điền những cảm nhận "sâu sắc đầy khám phá" của họ vào. Than ôi! Hóng hớt sinh ra những sản phẩm hóng hớt là vậy.
Xưa nay, sách luôn được coi là người bạn tâm giao chia sẻ mọi vui buồn sâu kín của mỗi con người. Cũng bởi vậy mà từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người. Tất nhiên, ta không cần những con mọt sách. Ta cần một thái độ đúng đắn với sách và với sự đọc sách. Nếu không, tự nó đã chẳng mang lại ích lợi gì mà còn gieo họa cho xã hội. Nói điều này để thấy rằng, yếu tố xã hội và thị trường hiện nay đã và đang tác động không nhỏ tới văn hóa đọc. Vì doanh thu, người ta có thể tập trung làm các loại sách có giá trị thấp, tư duy đơn giản, dễ dãi, thậm chí xuất hiện cả những loại sách có xu hướng dung tục, miễn là bán chạy. Ở khía cạnh xã hội, dường như phần đông người đọc hiện nay tìm đến sách đều vì mục đích giải trí, giết thời gian là chính. Và cùng đó là sự đọc theo phong trào. Khi được hỏi lí do tại sao lại tìm đến những cuốn sách đang "nóng" trên thị trường, hầu hết câu trả lời là vì thấy nhiều người cũng đang tìm đọc những cuốn sách đó. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn tự huyễn hoặc mình rằng cứ đọc những cuốn sách theo phong trào mới là sành điệu, là đúng thời đại. Trong bối cảnh ấy, văn hóa đọc thật khó được xem là có môi trường phát triển tốt đẹp.
Song, văn hóa đọc luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tri thức nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Qua sự phát triển của văn hóa đọc có thể thấy sự phát triển của đất nước. Vì vậy, xây dựng văn hóa đọc cũng đồng nghĩa với xây dựng ý thức, thói quen và khả năng chọn lọc tác phẩm. Qua mỗi cuốn sách, người đọc học hỏi được những gì về ngôn ngữ, cách viết và đặc biệt là giá trị nội dung, tư tưởng cũng như tri thức mà cuốn sách mang lại. Làm sao để mỗi khi đọc sách, người đọc như được bước vào một thế giới riêng và khi đọc xong, tự thấy mình giàu có thêm bởi những gì vừa cảm nhận. Chưa kể, vốn sống và khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng tỷ lệ thuận với những cuốn sách có giá trị ấy. Dĩ nhiên, đọc sách theo đúng nghĩa thì bao giờ người đọc cũng phải động não, suy ngẫm và lắng đọng trước những con chữ. Điều này khác hẳn với sự đọc sa đà vào những thú giải trí, hời hợt; những ấn phẩm với ngôn từ đơn giản, sáo rỗng, dễ hiểu.
Văn hóa là kết tinh của những giá trị tinh thần. Văn hóa đọc, hiểu một cách giản dị là sự rèn cách đọc sao cho biết cảm thụ cái đẹp, biết thu lượm những tri thức, lối sống từ những điều chuyển tải sau con chữ, để con người ngày càng hoàn thiện hơn, biết sống tốt đẹp hơn, và cuối cùng là góp phần xây dựng một xã hội văn hóa với những con người văn hóa. Bởi vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để có thể sớm lấp đầy khoảng trống ấy, mà điều cốt yếu lại phụ thuộc vào chính lòng khát khao hiểu biết của mỗi con người.
Lê Mạnh Tuấn
Nguồn: Nhandan.com.vn

Friday, June 29, 2012

Sửa lỗi tự cao ở trẻ em


Bạn đừng đặt con mình làm trung tâm của vũ trụ mà hãy dạy nó biết quan tâm đến người khác.
Cha của một đứa bé sáu tuổi tâm sự rằng anh nhận thấy con mình có thái độ hơi khác nhưng không biết rõ điều gì đang xảy ra. Anh nói: “Cu Bi không hư. Ở trường cháu học rất tốt và có nhiều bạn. Nhưng tính cách của cháu rất khác lạ, tôi không thể diễn tả được. Bà nội cháu vẫn hay gọi nó là “Bi tự cao tự đại”.
Tự cao tự đại là cách nói đã có từ lâu hàm chỉ những người có nhận thức lệch lạc rằng họ rất quan trọng. Giống như cu Bi, những đứa trẻ này không ác ý, cũng không ngang bướng hay ngỗ ngược, nhưng chúng lại không khiêm tốn một chút nào.
Khi bạn suy nghĩ về điều này bạn sẽ thấy không có gì đáng ngạc nhiên. Cha mẹ ngày nay quan tâm đến con cái mình quá nhiều. Chúng ta sắp xếp công việc hàng ngày của mình dựa trên hoạt động của trẻ và thường có khuynh hướng làm cho trẻ tự đánh giá cao về mình. Ngoài ra, phim ảnh và quảng cáo trên ti vi hằng ngày đã in vào đầu trẻ những tư tưởng góp phần làm định hình tính ích kỷ của chúng: “Tất cả cho trẻ em”; “Hãy thỏa mãn cơn khát của bạn”; “Hãy có những gì bạn muốn – Bạn xứng đáng được như thế”. Những người hùng, vận động viên điền kinh, ngôi sao điện ảnh, người mẫu, nhạc sĩ, diễn viên hài là những nhân vật mà trẻ thần tượng hóa... mỗi khi xuất hiện trong quảng cáo là tỏ ra khoe khoang, đề cao sự thành công của họ, có khuynh hướng thỏa mãn nhu cầu của mình.
Tất cả những chào mời đội lốt văn hóa này đã khơi dậy tính ích kỷ chỉ biết đến mình vốn có nơi trẻ. Nó tưởng mình là trung tâm của vũ trụ.
Đa số phụ huynh không thấy rằng chính nhận thức này làm cho trẻ không những kiêu căng mà còn trở thành khoác lác, không đáng tin. Chúng cần phải biết khiêm tốn để hiểu rằng chúng chỉ là một phần của cộng đồng rộng lớn hơn trong đó có nhiều người với những suy nghĩ và lối sống khác nhau, chúng được che chở bảo bọc bởi cha mẹ và những người có trách nhiệm.
Những đề nghị dưới đây gợi mở một giải pháp đối với hiện tượng “ưu tiên cho con” mà trẻ thể hiện khi nó luôn giành lấy tất cả mọi thứ xung quanh.
Nuôi dưỡng và phát triển lòng biết ơn
Điều quan trọng là trẻ phải học biết ơn những người đã chăm lo cho mình, bắt đầu từ cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng nếu cứ nhắc đi nhắc lại việc trẻ được nhận quá nhiều từ người khác sẽ làm cho chúng mặc cảm có lỗi.

Nhưng sự thật lại khác: Trẻ sẽ ít mặc cảm có lỗi một khi chúng ý thức được những may mắn mà chúng có. Trẻ cần được dạy dỗ về cha mẹ đã phải tốn nhiều công sức để có thể tổ chức được một buổi tiệc sinh nhật cho nó. Điều này giúp trẻ nhận thức rằng không có gì trong cuộc sống tự dưng có mà không cần phải cố gắng.
Làm thế nào để thực hiện được điều này?
  • Hãy nói cho trẻ biết những nỗ lực mà mọi người đều phải làm để đảm bảo cho chuỗi mắt xích các hoạt động trong xã hội luôn gắn chặt với nhau như cảnh sát hướng dẫn giao thông, nhân viên vệ sinh thu gom rác, người làm vườn chăm sóc cây cảnh trong công viên bằng tất cả sự nâng niu và trân trọng. Trẻ rất thích nghe kể về những công việc như thế.
    Một ông bố kia kể lại rằng đứa con anh rất thán phục khi nghe kể về một chuỗi những hoạt động của những người có liên quan đến trái chuối bán trong các siêu thị: bắt đầu từ người trồng, chăm sóc và thu hoạch chuối, đến bác lái xe chở cuối từ miền quê lên các cửa hàng ở thành phố. Sau đó người bán hàng mới bày chuối lên kệ... Và tối hôm đó, đứa bé ăn trái chuối tráng miệng với tất cả hiểu biết về những khó nhọc mà mọi người đã trải qua để nó có được những trái chuối ngon lành.
  • Hãy cho trẻ thấy bạn trân trọng vai trò của người khác trong nỗ lực góp phần vào các hoạt động của xã hội. Đôi khi người lớn chúng ta đối xử với những người phục vụ trong các cửa hiệu, nhà hàng... rất vô tình. Đấy chính là thái độ thiếu tôn trọng người khác và thường được biện minh “chẳng qua họ làm công việc họ phải làm”. Một khi bị thái độ này hằn sâu vào tư tưởng, con bạn không những kiêu căng mà còn ứng xử rất khó coi.
  • Đừng quên cám ơn nhân viên ngân hàng, nhân viên thâu ngân của siêu thị, người bưng phở cho bạn trong quán... Hãy nhìn thẳng vào mắt, chào nói thân thiện với người thu phí cầu đường trên xa lộ và người hàng ngày giao báo, đổ rác... cho gia đình bạn. Con bạn sẽ theo đó mà bắt chước. Những cư xử hòa nhã hàng ngày của bạn sẽ tạo cơ hội cho trẻ có được sự đồng cảm đối với mọi người và từ đó nó biết rằng không một ai có khả năng sống tách biệt ra khỏi thế giới xung quanh.
  • Hình thành thái độ biết ơn. Định sẵn khoảng thời gian thường kỳ mà bạn và trẻ có thể cùng nhau điểm lại những gì phải biết ơn. Vài phút tịnh tâm cám ơn trước bữa ăn là cách truyền thống nhiều người thường làm.

Có lẽ bạn biết lúc nào trẻ ở trạng thái cởi mở nhất và sẵn sàng chia sẻ những gì chúng nghĩ. Có thể là vào giờ đi ngủ hay trên đường đi học về. Ít nhất là 2 lần mỗi tuần vào những khoảng thời gian thuận tiện, hãy nói với trẻ về thái độ biết ơn.

(Internet)

Rèn luyện tư duy cho trẻ



Có một số bậc cha mẹ hay phàn nàn: con tôi nhanh nhẹn, thông minh, học không đến nỗi nào, vậy mà trong cuộc sống cháu hết sức thụ động ở mọi tình huống, chẳng chịu suy nghĩ để tìm cách giải quyết vấn đề….

Đây là điều vẫn thường xảy ra, vì không phải đứa trẻ thông minh là có tư dauy tốt. Bởi lẽ người thông minh thường tìm ra câu giải đáp nhanh, trong khi đứa trẻ khác bị chê là chậm chạp thì lại suy nghĩ kỹ càng, chính chắn. Đòi hỏi một đứa trẻ phải suy nghĩ là một việc khó, nhưng suy nghĩ chính xác và có phê phán lại khó hơn nhiều. Vì các em cần phải biết ứng dụng những gì đã học vào cuộc sống. Nhiệm vụ của cha mẹ  là phải biết hướng dẫn cho con làm được như vậy, nhưng lâu nay chúng ta ít để ý đến vấn đề này. Vậy nên giáo dục như thế nào để kuyện cho con thói quen biết suy nghĩ?

Tạo cho trẻ thói quen suy nghĩ từ khi còn nhỏ?

Khi trẻ lên 3-4 tuổi, các bậc cha mẹ nên tập cho con mình biết cách tư duy. Trong những lần kể chuyện cho con nghe, bạn cần đặt ra những tình huống đơn giản nhất. Ví dụ mẹ thỏ đưa thỏ đi chơi, nếu thỏ con bị lạc thì cần phải làm thế nào và trả lời luôn, lúc đó thỏ con phải nhờ người khác đưa về hoặc tìm cách báo cho mẹ biết để mẹ đến đón… Những lần khác, bạn lại đặt con mình và vị trí thỏ con và để con phải động não xem mình phải làm gì, con bạn sẽ áp dụng câu chuyện kể, qua nhiều lần như thế các cháu sẽ tạo một phản xạ trong óc nếu có tình huống tương tự xảy ra. Cô bạn tôi có con trai mới lên 7 tuổi, một lần cô đưa con đi học vẽ và dặn con chiều về đợi mẹ sẽ đón. Chiều ấy, có việc bận đột xuất, cô không tới đúng giờ được. Cháu đã tự đi về và gọi điện đến cơ quan báo cho mẹ biết: “Mẹ ơi! Con chỉ đi trên vỉa hè thôi. Qua ngã tư con nhờ chú công an dẫn qua đường đấy ạ.”. Để cháu có được tư duy như thế, cô bạn tôi đã luôn đặt ra câu hỏi cho con: “nếu mẹ không đến đón con được thì con làm gì?”, “Qua đường con phải đi như thế nào?”… Cách làm của bạn tôi đã giúp con mình luôn nhanh nhẹn và tự tin vào chính bản thân mình. chắc chắn khi lớn lên, cháu sẽ đương đầu đựơc với mọi khó khăn trong cuộc sống sau này.

Luyện cho trẻ độc lập suy nghĩ:

Ở một số gia đình và ngay cả tại các trường học, nhiều em vẫn có thói quen ít suy nghĩ độc lập, thường nói dựa và đồng ý một chiều theo suy nghĩ của người khác. Trước một vấn đề, nếu một em đứng lên pháh biểu ý kiến của mình, em sau đứng lên lại nói gần như ý kiến của bạn. Các em chưa tập mổ xẻ vấn đề trên cơ sở tranh luận. Về vấn đề này, cô chủ nhiệm lớp con trai tôi có một cách xử lý rất hay. Một lần bạn Minh bị bạn nghi là lấy tiền của mình vì trong giờ chơi, chỉ có mỗi mình Minh ngồi trong lớp. Cô giáo mở cuộc điều tra bằng cách cho người mất lục soát tất cả các cặp của các bạn, nhưng không tìm ra thủ phạm. Thấy vậy, cô giáo liền cho cả lớp suy nghĩ xem tại sao không tìm thấy. Cả lớp tranh luận rất hăng, mỗi em một ý và có em đưa ra ý kiến hay là người kêu mất tự giấu tiền của mình đi? Cô giáo cho lớp trưởng kiểm tra, kết quả đúng như vậy và chính cậu học sinh ấy đã phải nhận rằng mình làm như thế cốt để hạ nhục bạn ngồi bên cạnh.

Qua câu chuyện này, cho thấy nếu cho trẻ suy nghĩ độc lập, cùng nhau tranh luận, biết lật ngược vấn đề các em sẽ rút ra nhiều điều mới mẽ thú vị và bất ngờ.

Trong việc giáo dục phát triển tư duy, người ta thường nhắc đến phương pháp PMT - một phương pháp được áp dụng nhiều nhất trong các trường học ở Mỹ. Đó chính là cách cho học sinh phân tích, nhìn nhận một sự việc tìm ra những điều thuận lợi và những điều bất lợi qua sự việc đó rồi chọn một biện pháp tối ưu để giải quyết. Theo một thí nghiệm dựa trên phương pháp này, cô giáo đã hỏi 30 học sinh lên 10 tuổi:

- Các em có thích được tiền lương để đi học không?
- Có ạ! - Cả lớp đồng thanh trả lời
Cô giáo cho học sinh suy nghĩ xem nếu được tiền lương các em sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì khi đi học. Kết quả sau đó có 29 em đã thay đổi ý kiến vì đưa ra những điều bất cập như cha mẹ sẽ không cho tiền tiêu vặt và nhà trường sẽ tăng mức đóng góp hàng ngày lên… Như vậy là nhờ sự suy nghĩ kỹ càng, các em đã tìm được câu trả lời thích hợp nhất.

Tóm lại, việc rèn luyện thói quen suy nghĩ giúp não các em phát triển là một việc làm vô cùng cần thiết. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cũng như thầy giáo phải bồi dưỡng những kiến thức cơ bản cho các em, từ đó mới có cơ sở để trẻ tư duy. Đây chính là một tiêu chuẩn không thể thiếu, tạo đà cho các em thành đạt trong cuộc sống sau này.
(Gia đình & Trẻ em)

GIÁO DỤC CON NGƯỜI BIẾT XẤU HỔ


Nền giáo dục Việt Nam hiện nay mang đậm tính hành chính. Tính hành chính ấy thể hiện ngay trong kiến trúc trường học. Nếu ở phương Tây, trong những trường danh tiếng, chỗ đẹp nhất, trang trọng nhất bao giờ cũng là nhà thờ, thư viện. Còn ở Việt Nam, “nổi” nhất bao giờ cũng là cái cổng, đằng sau cái cổng ấy là cả hệ thống nào gác cổng, bảo vệ, nào xe cộ, hiệu bộ...


GIÁO DỤC CON NGƯỜI BIẾT XẤU HỔ
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay mang đậm tính hành chính. Tính hành chính ấy thể hiện ngay trong kiến trúc trường học. Nếu ở phương Tây, trong những trường danh tiếng, chỗ đẹp nhất, trang trọng nhất bao giờ cũng là nhà thờ, thư viện. Còn ở Việt Nam, “nổi” nhất bao giờ cũng là cái cổng, đằng sau cái cổng ấy là cả hệ thống nào gác cổng, bảo vệ, nào xe cộ, hiệu bộ...

Về việc học, sinh viên được học chữ, học kĩ năng, học chính trị, học quản lý Nhà nước... nhưng rốt cuộc là học để lấy bằng. Việt Nam là như vậy. Có được mảnh bằng trong tay, cộng với một khoản nào đó hay một mối quan hệ nào đó, kiếm được một chỗ làm và chính chỗ làm ấy dạy con người thành nghề. Ở Việt Nam không học lấy chữ, không học lấy đức mà học lấy bằng. Và hệ lụy của việc học lấy bằng vô cùng tệ hại. Nó làm cho chữ phải biến dạng, đức phải méo mó. Với một nền học vấn hành chính hóa cao độ ấy, giáo viên trở thành những cỗ máy còn học sinh chưa bao giờ được đặt ở vị trí trung tâm. Chưa hề. Trong khi đó, nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới luôn coi trọng người học, đặt người học ở vị trí trung tâm theo đúng nghĩa. Bởi vậy, thứ nhất, giảng đường phương Tây thường được thiết kế tạo độ dốc, sinh viên ngồi bên trên cao vòi vọi, thầy giáo đứng dưới phải nhìn lên thuyết trình. Thứ hai, cuối năm bao giờ sinh viên cũng được quyền đánh giá thầy: Thầy ăn mặc có chỉn chu không, thầy đi dạy có đúng giờ không, thầy dạy có nghiên túc không... Nhưng ở Việt Nam, sinh viên không được phép chấm điểm thầy, mà ngược lại chỉ có thầy chấm điểm sinh viên và không hiếm trường hợp chấm điểm kèm mặc cả.

Đó còn là một nền giáo dục mang tính lễ nghi. Mỗi dịp 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, hàng tá sơ mi, kẹo sôcôla, rượu tây “chạy” một chu trình: từ cửa hàng đến nhà thầy rồi từ nhà thầy lộn lại cửa hàng. Tôi bắt đầu thấy chán, thấy hoảng về một sự lễ nghi mà đằng sau là sự còi cọc về đạo đức, nhân cách ở nhiều phương diện. Đằng sau lễ lạt 20/11 là những phân tâm rất ghê gớm, nhất là trong bối cảnh của năm nay, 2006. Đó là bức tranh pha tạp màu sắc trong nền giáo dục Việt Nam: ở đâu đó có hiện tượng thầy “ăn tiền” chạy trường, ở đâu đó có hiện tượng thầy “đòi tình” con trẻ, ở đâu đó có thầy say xỉn với sinh viên, ở đâu đó có thầy hăng hái “chỉ tội” đồng nghiệp...

Một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, bên cạnh truyền thụ tri thức phải dạy người ta biết xấu hổ. Tại sao nhà thờ lại là nơi trang trọng nhất trong các trường đại học nổi tiếng của thế giới? Bởi, giáo dục phải bắt đầu bằng niềm tin, không có niềm tin không thể có giáo dục. Tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị về tâm linh... là nguồn động lực mạnh mẽ, làm cho con người biết xấu hổ. Học làm người phải bắt đầu bằng học xấu hổ. Người nào còn xấu hổ nhiều, người ấy còn có thể giáo dục được. Chừng nào mất hết dây thần kinh xấu hổ, chừng ấy mất khả năng dạy học làm người.

Muốn xấu hổ phải bắt đầu từ xã hội, bắt đầu từ nghĩa vụ của mình với tập thể, với cộng đồng. Ví như cái ô tô thì nhập về rất nhanh nhưng còn văn hóa của người ngồi đằng sau vô lăng lại là điều cần xem xét lại. Giả thử chị bán rau đánh rơi cân cà chua xuống đường, hàng loạt cái ô tô sẽ đè bẹp dúm cà chua của chị mà không ai xuống để nhặt lên. Liêm sỉ phải bắt đầu bằng giáo dục, bắt đầu bằng việc xấu hổ với chính mình, xấu hổ với việc mình lái ô tô sang trọng như vậy mà đè bẹp lên cà chua của những người dạy từ 2 – 3 giờ sáng, đi bộ 40 – 50 cây số từ ngoại ô vào thành phố cho kịp buổi chợ sáng.

Sự giáo dục như vậy làm con người xấu hổ trước những điều không phải, xấu hổ trước cái ác. Tính hướng thiện, suy cho cùng, bắt đầu từ xấu hổ. Song giáo dục Việt Nam dường như thiếu hẳn, nhất là ở quan chức đôi khi mất luôn khả năng xấu hổ

Suy nghĩ về vai trò của toán học trong xã hội



Dù hơn hai ngàn năm nay toán học đã chứng tỏ mình như một đỉnh cao trí tuệ của con người, xâm nhập vào hầu hết các ngành khoa học và là nền tảng của nhiều lí thuyết khoa học quan trọng, nhưng với không ít người, vai trò của “nữ hoàng khoa học” trong đời sống xã hội vẫn còn là đối tượng tranh luận.
Trong cuộc tranh luận đó luôn có hai luồng. Một luồng đánh giá cao vai trò của toán học, trong khi luồng khác nghi ngờ vai trò của nó, thậm chí phủ định[1]. Thực tế này khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi: toán học có vai trò đến đâu trong xã hội chúng ta (trong khoa học tự  nhiên vai trò của toán học không cần bàn cãi) và vì sao xã hội chưa thấy hết vai trò của toán học.
Vì sao xã hội không thấy hết vai trò của Toán học
Từ thế kỷ mười chín trở về trước, một  nhà toán học có thể vừa là nhà vật lí, nhà triết học hay nhà tự nhiên học. Sang thế kỷ hai mươi khi toán học đã trở thành một ngành độc lập, phần lớn các nhà toán học cũng trở thành những nhà toán học thuần túy, xa rời và ít quan tâm đến những vấn đề thực tế. Phần lớn thời gian của họ được dành để giải quyết các vấn đề phát triển nội tại của toán học vốn ngày càng phức tạp hay các vấn đề khoa học hàn lâm khác theo kiểu “toán học vị toán học”, tương tự như trào lưu “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Hiện tượng này thực ra không có gì lạ, vì như lời một học giả, mỗi khi một sự vật nào đó đã tích lũy được một lượng tri thức nhất định, nó sẽ bắt đầu sống đời sống riêng của nó, ngoại trừ một phần tri thức sẽ ra phục vụ bên ngoài còn phần lớn là đời sống nội tại của chính nó. Toán học cũng không nằm ngoài qui luật này. Nội tại của nó phong phú tới mức “thậm chí ngay một bộ phận nào đó của toán học thuần túy đã rộng lớn đến mức vượt qua khả năng thấu hiểu của con người”[2].
Thế nên dù vai trò của toán học trong các ngành khoa học tự nhiên là vô cùng to lớn, trong con mắt xã hội hình ảnh các nhà toán học cùng những lý thuyết toán học của họ trở nên xa lạ. Năm 1980 tại Warszawa tác giả bài viết này đã chứng kiến cuộc chia tay với Kazimierz Kuradowski, nhà toán học lớn của thế giới, một chuyên gia hàng đầu về Topo: Chỉ một thông báo nhỏ trên báo Đảng và một đoàn người không đông gồm đồng nghiệp và học trò đưa tiến ông đến nới an nghỉ cuối cùng. Cùng thời gian đó có hàng vạn người hâm mộ theo sau đám tang của một vận động viên thể thao nổi tiếng. Những người làm toán chắc không tránh khỏi chạnh lòng dẫu họ rất hiểu nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn (như cụ Nguyễn Du đã từng viết trong Truyện Kiều: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”).
Sự thật là toán học có vai trò rất to lớn trong đời sống thường ngày nhưng không dễ nhìn thấy. Nó có mặt trong các thiết bị được sử dụng rộng rãi nhưng thường bị che lấp bởi công nghệ. Liệu có bao nhiêu khách hàng thuê bao điện thoại biết được để mạng điện thoại vận hành thông suốt có sự đóng góp không nhỏ của thuật toán đơn hình - một thuật toán cơ bản của lí thuyết qui hoạch toán học. Hàng loạt các thiết bị gia dụng thông minh ngày nay được tích hợp các phương pháp của logic mờ. Những người làm công ăn lương vẫn nhận tiền qua các máy ATM nhưng mấy ai biết nếu không có các thuật toán an toàn trong đó thì số tiền của họ sẽ không cánh mà chui vào túi của đạo chích. Và đó cũng chỉ là một số ví dụ đơn cử.
Nhiều tri thức toán học, ngay cả toán học đơn giản ở bậc phổ thông, có thể ứng dựng hiệu quả vào đời sống nhưng đòi hỏi những kĩ năng nhất định và một thói quen nhất định. Trang bị những kĩ năng này là công việc của nhà  trường và sự rèn luyện của bản thân mỗi người. Nhưng trên thực tế, rất ít người, kể cả những người có học vấn tương đối, thực hiện những kỹ năng này. Không chỉ ở những nước còn lạc hậu mà ngay tại những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, theo nhận xét của Andrei Okunkov, nhà toán học Nga đoạt giải Fields, giáo sư  Đại học Princeton, người Mỹ đều mong muốn trở nên giàu có khi về già nhưng không mấy ai biết vận dụng một số kĩ năng của lí thuyết xác suất khả dĩ có thể giúp họ đưa ra những quyết định có lợi cho việc thực hiện giấc mơ của mình [2].
Vài suy nghĩ về vai trò của toán học trong  xã hội 
Hơn một trăm năm trước Karl Marx đã nói rằng một ngành khoa học chỉ trở nên hoàn thiện khi nó sử dụng được ngành khoa học định lượng-đó là toán học. Lịch sử phát triển các ngành khoa học tự nhiên đã hoàn toàn khẳng định luận điểm này của Marx. Nhưng luận điểm đó còn đúng cả với nhiều lĩnh vực xã hội.
Được thôi thúc bởi khát vọng tìm kiếm và sáng tạo, các nhà toán học đã không dừng lại ở các ngành khoa học tự nhiên mà chuyển sang cả các lĩnh vực xã hội. Trong nửa đầu thế kỷ hai mươi họ đã cho ra đời không ít công cụ toán học có thể áp dụng để phân tích bản chất các quá trình xã hội: các phương pháp thống kê xã hội, lí thuyết toán học các xung đột và hợp tác(lí thuyết trò chơi), các mô hình toán học trong kinh tế, phương pháp phân tích hệ thống, lí thuyết các hệ động lực. Một số nhà toán học đã giành được giải Nobel, một giải thưởng khoa học danh giá vốn không dành cho các nhà toán học, như Kantorovich - Nhà toán học Nga, “vì những đóng góp vào lí thuyết phân bố tối ưu tài nguyên” và John Nash - nhà toán học Mỹ, “vì các công trình về lí thuyết trò chơi”.
Từ đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước sự ra đời của máy tính điện tử đã tạo ra một bước ngoặt mới cho việc áp dụng toán học vào xã hội, và ở chừng mực nào có thể nói từ đây toán học cũng đã trở thành một ngành khoa học thực nghiệm giống như vật lí, hóa học, sinh học và một số ngành khác. Nghĩa là ban đầu các quá trình xã hội được mô hình hóa dưới dạng ngôn ngữ toán học (gọi là mô hình toán học-hệ thống các tương quan toán học mô tả dưới dạng thu gọn quá trình xã hội), sau đó chúng được chạy trên máy tính điện tử và có thể được thử đi thử lại nhiều lần. Trên cơ sở đó, người ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Các nhà toán học còn tiến xa hơn, họ đã không dừng lại ở việc mô phỏng các quá trình xã hội ở qui mô nhỏ, vừa, mà thậm chí còn mô phỏng cả những vấn đề ở tầm hành tinh. Từ đây đã ra đời một lĩnh vực liên ngành rộng lớn: mô hình hóa toàn cầu (global modeling) và nhiều hướng mới trong khoa học: lí thuyết toán học về phát triển, lí thuyết các hệ sinh thái, lí thuyết quyết định v.v. Qua đó con người đã thu được rất nhiều thành tựu cho phép phát hiện ra bản chất của các quá trình chính trị-xã hội. 
Toán học không chỉ góp phần vào phân tích và khám phá những bí mật của các quá trình xã hội, toán học còn là bộ phận cấu thành không thể thiếu của những sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày: các hàm băm toán học (hash functions) trong các cấu trúc an ninh của hệ điều hành máy tính, các thuật toán bảo vệ dữ liệu cá nhân và xác thực danh tính  trong các thẻ giao dịch tài chính, ngân hàng, các thuật toán tạo chữ kí điện tử thay thế chữ kí tay, tổ hợp các thuật toán trong chứng thư điện tử được sử dụng trong giao dịch điện tử, công nghệ toán học mờ (Fuzzy Mathematics) trong các thiết bị điều khiển và các thiết bị gia dụng. Có vô vàn những ví dụ khác mà người ta có thể kể ra.
Những hạn chế
Tuy nhiên theo ý kiến của  nhiều nhà khoa học, những thành tựu của việc áp dụng toán học vào khoa học xã hội còn rất hạn chế, và rất khiêm tốn so với những thành tựu của nó trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ví như trong kinh tế học, nơi toán học được áp dụng sớm nhất và đạt nhiều thành tựu nhất, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể phán ánh hết được những hiện tượng quan trọng nhất của kinh tế [5].
Việc ứng dụng toán học vào xã hội có những đặc thù riêng là nguyên nhân của hạn chế nói trên. Muốn áp dụng toán học nhà toán học phải xây dựng được mô hình toán học - tập hợp các quan hệ toán học phán ảnh những khía cạnh định  lượng của các quá trình xã hội. Đây được coi là khâu khó nhất; thứ đến mới là công việc giải mô hình, tức là giải các vấn đề toán học trên đó. Nhưng khi xây dựng mô hình các nhà toán học phải làm việc với đối tượng có bản chất hoàn khác với các đối tượng của tự nhiên, tính bất định cao hơn, nhiều yếu tố ngẫu nhiên hơn, và nếu mô hình muốn tính đến cả hành vi xã hội bao gồm hành vi của tổ chức và con người thì có lẽ như Andrei Okunkov đã nói “ở đây toán học chạm vào ranh giới của cái không thể ”[2].
Hơn nữa muốn xây dựng được mô hình toán học phản ánh được các quá trình xã hội đòi hỏi các nhà  toán học phải  xâm nhập sâu vào các quá trình đó và hợp tác chặt  chẽ với các nhà nghiên cứu xã hội. Điều này không phải nhà  toán học nào cũng sẵn sàng hoặc không phải lúc nào cũng có điều kiện. Nikita Moiseev - người có cống hiến to lớn trong ứng dụng toán học vào xã hội, cho biết để xây dựng  các mô hình kinh tế ông đã phải vừa học vừa làm trong hơn mười năm. Paul Embrechts, người đã cảnh báo về khủng hoảng tài chính thế năm 2008, là một nhà toán học đã dành nhiều năm làm việc cho giới tài chính.
Trong sự hợp tác giữa toán học và các ngành xã hội, tất nhiên sẽ có sự đụng độ giữa  hai lối tiếp cận, hai kiểu tư duy: với các nhà toán học là sự chặt chẽ, chính xác; với các nhà xã hội là tính khuynh hướng, sự ước lệ trong ngôn ngữ. Vì vậy chỉ có thể xây dựng được mô hình toán học cho các quá trình xã hội khi biết kết hợp các phương pháp của toán học với kĩ thuật phân tích của xã hội học, một việc mà trong thực tế không phải lúc nào cũng làm được. Hơn nữa kết quả thu được bao giờ cũng là phương án thỏa hiệp. Do đó dù mô hình toán học tốt đến đâu cũng  chỉ là phương án thu gọn thực tiễn, và chỉ phán ánh một số khía cạnh nào đó của sự vật, khiến những kết luận mà chúng đem lại thường là  đối tượng gây tranh cãi và không được xem là “các định lí về xã hội”. Một đặc điểm nổi bật nữa của một mô hình toán học trong xã hội là việc thử nghiệm trên thực tế đòi hỏi đầu tư tốn kém nhân lực và vật lực, hơn nữa lại không thể lặp đi lặp lại nhiều lần như ở các thí nghiệm vật lí hoặc hóa học. 
“Hãy đo, dù không phải lúc nào cũng đo được” 
Quá trình sản xuất và đời sống ngày càng được tự động hóa thì xã hội ngày càng trở nên nhân tạo và vai trò của toán học ngày càng lớn. Dĩ nhiên không phải hiện tượng xã hội nào cũng có thể được mô phỏng qua mô hình toán học, nhưng không gì có thể ngăn cản sự tò mò, sáng tạo và khát khao chinh phục những vùng đất mới của các nhà toán học. Hàng ngàn năm trước nhà triết học Socrates đã nói  “Hãy đo, hãy đo, dù không phải lúc nào cũng đo được”. Các nhà toán học một cách ý thức hay vô thức hình như đang đi theo lời kêu gọi đó. Họ trở thành một lực lượng đông đảo, có đóng góp lan tỏa rộng khắp trong đời sống. Toán học ngày nay đã trở thành một nghề nghiệp, đảm bảo việc làm cho hàng chục vạn người làm toán trên thế giới, góp phần phát triển và ổn định xã hội. Chỉ ngần ấy đủ cho thấy vai trò không thể phủ định của toán học trong xã hội.
----------

Tài liệu tham khảo

[1] Người làm toán giỏi: Rất lãng phí –Vietbao.vn 21/2/2006

[2] Anerei Okunkov nói về toán học- Tia sáng 20/11/2011

[3] Nguyễn Tiến Dũng: Nhà toán học đã cảnh báo khủng hoảng tài chính.Zung.Zetamu.net 8/10/2011

[4] John Forber Nash: Wikipedia

[5] Nikita Moiseev- Chia tay với sự giản đơn (Bản tiếng nga).Moskva 1998

[6] Dennis Meadows,Donella Meadows,Jorgen Renders: The Limits to growth

[7] Jorgen Stig Norgard, John Peet: The  History  Limit to Growth

[8] N.Moiseev, V Alexandrov, A. Tarko: Con người và sinh quyển (Tiếng Nga)-Moskva 1985
Nguồn tin: Tạp chí Tia sáng

Mười vạn câu hỏi vì sao


Mẹ ơi, tại sao móng tay cắt rồi lại dài ra hả mẹ? Vì sao trong bụng lại có em bé?... Những câu hỏi vì sao của bé khiến người lớn nhiều khi lúng túng. Nhưng, một bảo bối mới sẽ giúp người lớn trả lời mọi câu hỏi Vì sao của bé: Cuốn sách Mười vạn câu hỏi vì sao? 

Không thể kể hết những câu hỏi và câu trả lời trong cuốn sách này chỉ với vài phút. Nếu bé chưa biết đọc, những hình ảnh sinh động, đầy màu sắc trong sách sẽ giúp bé khám phá biết bao điều thú vị. Còn khi bé biết đọc, cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành gần gũi và quý mến.
Phần đầu là những câu hỏi về cơ thể con người mang tên: Điều kỳ diệu của cơ thể. Cơ thể con người là thế giới kỳ diệu nhưng cũng đầy bí ẩn chưa biết hết. Trên cả thế giới bao la, không có một người thứ hai hoàn toàn giống bé. Có điều những vật chất tạo nên cơ thể bé và người khác thì lại hoàn toàn giống nhau. Và “Một vạn câu hỏi vì sao” sẽ giúp bé khám phá những bí mật của cơ thể. Vì sao nước mắt không bao giờ cạn? Bởi vì tuyến lệ không ngừng tiết ra nước mắt trừ khi chúng ta đi ngủ. Vì sao người ta lại hắt xì hơi? Vì đó là những thế bào nhạy cảm ở niêm mạc mũi bị kích thích, truyền tín hiệu cho bộ não, bộ não điều khiển luồng không khí từ phổi thổi mạnh ra ngoài, đó là hắt xì hơi. Khi chúng ta hắt xì hơi, vận tốc của không khí vượt quá 100km/giờ, tương đương gió bão cấp 12. Còn rất nhiều điều thú vị khác: Tại sao lại có dáy tai? Vì sao con người ta có tóc? Vì sao khi đói, bụng cứ sôi ùng ục? Con người có đuôi hay không?...

Khi bé đi xe đạp, tại sao lại không bị ngã nhỉ? Bé sẽ được tìm hiểu điều đó qua phần kiến thức quanh ta. Ở đó, bé sẽ thấy, những hiện tượng nhìn từ bề ngoài tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng những kiến thức khoa học thú vị và bổ ích. Chúng ta đi xe đạp không bị đổ vì khi chuyển động với tốc độ cao, đều sinh ra lực giúp hướng chuyển động không thay đổi. Rồi bé sẽ biết câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi ngộ nghĩnh khác như: Vì sao bọt xà phòng lại tạo ra bong bóng, vì sao có thể dùng ống hút để hút đồ uống? Hay những câu hỏi to tát khác như vì sao chim đậu trên dây điện mà không bị điện giật? Vì sao khi có sấm chớp không được đứng dưới gốc cây to? Tết Trung Thu có từ bao giờ?…
Thế giới động vật đáng yêu, Trái đất tươi đẹp chắc chắn sẽ là những phần các em yêu thích khám phá. Các em được gặp các chú voi khổng lồ: Vì sao voi không bị sặc khi hút nước? Voi thường bôi bùn đất lên mình để làm gì. Hay chú tinh tinh có vẻ rất dữ tợn: Vì sao khỉ đột thích đấm ngực? Đó là vì chúng muốn thể hiện sức mạnh trước đối phương, hay tại sao khỉ thích bắt rận cho nhau? Không phải đâu, chúng đang nhặt các hạt muối trên người bầy đàn để ăn đấy?

PHƯƠNG PHÁP VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM


PHƯƠNG PHÁP VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM do Thầy Đỗ Minh Phương sưu tầm
 bạn đọc quan tâm có thể tải tại đây: Download 

Khai thác và ứng dụng một bất đẳng thức trong giải toán

Bài do thầy Trần Văn Nam do tổ Toán, trường THPT Quảng Xương 1 biên soạn


                                       Download 

MỘT SỐ KỸ NĂNG GIẢI CÁC BÀI TOÁN BẤT ĐẲNG THỨC


Trong chương trình Toán học trung học phổ thông, các bài toán về bất đẳng thức luôn thu hút được nhiều đối tượng học sinh, bởi vì đây là phần khó và thú vị của toán học. Điều đặc biệt là một bài bất đẳng thức khó có thể giải được bằng những cách ấn tượng khi áp dụng những bất đẳng thức đơn giản như : Cauchy, Bunhia -Copxki, Chebysep hay bất đẳng thức hoán vị.
        Trong đó bất đẳng thức Cauchy và Bunhia Copxki là hai bất đẳng thức được sử dụng rộng rãi nhất trong chương trình toán học phổ thông. Tuy nhiên việc nhận dạng và biến đổi hai bất đẳng thức này là không hề đơn giản.  
      Xuất phát từ nhu cầu thực tế ,chúng tôi nêu ra một số phương pháp biến đổi và những biến dạng có ứng dụng hay trong giải toán của bất đẳng thức Cauchy và Bunhia-Copxki đồng thời nêu ra con đường tu duy mạch lạc về kĩ thuật biến đổi của hai bất đẳng thức này ,đưa chúng ta đến với những lời giải hay và ấn tượng.
Bài do thầy Hùng- GV Trường THPT Quảng Xương 1 biên soạn
                             Download 

Phân loại đề thi Đại học từ 2009 đến 2011 theo chủ đề

Phân loại đề thi Đại học từ 2009 đến 2011 theo 14 chủ đề thường gặp của thầy Nguyễn Trường Sơn, GV trường THPT Thới Lai, Cần Thơ. Tài liệu có thể dùng khi luyện thi và ra đề luyện thi Đại học cao đẳng.

                                                       Download 

Những ebook hay nhất về cuộc sống tải ebook về cuộc sống





1) Tôi tài giỏi bạn cũng thế ! của Adam Khoo.


http://www.mediafire.com/?zmjdeihwnh4

2) Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh của Adam Khoo và Stuart Tan.

http://www.mediafire.com/?3mktyliiww1

3) Sách dạy đọc nhanh của Tony Buzan.

http://www.mediafire.com/?rmntylkzi3y

4) Lập bản đồ tư duy của Tony Buzan.

http://www.mediafire.com/?jy1zm5cmnqn

5) Phương pháp học tập siêu tốc của Bobbi Deporter và Mike Hernaki.

http://www.mediafire.com/?d2klnjmzifm

Suối Nguồn Yêu Thương
Links: http://www.mediafire.com/?8qmvjomhl6j83at

Bí Mật Của Một Trí Nhớ Siêu Phàm
Links: http://www.mediafire.com/?dcd46y336wqxy8t

Những Hiểu Biết Về Cuộc Đời
Links: http://www.mediafire.com/?c0qwjs2sfsy410f

San Sẻ Yêu Thương
Links: http://www.mediafire.com/?j84c7jrv7xmn19j

Khi Già Quá Sớm Khôn Quá Muộn
Links: http://www.mediafire.com/?29ki4bdlegf440d

Hạnh Phúc Khắp Quanh Ta
Links: http://www.mediafire.com/?px4keku6hpp4u79

Nếu muốn lên người
http://www.mediafire.com/?q4sxfaxvynvnoh1


Khoa Học Hóa Cách Suy Nghĩ Và Làm Việc
Cũng Hay Lắm!

Links: http://www.mediafire.com/?dv77q7byj402on9

Ý Cao Tình Đẹp
Sách Cổ Hình Như Là Năm 1972 Thì Phải,Mình Không Rõ Lắm,Gồm 2 Bản Pdf Và Prc Tuy Nhiên Mình Khuyến Khích Các Bạn Sử Dụng Pdf Sẽ Thấy Hấp Dẫn Hơn.

Links: http://www.mediafire.com/?c3jnp37bb0497gp

Yes or No
Bản Pdf Scan Full Đọc Sau Này Để Sớm Mang Thêm Cái Kính Cho Nó Tri Thức Và 1 Bản prc Demo Tham Khảo.

Links: http://www.mediafire.com/?q3ni4tb514w1t3b

Ý Chí Sắt Đá
Triết Lí Cuộc Sống-Quyển Này Cùng Tác Giả Với Quyển Đầu Tiên Nhưng Prc Bản Đẹp,Xuất Bản Năm 1971.

Links: http://www.mediafire.com/?q8v0ov0esqi3ar7

Thế Giới Quả Là Rộng Và Có Nhiều Việc Cần phải Làm
Mình Nghĩ Cuốn Này Đang Cần Cho Những Ai Đang Mất Niềm Tin Vào Cuộc Sống.

Links: http://www.mediafire.com/?2cyalcwjlyllshf

Xác Lập Công Thức Tư Duy
Quyển Này Thấy Hơi Lạ(Gần Gần Như Tư Duy Bản Đồ),Giúp Cho Mấy Bạn Còn Đi Học-Còn Hết Học Rồi Là "iu" Thôi.(^0^)

Links: http://www.mediafire.com/?7fkb5snspu734dy

Sự Cần Thiết Ở Một Mình
Cái Tên Đâ Nói Rõ:

Links: http://www.mediafire.com/?nqb7342873c4a73


Sống Đẹp Giữa Cuộc Đời
Nên Đọc,Nói Rất Thẳng Thắng:

Links: http://www.mediafire.com/?ov6w24ako68kt2g

Những Chấn Thương Tâm Lí Hiện Đại
Quyển Này Do Mình Tự Đóng Gói Ebook Trên Mạng Chưa Có Đâu Nhé!

Links: http://www.mediafire.com/?dij48xz19bqbu65

Có Chí Thì Nên
Theo Như Yêu Cầu Của Bạn Nào Chưa Đọc.

Links: http://www.mediafire.com/?72yx7xn3jr32e2r


Tôi Có Thể...Nói Thẳng Với Anh.
Cần Thiết Cho Cuộc Sống:

Links: http://www.mediafire.com/?vkxsciebsc76655


Sau Đây Là 1 Số Ebook Hay Về Tình Yêu Và Cuộc Sống Đã Chọn Lọc:
(Bạn Nào Khai Thác Triệt Để Khu A Của Mình Thì Sẽ Không Bất Ngờ Về Các Ebook Này)

Những Giai Thoại Hay Về Tình Yêu Và Cuộc Sống

Links: http://www.mediafire.com/?awxtj67775sbxq3

Gia Vị Yêu Thương

Links: http://www.mediafire.com/?gs08j2a27qib58p

Anh Sẽ Lại Cưa Em Nhé!

Links: http://www.mediafire.com/?gsa9a0n97qb8r78

Quà Tặng Cuộc Sống
Hơi Mang Tính Tổng Hợp:

Links: http://www.mediafire.com/?xmkak7nf2hky8vh

Hãy Yêu Cuộc Sống Bạn Chọn

Links: http://www.mediafire.com/?v8g9y7k24794sb9


Một Số Truyện Ngắn Mới Cho Mấy Sư Huynh Sư Tỷ Mê Truyện Ngắn:

Tình Yêu Định Mệnh

Links: http://www.mediafire.com/?346zcxfy96vldgm

Em Đọc Thân Em Quyến Rũ

Links: http://www.mediafire.com/?3s1a9e0xxmfpjww

Một Ông Già Đọc Tiểu Thuyết Tình Yêu

Links: http://www.mediafire.com/?buzt3bq82csz82g

Vờ Như 19

Links: http://www.mediafire.com/?bkhx5h9tlpbty42



Thân Phận Tri Thức

Links: http://www.mediafire.com/?zgkxhzeihi5xrn0